Vai trò của khoa học - công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Thứ năm - 21/05/2020 20:40
Trong các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ là một thành tố đóng vai trò rất quan trọng, xét về lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy khoa học - công nghệ luôn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu. Khoa học - công nghệ góp phần mở rộng khả năng phát hiện và khai thác có hiệu quả các nguồn lực, sản phẩm khoa học - công nghệ đóng góp trực tiếp vào GDP, đồng thời quyết định tăng trưởng trong dài hạn và chất lượng tăng trưởng, tạo điều kiện chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu. Khoa học - công nghệ phát triển với sự ra đời hàng loạt công nghệ mới, hiện đại như: vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ sinh học, điện tử, viễn thông… làm tăng các yếu tố của sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập, điều đó dẫn đến sự gia tăng chi tiêu cho tiêu dùng dân cư và tăng đầu tư cho cả nền kinh tế. Khoa học - công nghệ phát triển làm tăng khả năng tiếp cận của con người với tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ qua các phương tiện thông tin và dịch vụ vận chuyển. Do vậy, trong thời đại ngày nay, phần đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của nhiều nước từ khoa học - công nghệ là rất cao.

Khoa học - công nghệ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, trong các nhân tố tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thì khoa học và công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng, luôn làm thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động ngày càng sâu sắc hơn và phân chia thành các ngành nhỏ. Làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Cơ cấu trong nội bộ ngành cũng thay đổi. Khi thay đổi sản xuất theo hướng tăng năng suất và hiệu quả sẽ tạo ra khả năng thay đổi cơ cấu tiêu dùng do thu nhập tăng. Tỷ trọng và vị trí GDP của công nghiệp và dịch vụ tăng dần, nông nghiệp giảm dần. Khoa học - công nghệ góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, nhờ tác động của các yếu tố như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ cải tiến phương pháp quản lý, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của người lao động, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) làm cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Tại các nước phát triển, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP thường rất cao, trên 50%; với các nước đang phát triển khoảng 20-30%.

Khoa học - công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, một quốc gia có tiềm lực khoa học - công nghệ sẽ là quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế cao. Năng lực sáng tạo công nghệ là một trong những tiêu chí cơ bản để xếp hạng năng lực cạnh tranh của quốc gia đó. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm cho các yếu tố đầu vào nhất là các nhân tố tổng hợp được nâng cao và có hiệu quả hơn, quy mô sản xuất và tiêu dùng ngày càng được mở rộng, tạo ra thị trường mới, hướng về xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khu vực.

Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu và động lực của doanh nghiệp là lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp luôn hướng tới giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, buộc phải áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ thì sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất của người lao động, giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước, từ đó nâng cao hay nói cách khác là tối đa hóa lợi nhuận. Khoa học - công nghệ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người, khoa học - công nghệ phát triển làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, tạo nhiều việc làm mới, nhất là tăng năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Sự phát triển của công nghệ sinh học, hóa học đã sản xuất nhiều loại thuốc mới, nhiều phương tiện chữa bệnh hiện đại đã mở ra nhiều cách thức điều trị bệnh mới, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Khoa học - công nghệ phát triển cũng góp phần tăng giao lưu xã hội làm cho đời sống tinh thần con người phong phú, tốt đẹp hơn. Công nghệ điện tử, tin học viễn thông phát triển làm rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các quốc gia, vùng miền…

Khoa học - công nghệ phát triển góp phần và tạo điều kiện cải thiện môi trường sinh thái, sản xuất và tiêu dùng của con người liên tục phát triển, vì vậy chất thải không ngừng tăng, gây tác hại cho con người và môi trường sinh thái. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, hóa học các chất thải được xử lý, cải thiện và góp phần bảo vệ môi trường. Khoa học - công nghệ phát triển cũng góp phần tiết kiệm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, làm giảm chất thải, tìm kiếm nguồn năng lượng, vật liệu mới thay thế các nguồn lực truyền thống không gây ô nhiễm môi trường; khoa học - công nghệ phát hiện và dự báo các thảm họa thiên nhiên để phòng ngừa. Tuy nhiên, tác động của khoa học - công nghệ cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế như gia tăng và phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia, nhiều nước độc quyền trong những tiến bộ khoa học - công nghệ, thuốc chữa bệnh đặc trị…

Đối với tỉnh Tiền Giang, các hoạt động của khoa học và công nghệ đã có bước chuyển biến tích cực đáng kể, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, ngành, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và địa phương. Vai trò của các nguồn lực đã có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đặc biệt trong đó việc ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương đã góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển của địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng nâng cao năng xuất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin được xác lập và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Trong những năm qua, một số lĩnh vực khoa học - công nghệ của tỉnh được chú trọng thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội như: Hoạt động thông tin khoa học - công nghệ và công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội; các mô hình ứng dụng thí điểm từng bước đi vào sản xuất đại trà, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó, công nghệ sinh học của tỉnh đã có những tiến bộ nhanh chóng. Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học của các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên; việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học đã được quan tâm và đầu tư; trình độ nghiên cứu và phát triển công nghệ đã được chú trọng; các ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã trở nên phổ biến, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với điều kiện sản xuất của địa phương. Phần lớn các đề tài, dự án tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc của sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản (cây trồng, vật nuôi) nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần giải quyết tốt việc tiêu thụ nông thuỷ sản đầu ra.

Qua thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hoạt động nghiên cứu khoa học tại vùng trung tâm đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới, gắn với điều kiện và môi trường như: mô hình canh tác rau, hoa ứng dụng công nghệ thủy canh và sử dụng chế phẩm đất sạch phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phân lập, tuyển chọn và thử nghiệm chế phẩm vi sinh vật từ một số dòng nấm nội cộng sinh - AMF - nhằm tăng khả năng chống chịu hạn, mặn cho cây vú sữa; xây dựng mô hình vườn thanh long kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nhà máy sơ chế, đóng gói bảo quản thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…. Bên cạnh đó, Sở Khoa học - Công nghệ đã hỗ trợ tích cực việc tạo lập quản lý và quảng bá nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.

Trong hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành và giữa địa phương với Trung ương, có cơ chế kết hợp chặt chẽ, đảm bảo cung cấp, chia sẻ và khai thác thông tin. Hoạt động trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện đồng bộ, kịp thời, nhất là việc triển khai quán triệt các chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên. Đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã phát triển rất mạnh trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế - kỹ thuật và nâng cao được sức cạnh tranh trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng như y tế, giáo dục, giao thông, điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị.

Nguyễn Văn Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 64 trong 15 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 15 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập247
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,656,788
  • Tổng lượt truy cập40,026,164
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây