Trên con đường làng trải nhựa khang trang, hướng về một vùng quê ấp Chùa Đất Đỏ, xã nông thôn mới nâng cao Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nơi đây đã sinh ra ông Nguyễn Văn Thôn, sinh năm 1948, là một trong những cựu tù Phú Quốc năm xưa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1960, phát huy truyền thống gia đình, cha của ông tham gia cách mạng, làm Bí thư chi bộ xã Tân Đông, nên ông sớm giác ngộ cách mạng. Khoảng tháng 10/1963, lúc ấy mới 14 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho chi bộ xã. Tháng 01/1964, ông xung phong tòng quân vào bộ đội Tiểu đoàn 514, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Tháng 10/1967, trong một trận đánh địch tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, ông bị địch bắt đưa về giam giữ ở Khám đường Mỹ Tho, sau đó chuyển đến nhà tù Vùng 4 chiến thuật ở Bình Thủy, Cần Thơ; đến tháng 3/1968, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc, lúc này ông mới 17 tuổi.
Những ngày tháng bị giam giữ ở khu B2 nhà tù Phú Quốc rất khắc nghiệt, ngày nắng cháy da, đêm lạnh buốt xương tủy, đêm ngủ không có mùng mền gì cả, mà phải đắp ấm bằng bao bố, ngoài ra còn bị đày ải, đi lao động và những cực hình khác. Bên cạnh đó, việc ăn uống rất thiếu thốn, thức ăn, thường là loại cá liệt (loại cá rất nhỏ) chết ươn, thúi.
Trong một lần ông cùng tập thể tham gia đấu tranh chống lại những áp bức tàn bạo của bọn cai ngục trại giam. Qua cuộc đấu tranh đó, cả trại mấy chục người bị bọn giám thị và quân cảnh bắt đánh đập, điều tra từng người một. Ngày hôm ấy tới lượt ông bị tra khảo nhưng do thấy ông còn nhỏ tuổi, nên được các chú, các anh lớn tuổi, che chở, xung phong ra trước để đỡ đòn thay, trong số đó có một anh tên là Hùng quê ở Quảng Nam, dáng người cao lớn, đứng cạnh ông nói nhỏ: “Em còn nhỏ, sức lại yếu, hay bị bệnh, hãy để anh ra trước, chứ em nhỏ như thế này, sợ nó đánh đập không chịu nổi đâu”. Nói là làm, anh ấy nhanh nhẹn bước ra, bọn cai ngục liền ra tay khảo tra, không đánh đập như những lần trước, mà chuyển sang tra tấn bằng hình thức đổ nước vào mũi, vào miệng bằng nước pha loãng với thuốc DDT (loại thuốc diệt muỗi trước đây) và cũng chính cực hình tra tấn tàn bạo này, đã làm cho anh ấy phải hy sinh trong nỗi tiếc thương vô hạn của biết bao tù nhân trong trại giam. Nghĩa cử cao quý, thiêng liêng, dám xung phong đỡ đòn thay cho đồng đội và tấm gương hy sinh của anh Hùng được cả trại lan truyền về tấm gương anh dũng và tình người cao quý chốn lao tù. Tấm gương sáng ấy càng hun đúc ý chí đấu tranh không khuất phục trước kẻ thù, tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, đòi bọn quản đốc nhà tù phải chấm dứt ngay những hình thức khảo tra tàn bạo đối với tù nhân, trả lại quyền được sống của mỗi con người. Sau sự kiện ấy, ông như một lần được thoát chết và cũng là những kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời.
Tháng 3/1973, thi hành Hiệp định Pa-ri, ông được trao trả tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị và đưa ra miền Bắc an dưỡng rồi tiếp tục công tác tại Trung đoàn 125 tỉnh Hải Dương. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà (30/4/1975), năm 1976, ông được chuyển về miền Nam, công tác tại Tiểu đoàn Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang.
Câu chuyện xúc động về gương chiến đấu, hy sinh của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù, trại giam của địch năm xưa, là sự nối tiếp, truyền ngọn lửa cách mạng cho hôm nay và mai sau. Chúng ta luôn khắc ghi và mãi mãi tự hào về truyền thống vẻ vang đó. Do đó thế hệ trẻ hôm nay cần ra sức nỗ lực học tập, cống hiến sức mình cho quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).