Tranh đắp nổi thời xưa dùng nguyên liệu chính là ô dước. Đó là một hợp chất bao gồm các nguyên liệu sau đây:
- Vôi (vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn).
- Cát, sỏi nghiền vụn.
- Chất kết dính như mật đường, mật ong, nhựa cây bời lời, nhựa dây tơ hồng.
- Giấy dó.
- Than hoạt tính,...
Các nguyên liệu được trộn lẫn với nhau, trước khi được đắp, hợp chất này ở thể lỏng, sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng sau đó, khi đắp xong, thì khô đặc lại và các chất tổng hợp giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau và hút chặt lấy nhau thành một khối cực kỳ rắn chắc “bất khả phân ly”.
Hiện nay, nguyên liệu để phục vụ cho nghệ thuật tranh đắp nổi là xi măng, vì xi măng được dùng nhiều trong xây dựng, giá thành hợp lý, có độ bền cao, dễ tạo tác mà vẫn đảm bảo tính mỹ thuật. Để thực hiện tranh đắp nổi xi măng, người thợ/họa sĩ phải trộn xi măng và đắp nổi trên một mặt phẳng, chủ yếu là tường hoặc cột bằng xi măng, rồi sơn lên theo các chủ đề rồng - phụng, tứ quý, tứ linh, tùng hạc, phong cảnh thiên nhiên, mã đáo thành công, thuận buồm xuôi gió, đồng quê, sự kiện lịch sử,…
Tranh đắp nổi kết hợp với vẽ nghệ thuật tạo hình làm cho các bức tường nói riêng và không gian nói chung không còn đơn điệu nữa, mà được tô điểm vẻ sinh động và tươi đẹp.
Tranh đắp nổi có các đặc điểm sau:
- Tính nghệ thuật cao: Tranh đắp nổi mang lại hiệu ứng thị giác độc đáo với sự kết hợp giữa độ nổi, bóng đổ và chi tiết tinh xảo, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho không gian.
- Thi công thủ công tỉ mỉ: Việc tạo ra một tác phẩm tranh đắp nổi đòi hỏi kỹ năng điêu luyện từ người nghệ nhân, từ việc phác thảo đến quá trình đắp, chỉnh sửa và hoàn thiện bề mặt.
- Ứng dụng đa dạng:
+ Nội thất: Làm điểm nhấn cho phòng khách, hành lang, hoặc sảnh chờ.
+ Ngoại thất: Trang trí tường bao, cổng, hoặc không gian sân vườn.
+ Công trình công cộng: Tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử qua các bức phù điêu trong đền, chùa, hoặc quảng trường.
- Tùy biến linh hoạt: Chủ đề tranh phù điêu đắp nổi rất đa dạng, từ phong cảnh, động vật, hoa lá đến các chủ đề tôn giáo hoặc biểu tượng truyền thống.
Tiêu biểu cho loại hình mỹ thuật này là 13 bức tranh bằng ô dước được đắp nổi trên tường bao bọc vỏ ca ở đình Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây); các bức tranh đắp nổi này tả cảnh sinh hoạt trên đường phố, cảnh tàu thuyền ra vào cửa sông tấp nập hồi đầu thế kỷ XX. Bức tranh đắp nổi thứ hai tranh bức đắp nổi bằng xi măng có chiều cao 1,7 m, bề ngang 3,7 m mô tả cảnh Nhân dân Gò Công suy tôn Anh hùng dân tộc Trương Định làm Bình Tây Đại Nguyên soái được tôn trí tại khu mộ cụ Nguyễn Ngọc Chấn, một tướng lĩnh của Trương Định, ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Di tích khu mộ cụ Nguyễn Ngọc Chấn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tranh đắp nổi là loại hình nghệ thuật độc đáo. Đó là sự kết hợp tinh tế giữa hội họa và điêu khắc, tạo ra các tác phẩm mỹ thuật có chiều sâu, sinh động và tuyệt đẹp; phản cánh tư duy thẩm mỹ và đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân tạo tác.