- Tứ thời hay tứ quý: mai - sen - cúc - trúc hoặc tùng; mai - lan - cúc - trúc hoặc tùng, biểu tượng của 4 mùa trong năm, trong đó mai tượng trưng mùa xuân, sen hay lan tượng trưng mùa hạ, cúc tượng trưng mùa thu, trúc hoặc tùng tượng trưng mùa đông. Theo văn hóa dân gian, hình tượng tứ thời hay tứ quý có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện ước vọng giàu sang, phú quý, may mắn, hạnh phúc của người dân.
- Tứ linh: được biết đến là 4 linh vật long, lân, quy, phụng, bắt nguồn và hình thành từ bốn linh thần là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Bốn linh thần này là biểu tượng của tinh hoa trời đất vũ trụ, đại điện cho 4 nguyên tố chính là nước, lửa, đất và gió và mỗi vị thần có những quyền năng riêng; trong đó:
+ Rồng: là linh vật đứng đầu mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Theo văn hóa dân gian, rồng đại diện cho hoàng đế, cho những bậc chính nhân quân tử, quyền uy. Rồng còn được xem như một vị thần mang đến sự thịnh vượng, sinh khí dồi dào, sự tươi tốt và thuận lợi cho mùa màng của người nông dân, giúp cây cối tốt tươi và tránh được hạn hán; đối với những người làm ăn thì biểu tượng rồng sẽ mang đến sự hanh thông, thăng tiến vượt bậc trong sự nghiệp.
+ Lân hay Kỳ lân: linh vật thứ hai có mặt trong tứ linh, biểu tượng của trí tuệ, sự tốt lành và bình an. Theo văn hóa dân gian, Lân có hình dáng đầu rồng thân thú, chỉ ăn cỏ nên rất hiền lành và luôn giúp đỡ những người yếu thế.
+ Quy: rùa, là linh vật duy nhất có thật trong tự nhiên. Rùa thuộc loài bò sát, có tuổi thọ rất cao, biểu tượng của sức khỏe dồi dào và trường thọ. Theo văn hóa dân gian, rùa thể hiện sự hội tụ của đất trời, âm dương tương hợp: phần thân và bụng rùa thể hiện phần âm (mặt đất) và mai rùa khum lại, bao trùm toàn thân thể hiện phần dương (vòm trời).
+ Phụng: là linh thú cuối cùng trong tứ linh, biểu tượng của đức hạnh, trách nhiệm, lòng trắc ẩn, duyên dáng, hạnh phúc, sự tái sinh và bất diệt.
- Lưỡng long triều nhật (hay lưỡng long tranh châu): có hình hai con rồng chầu hai bên mặt trời (hay viên ngọc). Rồng biểu tượng cho nguyên lý dương nên hình tượng này biểu thị cho “tam dương” (triêu dương: mặt trời buổi sáng; chính dương: mặt trời buổi trưa; vạn dương: mặt trời buổi chiều), biểu ý cho câu chúc “tam dương khai thái”, tức mọi việc đều tốt đẹp, hanh thông, thuận lợi.
- Rồng - Phượng: biểu thị cho âm dương hoà hợp, trời đất giao hoà, hôn nhân viên mãn, hạnh phúc, chung thủy, bền vững, cuộc sống ấm no, sung túc, tương sinh, tương hỗ, bổ trợ cho nhau.
- Long ẩn (tức rồng ẩn hiện trong mây): biểu thị cho cơ hội tốt lành (vân long khánh hội).
- Cá hóa long: tức là cá chép hoá rồng còn được gọi là cá chép vượt vũ môn. Đây là hình tượng cá chép đang cưỡi trên các ngọn sóng lớn, mình cá đầu rồng, bên trong có ngậm thêm viên ngọc quý đang vượt vũ môn; khi tới được đến đích cá chép sẽ hoá thành rồng sau bao nhiêu cố gắng và nỗ lực.
Hình ảnh cá chép vượt vũ môn hoá rồng biểu tượng cho khát vọng vươn lên, sức khoẻ dồi dào, khoẻ mạnh, sự kiên trì, hy sinh và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được sự thành công.
- Quy - hạc: biểu thị cho sự trường tồn, tuổi thọ, vĩnh cửu, thanh đạm và thuần khiết.
- Dơi: Trong Tiếng Hán, con dơi được phát âm là “phúc” đồng âm với chữ “Phúc” trong đức phúc, hạnh phúc. Chính vì điều này mà người ta đã sử dụng hình ảnh một con dơi đơn lẻ hay năm con dơi (ngũ phúc) trong các công trình kiến trúc và chạm khắc,… Ngũ phúc gồm: Phú - giàu có. Quý - của cải đầy nhà. Thọ - sống lâu. Khang - sức khoẻ tốt. Ninh - sống yên ổn, bình an và thuận hoà.
- Voi: chữ Hán là “tượng”, gần âm với “tường” tức điềm lành.
- Liên - áp: sen - vịt, hình ảnh vịt tắm ao sen tượng trưng của tình yêu đôi lứa, vợ chồng son sắt, thủy chung, lâu bền.
- Sóc - nho: Sóc biểu thị cho sự phản ứng nhanh nhạy trước những biến động của cuộc sống, tìm ra những cách xử lý thông minh nhất giúp gặt hái nhiều thành công. Nho có đặc tính mọc thành chùm rất nhiều trái, tượng trưng cho sự sung túc, đông vui, gia đình viên mãn, tài lộc sinh sôi nảy nở.
- Trúc - mai: tượng trưng cho tính ngay thẳng, chí khí thanh cao của người quân tử.
- Tùng - lộc: biểu thị ước vọng sống lâu và gặp nhiều may mắn.
- Quả lựu (nhiều hạt): biểu thị cho ước vọng đông con và tình yêu sâu sắc.
- Hoa sen: là loài hoa gắn bó với con người Việt Nam từ rất lâu đời và dần trở thành biểu tượng quen thuộc của Việt Nam. Đặc biệt, trong Phật giáo, hoa sen chiếm vị trí rất quan trọng và được tôn quý.
Vì thế, trong chạm khắc, hoa Sen luôn là một hình tượng nghệ thuật được chú trọng. Hoa sen biểu tượng cho sự thanh bạch, thanh khiết, thanh cao, giản dị, thâm trầm nhưng đầy bản lĩnh, sống nơi bụi trần nhưng không bị ràng buộc, cám dỗ bởi lợi danh,…
Các biểu tượng chạm khắc dân gian phản ánh đời sống tinh thần phong phú của nhân dân ta, có tác dụng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.