Trong quá trình phát triển của nghĩa quân, Nguyễn Huệ rất chú trọng đến việc xây dựng đội thủy binh Tây Sơn ngày càng hùng mạnh. Thủy quân Tây Sơn gồm có thuyền chiến và thuyền vận tải, đông đến hàng trăm chiếc. Lúc bấy giờ, công nghệ đóng thuyền nước ta đã có những tiến bộ nhất định. Cuối thế kỉ XVIII, John barraw - hội viên Hội Hoàng gia Anh quốc - đã đến xứ Đàng Trong và chứng kiến: “Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong có thể tự hào được. Đó là kĩ thuật đóng thuyền đi biển. Thuyền của họ đóng rất đẹp, thường dài từ 50 đến 80 pieds (01 pied = 0,30m). Đôi khi, một chiếc thuyền như vậy mà chỉ gồm 05 tấm ván, kéo dài từ đầu nọ đến đầu kia và được ghép vào nhau bằng mộng. Thuyền biển của họ đi không nhanh lắm, nhưng rất an toàn. Bên trong được chia thành từng khoang, loại này rất chắc, có thể đâm vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được một khoang mà thôi”.
Phần lớn thuyền chiến của Tây Sơn đều được trang bị súng thần công nhằm tăng cường khả năng đột kích, tạo nên sức công phá và tiêu diệt lớn. Trong một bức thư của Jean Baptise Chaigneau gửi cho Barizy đề ngày 02-3-1801 cho biết thủy đội Tây Sơn ở Quy Nhơn có:
- 09 tàu, mỗi chiếc mang 66 khẩu thần công.
- 05 tàu, mỗi chiếc mang 50 khẩu thần công.
- 40 tàu, mỗi chiếc mang 01 khẩu thần công.
- 93 chiến thuyền, mỗi chiếc mang 01 khẩu thần công.
- 300 pháo hạm.
- 100 tàu buồm kiểu Đàng Trong với cánh buồm hình chữ nhật.
Với việc trang bị hùng mạnh và sự thiện chiến của nghĩa quân cùng với tài đảm lược vô song của Nguyễn Huệ, thủy quân Tây Sơn đã liên tục làm nên những chiến công oanh liệt, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ.
Năm 1782, thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến đánh Gia Định. Thủy quân của Nguyễn Ánh dàn trận ở sông Cần Giờ nghênh chiến. Vào trận, chiếc thuyền Tây Sơn “giương buồm căng, xông pha thẳng tiến” (Sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng). Trước khí thế mạnh mẽ đó, chiến thuyền quân Nguyễn “chưa giao chiến đã tự tan vỡ” (Lịch triều tạp kỷ). Trong trận này, thủy quân Tây Sơn đã đốt cháy chiếc tàu do Manuel - một tên đánh thuê người Pháp - làm thuyền trưởng và giết chết luôn y ta. Thừa thắng, thủy quân Tây Sơn đánh tan luôn cả hạm thuyền của Nguyễn Ánh đóng ở sông ngã ba Xoài Rạp, rồi tiến thẳng đến Bến Nghé, khiến Nguyễn Ánh phải bôn tẩu ra đảo Phú Quốc.
Năm 1783, thủy quân Tây Sơn lại tiến vào Gia Định. Lần này, hạm thuyền Tây Sơn và hạm thuyền Nguyễn Ánh giáp chiến kịch liệt ở sông Bến Nghé. Kết cuộc, hạm thuyền Tây Sơn “đã đốt cháy thuyền quân Nguyễn mờ mịt trong vòng khói lửa dữ dội” (Lịch triều tạp kỷ). Bị thất trận, Nguyễn Ánh lại cùng với đám tàn quân chạy ra đảo Phú Quốc trốn lánh. Và do bị chiến thuyền Tây Sơn tiến hành tập nã liên tục, Nguyễn Ánh phải chạy sang Xiêm (nay là Thái Lan) cầu viện vua nước này xuất quân xâm lược nước ta nhằm giành lại vương quyền đã bị nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đánh đổ.
Xuất phát từ ý đồ xâm chiếm nước ta, nhân lời cầu viện của Nguyễn Ánh, vua Xiêm đã sai hai tướng là Chiêu Tăng và Chiêu Sương mang 05 vạn và 300 chiếc thuyền xâm lược miền Nam nước ta. Lúc đó, do có tiếp xúc và mua được vũ khí của các nước phương Tây, nên hạm thuyềncủa quân Xiêm cũng rất hùng mạnh. Thuyền chiến của họ, mà sách sử của ta quen gọi là “tháp”(hay “đáp”), thường được đóng theo kiểu tam bản của phương Tây, nhưng lớn hơn nhiều và thủy thủ ngồi ngoảnh mặt ra phía sau mà chèo.
Ở Quy Nhơn, ngay sau khi nhận được tin dữ, vào cuối năm 1784, Nguyễn Huệ đã cấp tốc “đem hết binh mạnh đi thuyền vào Gia Định” (Sách Đại Nam thực lục) để chống giặc ngoại xâm và trừng trị những kẻ “rước voi về dầy mả tổ”. Tại đây, ông đã bố trí trận địa mai phục quân Xiêm trên sông Tiền đoạn từ Rạch Gầm đến rạch Xoài Mút dài khoảng 07 Km. Ngày 20.1.1785, toàn bộ thủy quân Xiêm lọt vào trận địa phục kích của quân Tây Sơn. Ba trăm chiến thuyền Xiêm bị chiến thuyền Tây Sơn bao vây tứ phía. Sau màn đánh phủ đầu bằng súng thần công, Nguyễn Huệ ra lệnh cho các loại thuyền nhẹ, có sức động cơ nhanh xông ra chia cắt hạm thuyền Xiêm và dùng hỏa hổ đánh xung phong, đốt cháy chiến thuyền địch. Trận thủy chiến diễn ra rất dữ dội, khói lửa mịt trời, tiếng hò reo của quân Tây Sơn vang dội từ sáng sớm cho đến xế chiều. Cuối cùng, “thủy sư Xiêm La bị đánh chìm và tan tành gần hết. Tướng Xiêm chỉ thu nhặt được vài ngàn quân tàn, chạy về Xiêm qua ngả tắt Cao Miên” và “kể từ đó, người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp” (Đại Nam thực lục).
