Về xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp trò chuyện với CCB Trần Văn Đực (Bảy Đực) sinh năm 1945, cư ngụ ấp 1, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, người đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 để nghe ông kể lại những kỷ niệm khó quên về một thời hoa lửa đầy oanh liệt và tự hào. CCB Trần Văn Đực chia sẻ: Tôi tham gia Đại đội huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) ngày 10/4/1964, khi ấy mới tròn 19 tuổi, sau thời gian huấn luyện và học tại trường Lục quân, sau đó tôi trở về đơn vị và tham gia Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 đến năm 1972, tôi nhận trọng trách Đại đội trưởng, tham mưu phó Đại đội quân sự địa phương huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, đại đội của ông đảm nhiệm đánh phá, tiêu diệt các đồn bót của giặc đóng tại huyện Châu Thành Bắc.
Nhận chỉ thị của cấp trên, Đại đội quân sự địa phương huyện Châu Thành của ông phối hợp với các lực lượng khác tham gia đánh vào các đồn bót của địch tại các xã: Phú Mỹ, Tân Hòa Thành, Tân Hội Đông và Long Định... và tuyến thẳng về Quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1), để hỗ trợ cho lực lượng Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) tiến công giải phóng thành phố Mỹ Tho và làm chủ được các mục tiêu trọng yếu của địch, cắt đứt hoàn toàn đường quốc lộ số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.
Trải qua 50 năm kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những chiến sĩ cách mạng đã tham gia vào “những trận đánh lịch sử” này với niềm tự hào. Nhớ về Ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), ông xúc động chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên ký ức ngày 30/4. Khi đã nghe Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên hệ thống đài phát thanh Sài Gòn. Như vậy, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, đất nước sẽ thống nhất, non sông sẽ nối liền, các chiến sĩ của Đại đội rất hân hoan, vui mừng, xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, thời khắc đó có nhiều đồng chí không kìm được nước mắt. Tôi nghĩ, đó là nước mắt của niềm hạnh phúc, sự sung sướng đến tột độ. Sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, đói cơm, nhạt muối, cuối cùng chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Sau ngày giải phóng Miền Nam, CCB Trần Văn Đực nhận nhiệm vụ Tiểu Đoàn phó Tiểu đoàn 1. Năm 1978 đến 1981, ông cùng với các đồng chí, đồng đội trong đơn vị tham gia giúp bạn giải phóng Campuchia. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt với 17 năm cầm súng chiến đấu vào sinh, ra tử mang trên mình những vết thương chiến tranh rồi về quê hương ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, ông đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội cựu chiến binh đầu tiên của xã Tân Hòa Thành.
Đã 50 năm qua đi kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, những người lính Cụ Hồ năm xưa đã trở về với đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha; chưa giây phút nào quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng, quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.