Tài tử Nguyễn Tống Triều với nghệ thuật ca ra bộ, tiền thân của nghệ thuật cải lương

Thứ tư - 16/04/2025 03:33
Nguyễn Tống Triều còn gọi là Tư Triều, sinh năm 1876, tại làng Dưỡng Điềm, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Ông là người có kiến thức sâu rộng về âm nhạc truyền thống, rất đam mê ca nhạc tài tử, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ, nhưng nổi tiếng nhất là đàn kìm.  Ông Diệp Văn Cương - một trí thức có tiếng thời ấy - đã dùng những mỹ từ để nói về ông như sau: “Sau khi tôi nghe Tư Triều đờn kìm… thì tôi không muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác”.

Sau đó, ông đến vùng Cái Thia thuộc làng Mỹ Đức Tây, quận Cái Bè sinh sống. Tại đây, khoảng đầu thập niên 1900, ông thành lập ban Ca ra bộ Tư Triều. Được biết, Ca ra bộ là một loại hình âm nhạc - nghệ thuật mới xuất hiện ở Nam bộ. Lúc bấy giờ, ban Tư Triều gồm có Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Năm Diệm (đờn tỳ bà), Bảy Võ (đờn cò), Mười Lý (thổi tiêu), cô Hai Nhiễu - con ông Tư Triều (đờn tranh) và cô Ba Đắc (ca).

Trong khâu dàn dựng sân khấu, ông đã có sự cách tân độc đáo. Sân khấu gồm một cái màn bạc được dùng làm bối cảnh (fond); một bộ ván; một chiếc bàn chân cheo, trên có đỉnh trầm, dĩa trái cây và bình bông, được đặt trước bộ ván, vài chậu kiểng được đặt hai bên sân khấu. Các diễn viên và nhạc công đều mặc áo dài; riêng nam thì có thêm chiếc khăn đóng. Khi biểu diễn, tất cả các nhạc công đều ngồi trên bộ ván; còn người ca thì đứng cạnh đó.

Đồng thời, ông còn là người dàn dựng lối hát Ca ra bộ. Bài “ruột” của ban Tư Triều là bản tứ đại oán “Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga”. Mỗi khi trình diễn bản này, cô Ba Đắc vừa ca vừa ra điệu bộ phù hợp với lời ca của ba nhân vật là Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga. Lối diễn tấu mới này được gọi là “Ca ra bộ” đã chinh phục được đông đảo khán giả, bởi sự mới mẽ, sinh động, hấp dẫn của nó. Trên thực tế, đó là cải lương, dù lúc ấy, chưa xuất hiện danh xưng cải lương. Có thể nói, ban Tư  Triều là gánh cải lương được xuất hiện sớm nhất ở Nam bộ trong thời kỳ bộ môn nghệ thuật này đang hồi sơ khai.

Dưới đây là nội dung của đoạn trích “Bùi Kiệm thi rớt trở về”  trong bài Tứ đại oán “Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga” được hát theo kiểu cũ:

Kiệm từ khi thi rớt trở về,
Bùi Ông măng nhiếc nhún trề.
Cũng tại mày ham bề vui chơi,
Kiệm thưa tài bất thắng thời.
Con dễ nào không lo bề công danh.


Và đây là kiểu diễn theo lối “Ca ra bộ” với sự phân cảnh như sau:
Bùi Ông hỏi Bùi Kiệm:
- Kiệm, con! Việc thi cử của con ra sao?
Bùi Kiệm chắp tay, ca:
- Thưa cha! Con nay thi rớt trở về!
Bùi Ông cau mày, tỏ vẻ giận dữ, ca:
- Nghe qua tao tức tối trăm bề,
Cũng tại mày ham bề vui chơi.
Bùi Kiệm thanh minh, ca:
- Thưa cha! Tài bất thắng thời,
Con dễ nào không lo bề công danh.

Do có lối diễn tấu mới, hấp dẫn, thu hút nhiều người xem; nên ban Tư Triều được ông Huỳnh Đình Điển, chủ nhân của nhà hàng - khách sạn Minh Tân đối diện với ga xe lửa Mỹ Tho (nay thuộc khu vực vườn hoa Lạc Hồng, Phường 1, thành phố Mỹ Tho), mời về biểu diễn mỗi tuần ba đêm.

