Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Gianghttps://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ tư - 18/12/2024 04:12
Ở Tiền Giang, bánh phồng được sử dụng quanh năm, đặc biệt trong các ngày Tết. Bánh phồng có nhiều loại nhưng chủ yếu là bánh phồng nếp và bánh phồng sữa.
Bánh phồng nếp được làm từ xôi nếp được quết trong các cối như cối giã gạo cho thật dẻo, có thể pha thêm nước cốt dừa và đường rồi phân thành từng viên nhỏ, cán mỏng đều thành bánh. Trong lúc cán có khi bánh được rắc thêm mè để tăng độ béo và nhìn đẹp mắt. Bánh phồng nếp sau khi cán xong được phơi nắng vài ngày cho thật khô và cứng, có thể để dành lâu ngày và tiện di chuyển. Trước khi ăn cần nướng trên than hồng, bánh sẽ nở to ra, phồng lên trên bề mặt (nên gọi là “bánh phồng”) và trở nên giòn rụm. Bánh phồng nếp thường dùng để mọi người ăn chơi hoặc để cúng ông bà dịp Tết Nguyên đán.
Bánh phồng nếp
Khác với bánh phồng nếp, bánh phồng sữa không hề “phồng” chút nào, nhưng lại trông giống với bánh phồng nếp nên được gọi như thế. Bánh phồng sữa được làm từ bột khoai mì xay nhuyễn, trộn với nước cốt dừa, sữa, đường, mạch nha rồi nấu chín thành thứ bột dẻo, được cán ra phơi như bánh phồng nếp.
Bánh phồng sữa có vị béo ngọt, màu trắng đục và mềm, rất dẻo, có thể ăn ngay mà không cần nướng. Đây là món ăn chơi của phụ nữ và trẻ em. Ở Tiền Giang nổi tiếng là bánh phồng sữa được sản xuất từ làng nghề Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.
Để nướng bánh phồng ngon, người dân thường nướng bánh với vỉ làm bằng cọng dừa trên than hồng từ củi, miểng gáo dừa hay vỏ dừa khô. Bánh nướng sẽ phồng 2 mặt và dậy mùi thơm của nước cốt dừa.
Mỗi độ Tết đến xuân về, giữa tiết trời se lạnh, thưở trước, người người, nhà nhà ở Tiền Giang cũng như ở mọi miền quê khác ở Nam Bộ chuẩn bị quết bánh phồng đón tết. Tiếng quết bánh phồng thình thịch vang lên tạo nên một không khí đón tết thật rộn ràng, vui tươi, nhất là nó tạo nên những ký ức êm đềm của những người xa quê.
Ngày Tết, người dân thường dùng bánh phồng mời khách, hoặc nướng bánh vào buổi sáng sớm để thưởng thức cùng nước trà. Trong đêm giao thừa, bánh được đem nướng để cúng ông bà, tổ tiên cầu mong mùa màng tươi tốt, làm ăn thịnh vượng. Bánh nướng phồng đều còn mang ý nghĩa sẽ mang lại may mắn, sung túc, phát tài, phát lộc cho gia đình trong cả năm.
Cùng với việc làm bánh tét, bánh tráng, làm bánh phồng vừa tạo nên không khí tết cổ truyền, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau, tạo không khí xuân đầm ấm ở vùng thôn quê Tiền Giang.