Về đội ngũ, toàn tỉnh hiện có 426 cán bộ quản lý và 5.962 giáo viên trực tiếp dạy lớp. Trong đó 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; 97,7% cán bộ quản lý và 83,8% giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn; 29 cán bộ quản lý, 44 tổ trưởng chuyên môn và 215 giáo viên cốt cán hoàn thành bồi dưỡng Chương trình, sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp của toàn tỉnh đạt 1,45 giáo viên/lớp. Để đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, toàn tỉnh có 8 huyện, thành phố, thị xã còn thiếu 224 giáo viên.
Về đào tạo và tập huấn, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho 397 cán bộ quản lý giáo dục và 5.890 giáo viên dạy lớp về chương trình giáo dục phổ thông mới; phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Viettel cấp tài khoản cho cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tự học qua mạng và trực tuyến; hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện và Ban Chỉ đạo. Hiện có 100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nội dung phương pháp dạy học trước khi bước vào năm học mới 2020 - 2021.
Về sách giáo khoa, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai, hướng dẫn đến cơ sở giáo dục phổ thông có lớp tiểu học tập trung thực hiện đảm bảo nội dung, thời gian, quy trình lựa chọn và hoàn tất vào cuối tháng 4/2020 kịp thời tham mưu quy định về các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả ngày 27/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 với Bộ sách Cánh Diều cho 500 cán bộ và giáo viên. Nội dung hướng dẫn cách thức sử dụng sách, các kiểu bài học đối với mỗi môn, cách tham khảo các tài liệu bổ trợ và soạn bài minh họa cho từng môn học.
Về nội dung giáo dục địa phương, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Công văn 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tổ chức thực hiện từ năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện bộ tài liệu giảng dạy Lịch sử, Địa lí địa phương dành cho cấp tiểu học thuộc nội dung giáo dục địa phương của Chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung bộ tài liệu đảm bảo các yêu cầu giáo dục, định hướng về tư tưởng, văn hóa, lối sống cho học sinh.
Về cơ sở vật chất trường học trong tỉnh đã đầu tư với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện đang có 4.134 phòng học, trong đó 54 phòng học tạm, mượn và 4.080 phòng học cấp 4 trở lên/4.110 lớp, tỉ lệ 0,99 phòng học/lớp. Thực tế, số lượng phòng học tại các cơ sở giáo dục hiện đang thừa, thiếu cục bộ để đảm bảo 100% các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho cấp tiểu học, có 06/11 huyện/thị xã/thành phố đủ số lượng phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, chiếm tỉ lệ 54,5%. Phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình tham mưu ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 và các năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn của ngành như đội ngũ chưa đồng đều về độ tuổi, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, một số nơi thiếu giáo viên,... đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cơ sở vật chất có nơi diện tích phòng học chưa hợp lý, không gian lớp học chưa được thoáng nên các hoạt động dạy học trong nhóm còn hạn chế; một số trường ở nội ô sĩ số học sinh trong lớp khá đông, ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đặc biệt đối với lớp 1.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Công tác tuyên truyền triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức từ Trung ương đến địa phương, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác chuẩn bị các điều kiện bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện đảm bảo đúng theo chỉ đạo của ngành; đảm bảo lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, công tác biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tiến hành nghiêm túc, đúng quy định; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học từng bước bổ sung đáp ứng yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý cấp sở, phòng và giáo viên cốt cán được tiếp cận nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018. Các cơ sở giáo dục có thời gian, xây dựng lộ trình kế hoạch, tham mưu chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.