Nhà tù Côn Đảo - Trường học giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên

Thứ ba - 01/04/2025 04:33
Ông Trần Văn Ngó, sinh năm 1937, ấp Xã Lới, xã Tân Trung, thị xã Gò Công (nay là thành phố Gò Công), tỉnh Tiền Giang. Năm 1960, ông tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1960, ông cùng với ông Nguyễn Văn Chu - xã đội trưởng xã Tân Trung sang xã Bình Đông mượn súng về canh gác cho dân quân đắp lộ phục vụ chiến đấu, thời gian này phong trào Đồng khởi diễn ra mạnh mẽ nên mức độ chiến tranh diễn ra cũng vô cùng ác liệt.

Trong thời gian tham gia lực lượng du kích xã Tân Trung, ông đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh như trận đánh đồn Cây Sộp năm 1963, trận đánh ở ấp Xã Lới năm 1965, trận đánh ở xã Bình Xuân rồi ấp Bình Lạc, xã Thành Công, Gò Công Tây để hỗ trợ Tiểu đoàn 514 do thiếu quân vào tháng 4/1968, trận đánh ở ấp Ông Cai năm 1969 tiêu diệt 02 tên, bắn bị thương 03 tên địch, nhớ nhất vẫn là một lần đi công tác với đồng chí Năm Bao và Ba Dứt ở ấp 8, xã Bình Thạnh Đông (nay là xã Bình Đông) thì bị lính biệt kích phục kích bắn chết 02 đồng chí kia, còn ông bị thương chạy thoát được nhưng phải lẫn trốn chịu đựng suốt 07 ngày sau mới có thuốc men để rửa vết thương băng bó lại. Ban ngày ông cùng đồng đội phải ẩn nấp dưới hầm, đêm đến mới lên đi hoạt động, có lúc phải nhịn khát suốt 3 - 4 ngày liền, bởi ở đây nước mặn chát không thế uống và nấu cơm ăn được, trong khi đó bọn lính ngụy thì rải quân khắp nơi.

Năm 1970, lực lượng của xã chỉ còn có 04 người, ông phụ trách công tác Tuyên huấn, ông Võ Văn Xê làm Bí thư xã. Ngày 23/9/1970, tên Lê Văn Công, một đồng đội cũ nhưng vi phạm kỷ luật đã bị tổ chức cho ngh, đã lén lút dẫn địch đến bao vây bắt ông và ông Võ Văn Xê tại căn hầm bí mật ở đám lá Bà Tiên - ấp Xã Lới. Lúc này trong người ông có mang theo 02 quả lựu đạn, ông dự định sẽ đổi mạng với bọn chúng rồi tự sát, nhưng ông Xê cản lại. Cuối cùng bị bọn địch bắt, chúng đưa 02 người lên khỏi hầm tra tấn, đánh đập tại chỗ hết sức dã man bằng cách đá vô ngực, bác đã nín thở chết đi sống lại nhiều lần. Sau đó chúng đưa ông về trung tâm thẩm vấn (Cầu đúc lò heo) tiếp tục tra xét đủ điều, nào là ai cung cấp lương thực, ai đưa tin liên lạc,… nhưng ông nhất quyết không khai nên bị địch tra tấn hết sức tàn bạo như ghim kim cúc vào mười đầu ngón tay, mỗi ngón tay ghim hai cây, mỗi lần tra hỏi không khai là chúng dùng thước bảng gõ lên đầu những cây kim, sau đó dùng kềm rút ra rồi ghim trở lại và tiếp tục tra tấn, nhưng dù cho địch có tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần ông vẫn nhất quyết không khai nên chúng đưa ông về giam ở Khám lớn Gò Công, khoảng hai tháng sau chúng đưa ông về giam ở Cần Thơ cùng một số đồng chí khác. Thời gian bị giam ở Cần Thơ khoảng 05 tháng, cuộc sống hết sức khổ cực, căn phòng giam chỉ khoảng 100m2 nhưng chứa tới khoảng 400 - 500 người, tất cả phải sống chen chút nhau, lúc ngủ phải nửa đứng, nửa ngồi, rệp thì chạy đầy phòng, bị giết chết máu trét dính đầy tường buồng giam. Sau đó chúng đưa ông ra tòa tuyên xử 05 năm tù với tội danh “Tội phản nghịch cầm súng chống lại chế độ Việt Nam cộng hòa” và đưa ông đi khám Chí Hòa giam vào “Phòng điện ảnh” (phía trên phòng giam có gắn hệ thống đèn chiếu sáng chụp xuống với công suất cực lớn) sau đó chúng đưa ông vào phòng biệt giam 01 tháng.

Tháng 4/1971, tại bến Bạch Đằng - Sài Gòn, chúng đưa ông lên tàu đày ra Côn Đảo cùng với 500 tù chính trị khác. Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau tàu đến Côn Đảo, chúng đưa ông về giam tại trại số 5, buồng số 7 chung với khoảng 70 tù nhân. Cuộc sống trong nhà tù Côn Đảo hết sức khổ cực. Các cuộc đấu tranh trong tù diễn ra liên tục với nhiều hình thức khác nhau. Lúc này, chủ trương đấu tranh của Chi bộ trong nhà tù là cử người đại diện ra đòi hỏi quyền lợi cho tù nhân như chế độ ăn uống phải có chất dinh dưỡng, có đủ thuốc men để trị bệnh, cải thiện việc sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, không chào cờ của địch,... Ở Côn Đảo mỗi sáng chúng đều bắt tù binh ra chào cờ, nhưng tất cả đều không ra khỏi phòng giam và trước sau đều trả lời “Tôi không biết chào cờ”.

Có lần tên Chính Khương - Phó Trại giam đảo Côn Sơn kêu ông ra hỏi có vợ con chưa, nếu chấp hành việc chào cờ sẽ được ân xá, còn chống lại thì sẽ phải đi khổ sai (Lúc này vợ và 03 người con của ông đang ở quê nhà). Dù hết sức thương nhớ vợ con, nhưng khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, một đảng viên cộng sản không cho phép ông lùi bước trước quân thù, ông đã dõng dạc trả lời: “Tôi là người bị bắt, không phải kẻ đầu hàng nên tôi không thể chào cờ của các ông được”. Tên Phó Trại giam bực tức nói:“Tao sẽ cho tụi bây ra hàng dương hết”!

Sau 03 tháng liên tục đấu tranh vẫn không được giải quyết, một hôm chúng điều động 200 cảnh sát dã chiến ra đàn áp, nhưng đã được anh em trong tù mật báo cho nhau biết trước trong bữa cơm để có tư thế chuẩn bị đối phó, hạn chế thương vong xảy ra. Sáng hôm sau chúng cho bắn “phi tiễn” (bắn khói ngạt) rồi xông vào đánh đập tù binh hết sức dã man, sau đó chúng giam ông cùng đồng chí Tư Xê và một số đồng chí khác vào “chuồng cọp”.

Hiệp định Pa-ri được ký kết, chấm dứt chiến tranh và tiến hành trao trả tù binh nhưng bọn chúng vẫn không thực hiện. Một lần nữa tù nhân lại tổ chức đấu tranh đòi thực hiện với khẩu hiệu: “Nhà cầm quyền chính quyền Sài Gòn phải trao trả chúng tôi về với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, địch điên cuồng hèn hạ, đàn áp bằng việc ném vỏ chai thủy tinh và phân người vào các phòng giam, việc không thực hiện trao trả tù binh là do chúng đang điên cuồng với thất bại của cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc nước ta.

Khoảng tháng 5/1973 chúng đưa ông về giam ở Khu A, trại giam Hố Nai, tỉnh Đồng Nai cùng 1.200 tù chính trị khác, trong đó có 200 tù nhân nữ, với 09 vòng rào bao quanh. Cuộc sống ở đây cũng như bao nhà tù khác, mỗi bữa cơm chỉ có một chén lưng với 02 cọng rau muống sống, một muỗng muối, anh em đã chủ động trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn, lấy vách tol làm nồi, gỡ ván vạt giường làm củi. Lúc này, có gia đình của một số anh em biết được chồng con mình được đưa về giam ở Hố Nai nên đã đến thăm, nhưng mỗi lần chúng chỉ giải quyết cho gửi quà bánh vào từ 100 - 200 phần, chủ yếu là bánh tét và bánh ít để anh em ăn cho đỡ đói. Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vậy là từ 100 - 200 phần bánh đó được chia nhỏ ra thành 1200 phần cho tất cả tù nhân trong tù cùng lót dạ, có như thế mới thấy tình nghĩa đồng chí đồng đội trong nhà tù sâu đậm và gắn bó như thế nào! Thời gian này, tù nhân đã bí mật đào hầm vượt qua 09 vòng rào kẽm gai của địch để trốn ra ngoài trước thời gian trao trả khoảng 200 người mà địch không hề hay biết.

Một ngày của tháng 01/1974, chúng đưa ông Trần Văn Ngó lên sân bay Biên Hòa để đi ra sân bay Lộc Ninh, tiến hành việc trao trả tù binh. Đúng 16 giờ ngày hôm đó, ông và đồng đội của mình đã chính thức được trở về với chính quyền cách mạng, tiếp tục cuộc chiến đấu sau gần 4 năm bị giam cầm trong nhà lao đế quốc, trong đó có hơn 02 năm ở nhà tù Côn Đảo. Trên đường được đưa về trại an dưỡng Lộc Tấn (Tây Ninh) bà con ra đứng hai bên đường vẫy tay hân hoan chào đón mọi người và hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô các đồng chí, đồng bào chiến thắng Mỹ ngụy từ nhà lao trở về tiếp tục chiến đấu”, lòng ông cảm thấy nao nao một niềm vui khó tả!

Sau khoảng 04 tháng về ở tại Tây Ninh, vừa an dưỡng, vừa tăng gia sản xuất, ông được tổ chức điều về công tác tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây ngày nay) vừa làm nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy Gò Công, vừa kết hợp sản xuất quân khí - lựu đạn phục vụ chiến đấu. Đến ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được lệnh về tiếp quản quận Hòa Đồng, 7 ngày sau đồng chí Nguyễn Văn Niên (Tám Niên - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông) điều ông và đồng chí Võ Văn Xê - người đồng chí bị địch bắt cùng với ông trở về quê nhà trực tiếp quản lý xã Tân Trung,  làm Ban quân quản, sau đó làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Trung đến năm 1998 thì nghỉ hưu cho đến nay.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền  Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay18,560
  • Tháng hiện tại164,115
  • Tổng lượt truy cập50,630,434
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây