Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927 tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Mỹ Tho, sau đó là Chi ủy viên Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phụ trách đoàn thanh niên. Tháng 9/1929, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng (Đây là một trong ba tổ chức Đảng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ tháng 12/1929 đến tháng 5/1930, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Trong khoảng thời gian này, đồng chí ra sức xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Từ đó, chi bộ Đảng ở các xã Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Bình Trưng, Đông Hòa, Long Hưng, Nhị Bình, Phước Thạnh, Thạnh Phú, Long Định, Tam Hiệp lần lượt được thành lập, làm hạt nhân nòng cốt lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, Huyện ủy Châu Thành do đồng chí làm Bí thư đã tổ chức bãi thị ở 7 chợ trên địa bàn huyện, bao gồm Chợ Giữa (xã Vĩnh Kim), Chợ Thuộc Nhiêu (xã Dưỡng Điềm), Chợ Bưng (xã Tam Hiệp), Chợ Nhị Bình (xã Nhị Bình), Chợ Rau Răm (xã Phú Phong), Chợ Bình Đức (xã Bình Đức), Chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú). Cuộc bãi thị đã đồng loạt nổ ra, nhằm mục đích chống thuế chợ quá nặng. Cuộc bãi thị đã làm cho bọn chủ thầu các chợ buộc phải giảm tiền thuế chợ. Cuộc bãi thị giành thắng lợi. Song song đó, Huyện ủy Châu Thành còn tổ chức các cuộc mít - tinh ở các xã Long Hưng, Thạnh Phú, Long Định, Tam Hiệp, Nhị Bình với sự tham gia của đông đảo quần chúng.
Trong quá trình tham gia cách mạng, đồng chí Trần Văn Vi bị thực dân Pháp bắt ba lần. Năm 1931, đồng chí được điều động về Tỉnh ủy Mỹ Tho và tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5/1931. Phong trào đấu tranh bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù giam tại Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị đày đi Hà Tiên. Ở trong ngục tù thực dân, mặc dù bị tra tấn cực hình, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ công sản, kiên quyết không khai báo, một lòng trung thành với Đảng và Nhân dân. Đầu năm 1932, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tháng 10/1932, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, bị đày đi Ô Cấp (Vũng Tàu). Tháng 10/1934, đồng chí được thả. Với ý chí cách mạng tiến công, đồng chí tiếp tục tham gia các phong trào vận động cách mạng. Từ tháng 11/1934 đến tháng 4/1935, đồng chí công tác tại Xứ ủy lâm thời Nam kỳ; sau đó, là Xứ ủy viên Xứ ủy lâm thời, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy lâm thời và kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Tháng 4/1935, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba, đày đi Bà Rá (nay thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước). Đầu tháng 3/1945, đồng chí Trần Văn Vi ra tù. Như vậy, trong quá trình tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trần Văn Vi bị địch bắt, giam cầm trong hệ thống nhà tù thực dân Pháp 13 năm, trong đó bị bắt và giam giữ lâu nhất 10 năm tại nhà tù Bà Rá.
Ngày 20/3/1945, những người cộng sản thuộc nhóm Giải phóng họp tại Xoài Hột (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) lập Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ, do đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Xứ ủy này thường được gọi là Xứ ủy Giải phóng, vì cơ quan ngôn luận của Xứ ủy là báo Giải phóng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Văn Vi là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh kiêm ủy viên Quân sự tỉnh Mỹ Tho và Chi đội trưởng (Trung đoàn trưởng) Chi đội tỉnh Mỹ Tho. Tháng 1/1948, đồng chí là Phó trưởng Ban Chính trị Quân khu 8, phụ trách dân quân.
Tháng 02/1951, đồng chí tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Sau đó đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng, Bí thư Liên chi, Ban Tiếp vận miền Nam. Sau Hiệp định Genève (20/7/1954) đến tháng 4/1974, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Đội trưởng Đội giảm tô, Đội trưởng Đội cải cách ruộng đất ở Bắc Giang, Cù Vân (tỉnh Thái Nguyên); Giám đốc Sở Quốc doanh Nông nghiệp phụ trách công tác nông trường thuộc Bộ Nông nghiệp; Vụ trưởng Vụ Hợp tác hóa nông nghiệp thuộc Ban Nông nghiệp Trung ương; Vụ trưởng Vụ Hợp tác hóa nghề cá thuộc Tổng cục Thủy sản; Vụ trưởng Vụ Địa phương miền Nam thuộc Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đồng chí Trần Văn Vi nghỉ hưu ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đồng chí từ trần ngày 02/8/1989.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Văn Vi được khen thưởng: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Văn Vi là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Văn Vi. Trải qua 48 năm trực tiếp hoạt động cách mạng (1927 - 30/4/1975) đã chứng minh đồng chí là một người chiến sĩ cộng sản dày dặn kinh nghiệm trong đấu tranh và tổ chức các hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc nói chung và của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nói riêng. Đồng chí là một đảng viên trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân; có cuộc sống liêm khiết, giản dị, khiêm nhường, mẫu mực. Phẩm chất kiên trung, bất khuất của đồng chí Trần Văn Vi không chỉ là tấm gương sáng cho các thế hệ những người cách mạng và yêu nước trong nhà tù của thực dân mà còn là bài học lớn để cán bộ, đảng viên học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.