Trải qua gần 06 năm chịu cảnh tù đày, nhưng cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Á, sinh năm 1951, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, (nay là Thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang vẫn nhớ về một thời chiến đấu gian khổ mà hào hùng. Hiện ông ngụ tại ấp Tân Hưng Tây, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Tháng 6/1966 ông tham gia bộ đội và thoát ly gia đình, là lính trinh sát của Tiểu đoàn 261 - Quân khu VIII. Đầu năm 1967, ông được kết nạp vào Đoàn và hoạt động trong Tiểu đoàn 261. Đến ngày 11/10/1967 trong trận càn của Sư đoàn 7 của địch, ông bị bắt tại Cống Huế với chức vụ Tiểu Đội phó Trung đội trinh sát, khi đi điều nghiên từ Cai Lậy về, bị bắt cùng với ông có đồng chí Nguyễn Văn Chính, là Tiểu Đội trưởng Trung đội trinh sát của Tiểu đoàn 261.
Lúc đầu, chúng giam ông ở khám đường Mỹ Tho, địch dùng đủ nhục hình tra tấn, chúng đưa ôngvào phòng điều tra, tra khảo, đánh đập rất dã man, mỗi lần hỏi, mỗi lần thay phương pháp, dụng cụ tra tấn. Ông bị chúng tra điện vào người, quay quay vòng vòng ngất xỉu, rồi tát nước tỉnh dậy, lại tra điện tiếp, ngày nào cũng vậy, tra xong hết ngày chúng đưa vào xà lim tối nhốt lại, sáng lại lôi ra tiếp tục tra khảo.
Chúng hỏi: Mày ở đơn vị nào?
Ông chỉ một mực trả lời “Không biết, mấy ông kêu tôi đi lấy xuồng thì tôi đi, tôi không biết ai hết, cũng không nhớ đó là ai và ở đâu cả”. Hơn một tháng ông bị tra khảo, đánh đập nhưng do nhanh trí trả lời, cuối cùng bọn địch không khai thác được gì, nên chúng xếp hồ sơ ông vào loại tù binh cộng sản và đưa ông về giam ở Vùng IV Chiến thuật - Cần Thơ. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng ông vẫn giữ được khí tiết. Tháng 11/1968, ông và nhiều đồng đội bị đưa lên tàu đày ra nhà tù Phú Quốc.
Khi đến nhà tù Phú Quốc, chúng giam ông và các tù nhân ở nhiều khu như: A4, C6, C10, D8 và phân khu B10 là nơi giam cầm tù binh cộng sản, được chúng gọi là “ngoan cố”, đường đi nhỏ, quanh co, đi nhanh hay chậm đều bị bọn cai ngục đánh không ngẩng đầu lên được. Trong nhà giam, chúng dùng đủ loại hình tra tấn, rất tàn bạo như: nhốt trong chuồng cọp không nằm, không đứng, không ngồi bệt xuống được, bị cởi trần, mặc quần đùi, ban ngày phơi nắng rám da, nóng rát, đêm đến chúng đem ra đánh, lấy nước mắm và vôi tạt vào lưng, gây lở lét,… vết thương này chưa lành thì vết khác lại tiếp nối, cứ thế thân thể tù binh chằng chịt vết sẹo, thậm chí có chiến sĩ bị tàn phế, kiệt sức, chết dần chết mòn,…
Là người chiến sĩ cách mạng thì cái chết không có gì đáng sợ, nhưng sợ nhất là không đủ can đảm, bản lĩnh chịu những đòn tra tấn tàn bạo của địch. Sợ mình làm hoen ố nhân phẩm của mình. Nếu có chết thì phải chết vinh quang. Nếu có hy sinh phải trong tư thế danh dự. Xác định như thế rồi thì chết có gì đáng sợ, sẵn sàng đương đầu với kẻ địch. Chỗ điều tra là nơi diễn ra cảnh tra tấn tàn bạo, khắc nghiệt nhất của kẻ thù, thì trong phòng giam, tù nhân luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của đồng đội, nhường từng miếng ăn, tấm áo, viên thuốc,…
Trong nhà tù, tổ chức Đảng vẫn bí mật hoạt động, tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho các tù nhân thường xuyên có phong trào đồng loạt tuyệt thực, đấu tranh không chào cờ ngụy, không ly khai cộng sản, đòi phải được uống thuốc khi bị bệnh, phải được cho ăn, cho uống tử tế,…Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của tù nhân, có lúc bọn cai ngục cũng chùn bước. Mỗi lần diễn ra đấu tranh, chúng đành phải tạm nhượng bộ một bước, mời đại diện tù lên thương lượng. Nhờ vậy, tù nhân cũng được vài viên thuốc khi đau ốm, có thêm nước uống, chất lượng cơm tù cải thiện hơn. Nhưng chỉ sau vài ngày, người tù lại thiếu thuốc, đói cơm, thiếu muối và tiếp tục bị tra tấn dã man.