Sau đó, ông Phạm Đăng Hộ, chủ nhân rạp chiếu bóng Casino ở gần chợ Mỹ Tho (tọa lạc tại góc đường Lê Đại Hành - Lê Lợi thuộc Phường 1 hiện nay), lại mời ban Tư Triều đến trình diễn dạo đầu trước khi chiếu phim vào tối thứ tư và tối thứ bảy hàng tuần .

Lúc bấy giờ, Mỹ Tho có tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho và bến tàu thủy lục tỉnh; nên chẳng mấy chốc, danh tiếng của ban Tư Triều lan ra khắp nơi; được công chúng ở Mỹ Tho và nhiều nơi khác hoan nghinh nhiệt liệt. Do đó, năm 1906. ban ca nhạc tài tử Tư Triều do ông làm trưởng ban đã được nhà cầm quyền Nam kỳ cử  sang biểu diễn ở Marseille (Pháp) nhân cuộc đấu xảo (hội chợ) dành cho các nước thuộc địa của Pháp. Ban nhạc có 16 người gồm một người phụ trách, tám tài tử nam, năm tài tử nữ và hai em nhỏ. Nhạc cụ gồm bảy đờn tranh, một đờn kìm, một đờn đoản, một đờn cò, một đờn bầu, một đờn tì bà, một đờn tam, một thanh la và một trống cái. Các nhạc sĩ chính gồm: Tư Triều đờn kìm, Chín Hoán đờn độc huyền, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (con ông Tư Triều) đờn tranh, còn cô Ba Đắc là tài tử ca. Điểm đặc biệt của ban nhạc tài tử Tư Triều trong thời gian ở Pháp là được nhà tổ chức đưa lên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem chứ không phải ngồi dưới sân khấu đờn hát cho khán giả nghe như ở Việt Nam. Các buổi biểu diễn của ban được giới âm nhạc và khán giả, nhất là Việt kiều, đánh giá cao.

Khoảng năm 1914, ông chủ nhà hàng Cửu Long Giang ở sau chợ Mới Sài Gòn là Huỳnh Huệ Ký, nghe tiếng của ban Tư Triều diễn rất ăn khách, nên mời về biểu diễn tại nhà hàng của ông ; và mỗi khi ban sắp biểu diễn thì ông chủ nhà hàng lại thuê xe song mã chạy khắp thành phố để rao lời quảng cáo với nội dung giới thiệu các tài tử  và ngón nghề sở trường của họ:

Chúng tôi có rước ban tài tử Mỹ Tho lên giúp vui cho quới (quý) khách. Kính mời đồng bào đến uống rượu nghe đờn (đàn).
Hai Nhiễu tranh thỏ thẻ cầm,
Bảy Đồng độc phù trầm thiệt khá.
Kìm Tư Triều quá nghe, hay quá,
Cò Năm Khương quen dạ đổ liên.
Lại thêm giọng sáo trúc nhắc tới Huỳnh Liên,
Kính mời cô bác đến nghe giải muộn.

Để đáp lại thịnh tình của ông Huỳnh Huệ Ký, ông Tư Triều có sáng tác bài giới thiệu nhà hàng Cửu Long Giang theo thể Tứ đại oán như sau:

Cửu Long Giang mới lập nhà hàng,
Ngày đêm quan khách rộn ràng.
Tại chợ Sài Gòn trên đường d’Espagne,
Khắp trong sáu tỉnh bộ hành.
Nghe tiếng đờn người đều sang chơi,
Ca lết, xe hơi.
Áo  xủ xem nhiều màu,
Bạn đồng ban.
Nếu muốn vui ta sang tới đó,
Uống rượu nghe đờn.
Thú như cảnh bồng lai.

Ông là một trong những người có công lớn trong việc sáng tạo ra nghệ thuật cải lương, xứng đáng được xem là  ông Tổ của loại hình nghệ thuật này. Ông mất năm 1917.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay60,887
  • Tháng hiện tại1,036,964
  • Tổng lượt truy cập51,503,283
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây