Ông Huỳnh Văn Tốt, sinh năm 1939, hiện đang cư ngụ tại ấp Mỹ Bình, xã Phước Lập, huyện Tân Phước. Ở tuổi gần đất xa trời, trí nhớ của ông đã giảm, nhưng khi nhắc đến quá trình bị giam giữ, hành hạ, tra tấn chốn lao tù, người cựu chiến binh vẫn không quên những ngày tháng gian nan ấy.
Ngày 20/11/1959, ông được Trưởng ấp gửi giấy “Cạc vàng số 1” (giấy gọi đi quân dịch) nhưng ông xé bỏ và trốn đi theo cách mạng, làm bảo vệ cho ông Phạm Thanh. Đến năm 1960, ông gặp ông Hai Ốm - Bí thư xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, giới thiệu ông vào đội du kích xã, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Đến năm 1966 là Ấp đội và sau đó là Xã đội phó đến năm 1967.
Ngày 11/7/1967, ông được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại chi bộ Ấp Bắc B, xã Điềm Hy với bí danh Nguyễn Mạnh Hùng. Sau đó, ông được phân công vác súng trường đi công tác thì gặp máy bay của địch, ông bắn cháy chiếc máy bay L19 tại Ấp Bắc, nó bay đến xã Long Định thì bị rớt, chết ba tên địch.
Địch càn quét, được sự phân công của đồng chí Lê Quang Công (Tám Công), ông và đồng chí Trần Văn Út, du kích xã dẫn đường cho các đồng chí Tỉnh đội tìm chỗ an toàn ẩn nấp, gồm: đồng chí Hồ Văn Bé, đồng chí Bé Nhỏ (cán bộ Tiểu đoàn), đồng chí Bốn Rin (cán bộ Tiểu đoàn trưởng), đồng chí Sáu Thinh và đồng chí Năm Nheo. Tuy nhiên, máy bay của địch phát hiện, chúng nhảy dù bắt được ông và đồng chí Trần Văn Út, các đồng chí còn lại nhanh chân trốn trong đám lúa nên thoát khỏi trận càn của địch.
Chúng đưa ông về đồn ở xã Long Định nhốt một đêm, đến 03 giờ sáng, ông được vợ của một tên lính mua bánh mì cho ăn. Sáng hôm sau, địch đưa ông về Quân vụ Thị trấn (giếng nước cũ ở Mỹ Tho) giam giữ một tuần. Trong một tuần ấy, chúng bỏ đói, đánh đập, tra tấn liên tục nhưng không khai thác được gì.
Đến ngày thứ 7, có một người mặc đồ thường, mang giày đinh vào thăm rồi đưa ông 500 đồng tiền cọp đỏ và làm một số động tác giả như tra tấn rồi bỏ đi. Lấy cung không được, chúng đưa ông đến Khám đường Mỹ Tho tiếp tục tra tấn, trong bọn chúng có tên Vân, tra tấn ông liên tục và đánh đập rất tàn bạo. Đầu năm 1968, ta tổ chức đánh Khám đường để giải cứu tù binh, nhưng vừa đến cửa bị chúng phát hiện và bắn chết 6 đồng đội của ông.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông bị đưa đến Cần Thơ bằng tàu thủy, trên chuyến tàu có hơn 200 người. Đến cổng trại giam, chúng bắt ông và đồng đội bò 200 mét vào nhà giam. Tại đây, chúng bắt tù nhân chà nền nhà, đào chiến hào, lô cốt hai lần, nhưng mọi người chống đối, nhất quyết không chịu làm.
Cuối năm 1969, chúng đày ông và đồng đội ra sân bay Trà Nóc bằng xe, sau đó đưa lên máy bay đi Phú Quốc, có hơn 200 người. Đến sân bay Cây Dừa, vừa xuống sân bay bọn chiêu hồi cầm cây, gậy gộc đứng hai bên đánh từng người, có người bị đánh vỡ đầu máu chảy lênh láng.
Ở Phú Quốc, chúng giam ông ở khu B10, khoảng hai tháng sau chuyển sang khu C10. Trong thời gian này, chúng tra tấn dã man các chiến sĩ cách mạng, ông và đồng đội nhiều lần đứng lên chống trả như sự kiện đồng chí Đặng Văn Bê và đội Chánh (huyện Cai Lậy) bị trụng nước sôi đến chết năm 1971.
Do trước đó có cuộc bầu cử người làm Tổng đại diện khu C10, chúng chỉ định một người ở miền Trung làm Tổng đại diện khu nhưng tù nhân không đồng ý, chúng nói cmọi người tự bầu. Mọi người chọn bầu đồng chí Đặng Văn Bê thì chúng biết là lãnh đạo cách mạng nên bọn chúng giết đồng chí Bê. Sau nhiều lần tổ chức đấu tranh, chúng bắt 17 người để tra tấn, đến sáng hôm sau, chúng chuyển lên khu biệt giam B2, hành hạ, tra tấn dã man thêm 8 tháng nữa. Sau đó, chúng tiếp tục chuyển 17 người ở khu B2 sang khu B8. Khi bị giam mấy ngày, tên Đại úy Vân đi thẳng vào phòng bắn chết một người thì bị tù nhân đánh, đè xuống sàn. Bọn lính bên ngoài bắn vào để cứu tên Đại úy làm cho 40 chiến sĩ cách mạng hy sinh.
Ngày 14/3/1973, tù nhân được trao trả bằng đường bộ tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau đó, mọi người ra Bắc an dưỡng và học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 4 - Hà Đông. Đến tháng 4/1974, ông về miền Nam, tham gia công tác vật tư thuộc đơn vị Trung ương cục miền Nam cho đến ngày giải phóng.
Hơn 4 năm bị đày ra Phú Quốc, người đảng viên Huỳnh Văn Tốt không thể nào nhớ hết được bản thân đã hứng chịu bao nhiêu lần tra tấn, hành hạ dã man của địch. Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội là nỗi đau về tinh thần đối với ông mãi không bao giờ lành. Sự hy sinh ấy đã giúp ông và đồng đội ở lại có thêm sức mạnh chiến đấu chống quân thù. Nhìn Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương giải phóng hạng Nhất và hạng Nhì, Kỷ niệm chương tù kháng chiến làm ông chợt nhớ về những năm tháng sống, chiến đấu cùng đồng đội. Nó là một phần của cuộc đời, là ký ức không thể nào xóa nhòa trong cuộc đời ông, là tài sản vô giá mà ông đã để lại cho con cháu.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).