Năm 1946, đồng chí tham gia cách mạng, làm liên lạc và du kích xã. Năm 1950, đồng chí giữ chức Xã đội trưởng. Năm 1952, đồng chí bị địch bắt, đày đi Côn Đảo. Ở trong tù, đồng chí luôn tỏ rõ khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, không bao giờ chịu khuất phục trước nhục hình tra tấn của địch.
Sau Hiệp định Genève (20-7-1954), đồng chí được trao trả ở Giá Rai (Bạc Liêu); rồi trở về Gò Công hoạt động. Năm 1958, do địch tăng cường đánh phá phong trào cách mạng, theo chủ trương của cấp trên, đồng chí di chuyển sang Bà Rịa; và thành lập ở đây một tổ Đảng, hoạt động bí mật. Tháng 5-1959, đồng chí bị địch bắt; nhưng do bọn chúng sơ hở, nên đồng chí trốn thoát được. Sau đó, đồng chí trở về Gò Công hoạt động đơn tuyến.
Tháng 02-1960, đồng chí bắt liên lạc được với một số cán bộ còn lại của Gò Công, tham gia thành lập Ban Cán sự Đảng hai huyện Gò Công, Hòa Đồng và căn cứ Rừng Sác. Tháng 6-1961, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy Gò Công phụ trách quân sự, tham gia chỉ đạo cao trào “Đồng khởi” của nhân dân huyện nhà.
Đến khi Huyện đội Gò Công được thành lập, đồng chí nhận thêm nhiệm vụ làm Chính trị viên Huyện đội. Ở cương vị này, đồng chí đã tích cực xây dựng cơ quan Huyện đội, cơ sở quân y, công trường sản xuất vũ khí; tổ chức lực lượng du kích tự vệ xã, ấp và lực lượng quân sự tập trung của huyện (đơn vị 206); phát triển phong trào chiến tranh du kích, tấn công địch giữ vững thế cách mạng, tạo nên những chiến công hiển hách. Đầu năm 1963, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Gò Công.
Dưới sự lãnh chỉ đạo của Huyện ủy, do đồng chí làm Bí thư, phong trào du kích chiến tranh và phá “Ấp chiến lược” ở Gò Công phát triển rất mạnh mẽ. Đến cuối năm 1963, hầu hết vùng nông thôn ở Gò Công đều thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cách mạng; toàn bộ hệ thống ấp chiến lược của địch bị phá banh, phá rã; trở thành xã, ấp chiến đấu của ta (huyện có 15/15 xã chiến đấu, 75/132 ấp chiến đấu); chính sách bình định của địch bị thất bại nặng nề ở Gò Công.
Với thành tích này, tại Hội nghị tổng kết đánh phá ấp chiến lược được tổ chức tháng 9-1963, Khu ủy Khu 8 đã đánh giá tỉnh Mỹ Tho là lá cờ đầu trong toàn khu, huyện Gò Công là lá cờ đầu trong toàn tỉnh Mỹ Tho. Về phong trào du kích chiến tranh, tại hội nghị tổng kết do Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức tháng 12-1963, huyện Gò Công được đánh giá lập thành tích xuất sắc; đồng thời, tại hội nghị, các xã Tân Bình Điền, Long Thuận, An Hòa, Kiểng Phước thuộc huyện Gò Công đã được Tỉnh ủy trao tặng Bằng khen.
Do huyện có thành tích nổi bật, với tư cách là Bí thư Huyện ủy, đồng chí vinh dự được thay mặt tỉnh Mỹ Tho, báo cáo kinh nghiệm của Gò Công về phong trào phá “Ấp chiến lược” trong Hội nghị tổng kết phong trào du kích chiến tranh do Trung ương Cục miền Nam tổ chức đầu năm 1964. Tại Hội nghị, Quân ủy Miền đã tuyên dương và trao tặng lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho Huân chương Quân công hạng nhất. Trong thành tích chung của toàn tỉnh, huyện Gò Công đã có những đóng góp xuất sắc.
Tháng 02-1964, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Chính trị viên phó Tỉnh đội Mỹ Tho. Năm 1965, đồng chí được cử đi học lớp đào tạo cán bộ quân sự trung cao do Bộ Chỉ huy Quân sự Miền mở; rồi trở về, làm Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên tiểu đoàn 514 tỉnh. Dưới sự chỉ huy tài ba của đồng chí, tiểu đoàn 514 đã liên tục tiến công địch, giành được những chiến thắng giòn giã trên chiến trường Mỹ Tho; như tháng 6-1966, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn tập kích trường huấn luyện hạ sĩ quan quân đội Sài Gòn ở Tân Hiệp (huyện Châu Thành) và Dinh quận Cái Bè, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 100 lính địch, trong đó có quận trưởng và 01 cố vấn Mỹ, thu nhiểu vũ khí; cuối năm 1966, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn đánh diệt 01 trung đội lính Mỹ ở gần căn cứ Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành); sau đó, tiếp tục tập kích, tiêu diệt 01 chi đội xe bọc thép M.113; trên đường trở về căn cứ, đơn vị đụng 01 đại đội biệt kích Mỹ, đồng chí đã bình tỉnh chỉ huy chiến đấu, diệt hàng chục tên; năm 1967, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn tập kích Sở chỉ huy Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Mỹ, diệt và làm bị thương khoảng 200 lính địch; tháng 03-1968, đồng chí chỉ huy đơn vị chống càn ở xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), bắn rơi 09 máy bay trực thăng,...
Đầu tháng 5-1968, đồng chí được đề bạt làm Trung đoàn phó Trung đoàn 2 Quân khu 8. Ngày 10-5-1968, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi đang chỉ huy đơn vị đánh địch phản kích tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập. Ngày 20-12-1994, đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Họ và tên của đồng chí được đặt tên đường ở thành phố Gò Công, thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông); tên trường trung học cơ sở ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.