Trong thời gian bị giam, ông tham gia nhiều phong trào đấu tranh cùng tù binh, lãnh đạo cấp trên ông là đồng chí Nguyễn Văn Sơn (xã Hữu Đạo - Châu Thành) và đồng chí Lê Văn Khải (xã Mỹ Hạnh Đông - Thị xã Cai Lậy). Nội dung quán triệt trong tù binh là: không nên tự phát đấu tranh tạo cớ để địch gây tổn hại cho đồng đội, nhất định phải có sự thống nhất của tất cả tù binh trong phân khu và vận động quần chúng trong nhà giam cùng tham gia, tạo nên sức mạnh trong đấu tranh giành thắng lợi. Đỉnh điểm của các cuộc đấu tranh là vào buổi sáng tháng 1/1972, diễn ra cuộc đấu tranh với địch của cả phân khu A10, bọn giám thị phát loa gọi tù binh tập hợp ra sân điểm danh, chào cờ, rồi đi lao động nhưng tất cả tù binh đều im lặng, không ai ra, chúng gọi mãi, tù binh vẫn im lặng.
Thế là, bọn quân cảnh và giám thị xông vào đánh đập tù binh ở các dãy phòng đầu, tù binh không phản kháng, đến dãy phòng giữa, tất cả tù binh đồng loạt đứng dậy hô to: “Đả đảo chế độ đàn áp, đánh đập tù binh” và xông lên, tay không lao vào cuộc chiến. Bọn chúng không những không nhượng bộ cao trào đấu tranh, mà còn dùng súng bắn hàng loạt vào các dãy phòng giam. Đây là cuộc tàn sát lớn ở nhà tù Phú Quốc (năm 1972), làm nhiều tù binh chết, trong đó có đồng chí Lê Văn Khải (Mỹ Hạnh Đông) và nhiều tù binh khác bị thương, nhưng tù binh không nản chí mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa chống lại sự đàn áp, đánh đập của cai ngục.
Ngoài bộ máy cai trị có sẵn, chúng còn dùng những tên ác ôn làm tay sai để khủng bố, đàn áp người tù chính trị, không những thế, chúng còn bắt tù binh đào công sự, dụ dỗ chiêu hồi, vừa khủng bố tinh thần, vừa hành hạ thể xác. Việc thiếu lương thực, thực phẩm càng cùng cực hơn: gạo mốc, cá ươn, khô mục, nước để uống và tắm rửa mỗi người một ngày chỉ được một ca nhỏ, cả tháng chưa được tắm, chỗ ngủ nằm ép sát vào nhau mới có chỗ nằm. Có thể nói, nhà tù Phú Quốc là nơi diễn ra cảnh đánh đập, tra tấn, hành hạ độc ác, rùng rợn mà bọn cai ngục nhà tù đã trút lên thân thể các tù binh cộng sản, nghĩa là vào Phú Quốc rồi thì đừng bận tâm đến ngày ra.
Đến ngày 17/3/1973, ông Nguyễn Văn Á được trao trả tù binh bằng đường bộ tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau đó, ông được đưa đi an dưỡng ở Hà Nội. Tháng 3/1974, ông trở về miền Nam công tác tại Trung đoàn 7, Quân khu 8, với chức vụ Tiểu đội trưởng. Tháng 9/1976, ông phục viên về quê sinh sống và lập gia đình. Điều ông mong muốn là được trở lại thăm nhà tù Phú Quốc để nhớ về một thời gian khổ mà hào hùng và thắp nén hương cho đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).