Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Gianghttps://tuyengiaotiengiang.vnpttiengiang.vn/uploads/screenshot_1_5.png
Thứ năm - 02/01/2025 02:10
Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, những hộ dân ở ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây lại nhộn nhịp bước vào mùa làm bánh tráng Khoai mì đón tết.
Vào khoảng đầu tháng Chạp, các hộ làm bánh tráng Khoai mì của ấp Phú Quý bắt đầu thu mua khoai mì, thường là loại khoai mì củ tròn, to chắc để cho ra bột dẻo ngon. Sau đó, rửa các máy và dụng cụ làm bánh, đan lại các sàng, các nong để phơi bánh. Từ sáng sớm, người làm bánh tráng gọt, rửa khoai mì sạch sẽ và đưa vào máy nạo lấy phần bột, hấp chín, quết nhuyễn mịn rồi trộn với các nguyên liệu sữa, đường, nước cốt dừa. Để làm nên chiếc bánh thơm ngon, mùi vị tự nhiên, người làm bánh sử dụng từ đường cát trắng, sữa đặc hiệu đặc biệt, tuyệt đối không có bất kỳ chút phẩm màu hay chất tạo mùi, chất bảo quản nào trong chế biến. Có thể khẳng định, chiếc bánh tráng Khoai mì từ làng nghề bó Chổi xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây là món ăn truyền thống 100% làm từ các nguyên liệu từ nhiên. Hiện nay, theo thống kê chung trong toàn huyện chỉ có nơi đây là nơi sản xuất ra sản phẩm bánh Tráng Khoai mì của huyện.
Bánh tráng khoai mì sau khi phơi nắng khô ráo là có thế xuất bán đi khắp nơi trong và ngoài huyện
Bánh tráng được chế biến từ khoai mì là đặc sản của người dân xã Vĩnh Hựu, có từ lâu đời. Người dân ở ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu chỉ tập trung làm bánh tráng trong tháng Chạp. Bánh tráng Khoai mì làm ra được mang bỏ mối khắp các chợ trong và ngoài huyện, người thân quen đặt làm quà biếu trong dịp tết. Trung bình 01 hộ có thể làm từ 1.500 đến 2.000 cái bánh tráng/ngày. Giá bánh tráng loại thường trung bình 25.000 đồng/chục, loại đặc biệt khoảng 60.000 đồng/chục. Vào mùa bánh tráng khoai mì, người lao động làm nghề này thu nhập được khoảng 200 ngàn đồng/ngày.
Những ngày Tháng Chạp đã đến trên làng nghề bó Chổi xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây, nhìn những vỉ bánh tráng Khoai mì phơi dài cặp theo tuyến đường cặp Kênh Vàm Giồng, mới thấy được cuộc sống người dân quê Vĩnh Hựu chăm chỉ cần cù lao động, quyết tâm bám trụ, giữ gìn nghề làm bánh truyền thống của ông bà để lại, vừa có thêm thu nhập mưu sinh, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống của một loại hương vị không thể thiếu trong những ngày Tết, chiếc bánh tráng Khoai mì ngọt nhẹ, giòn rụm nhâm nhi cùng tách trà nóng khiến ai cũng thích và càng thêm yêu quê hương mình.