Sau trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, uy danh của thủy quân Tây Sơn lên rất cao. Năm 1786, quân Tây Sơn tiến đánh Phú Xuân do quân của chúa Trịnh chiếm giữ. Các pháo thuyền Tây Sơn đậu trên sông Hương, chờ nước thủy triều lên, bắn phá dữ dội vào thành và nhanh chóng chiếm được nơi này. Thừa thắng, thủy quân Tây Sơn gồm 1400 chiến thuyền và 02 vạn quân dũng mãnh tiến ra Bắc Hà. Quân Trịnh tổ chức phòng thủ ở Nghệ An, nhưng bị nghĩa quân đánh tan. Sử cũ ghi: “Thuyền (Tây Sơn) đến cửa Hội thuộc Nghệ An, trấn thủ Bùi Thế Toại đốt doanh trại bỏ chạy trốn, thuyền (Tây Sơn) như đi vào chốn không người,như gió lưới đến đấy, không ai dám chống cự”. (Lịch triều tạp kỷ). Thủy quân tây Sơn tiến tiếp đến Vị Hoàng. Viên trấn thủ ở đây khiếp sợ bỏ chạy. Lúc đó, thanh thế của quân Tây Sơn rất lừng lẫy. Nhân dân Nghệ An leo lên núi, trông ra ngoài biển, thấy “cánh buồm và cờ xí của quân Tây Sơn rợp cả mặt biển” ( Lịch triều tạp kỷ).
Sau khi mất Vị Hoàng, chúa Trịnh vội điều Đinh Tích Nhưỡng - một viên tướng rất giỏi thủy chiến - đem chiến thuyền từ Hải Dương vào bảo vệ trấn Sơn Nam. Chiến thuyền Tây Sơn xông đến tiến công. Hai bên đấu pháo kịch liệt, nhưng uy lực pháo từ các chiến thuyền Tây Sơn bắn ra rất mạnh mẽ: “Đại pháo (Tây Sơn) tiếng to như tiếng sấm, đạn bay qua các cây cổ thụ, tiện làm hai đoạn” (Lịch triều tạp kỷ). Sau một lúc bắn nhau, chiến thuyền Tây Sơn “nổi trống, reo hò, tiến lên không biết bao nhiêu mà kể. Thấy không địch nổi, Nhưỡng vội quay thuyền về, lên bờ chạy trốn” (Lịch triều tạp kỷ). Phát huy chiến quả, thủy quân Tây Sơn từ sông Lục Môn (Sơn Nam) tràn về kinh thành Thăng Long như nước vỡ bờ. Chúa Trịnh vội sai tướng Hoàng Phùng Cơ (Quận Thạc) mang binh thuyền trấn giữ cửa sông Thúy Ái. Thủy quân Tây Sơn tiến đánh. Súng thần công từ các chiến thuyền Tây Sơn bắn cấp tập vào đội hình quân Trịnh, khiến hai viên tướng của Quận Thạc là Nguyễn Trọng Yến, Ngô Phúc Hoàn và một số tướng khác bị trúng đạn tử thương. Thấy không đương cự nổi, Quận Thạc buộc phải “cướp đường chạy, chỉ kịp thoát thân. Quân Trịnh bị chết, thây xác ngổn ngang trên và dưới hồ Vạn Xuân, không sao kể xiết” (Lịch triều tạp kỷ).
Sau đó, thủy quân Tây Sơn đổ bộ lên bến Tây Long và đánh bại đội quân Trịnh cuối cùng ở tại đây. Chúa Trịnh Tông phải trốn chạy và sau đó bị bắt, chấm dứt sự thống trị hàng năm của dòng họ Trịnh ở Bắc Hà.
Sau khi vào Thăng Long, Nguyễn Huệ lập lại trật tự ở kinh thành và giao quyền điều hành cho vua Lê Hiển Tông, rồi rút về Nam. Chẳng bao lâu, nhà vua mất và Lê Chiêu Thống lên nối ngôi. Tình hình Bắc Hà lại trở nên rối ren. Lê Chiêu Thống bất tài và nhu nhược cầu viện nhà Thanh (Trung Quốc). Nhân cớ đó, vua Thanh Càn Long sai tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân xâm lược nước ta. Trước thế nước lâm nguy, Nguyễn Huệ thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc tiêu diệt bè lũ cướp nước và bán nước. Từ Phú Xuân, toàn bộ lực lượng nghĩa quân xuống thuyền cấp tốc hành quân ra Nghệ An; và từ đây, nghĩa quân được chia ra làm hai cánh quân thủy và bộ nhằm hướng Thăng Long thẳng tiến. Ngày mồng 05 tháng giêng năm Kỷ Dậu (03/02/1789), Nguyễn Huệ - Quang Trung, với chiếc hoàng bào sạm đen màu thuốc súng, dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào kinh thành đã sạch bóng quân thù.
Thủy quân Tây Sơn, với những chiến thắng lẫy lừng, đã góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước và bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc hồi nửa cuối thế kỉ XVIII.