Khí tiết người tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo

Thứ sáu - 11/04/2025 03:18
Đồng chí Nguyễn Hoài Việt còn có tên là Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1918 tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lúc còn nhỏ lo chăm chỉ học hành, lớn lên phụ công việc ruộng nương với cha mẹ. Được các anh Nguyễn Văn Vẹn, anh Nguyễn Văn Hoành là cán bộ cách mạng xã Tân Hương giáo dục, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng.
Tháng 7/1945 đồng chí tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, cùng các anh nổi dậy giành chính quyền ở xã Tân Hương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí được phân công làm Ủy viên Nông nghiệp trong Ban hành chính xã Tân Hương. Ngày 02/12/1945 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí trải quan nhiều cơ quan, đơn vị và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Đầu năm 1953 đến ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ 20/7/1954, đồng chí là Huyện ủy viên huyện Thủ Thừa phụ trách liên xã.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, một số đồng chí đi tập kết ra miền Bắc, số ở lại tiếp tục chiến đấu, trong đó có đồng chí. Tháng 8/1954, đồng chí được Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ định tham gia Huyện ủy Châu Thành phụ trách các xã: Nhị Bình, Dưỡng Điềm, Điềm Hy, Hữu Đạo, Bàn Long, Phú Phong, Kim Sơn và Thân Cửu Nghĩa. Tháng 01/1957, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách công tác Binh vận, rồi làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Suốt 13 năm giữ nhiều trọng trách khác nhau, đồng chí Hoài Việt đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân thương yêu. Ngày 21/01/1958, đồng chí không may sa vào tay địch. Hơn mười sáu năm chịu cảnh giam cầm trong ngục tù Mỹ - ngụy, dù bị giam ở đâu, địch cũng thẳng tay tra tấn đồng chí vô cùng tàn bạo, dã man nhằm khai thác cơ sở cách mạng ở địa phương nhưng không thu được kết quả gì. Bất lực trước lòng trung kiên của người đảng viên cộng sản, ngày 12/3/1959, địch lưu đày đồng chí ra Côn Đảo. Khi tàu cập bến, tù nhân được “đón tiếp” bởi trên dưới 40 tên cảnh sát và trật tự, bọn này tay cầm ba trắc, dùi cui rất hung hăng. Tên đại úy Bùi Văn Năm, Quản đốc nhà tù Côn Đảo, truyền lệnh: “Cho xuống!”.

Một tiếng dạ “ran”, bọn trật tự - những tên tay sai là công cụ đàn áp của bọn cầm quyền, tay gậy, tay roi lớp tràn ra bãi biển, lớp nhảy phóc lên mũi tàu, xông vào la hét, chửi bới, đánh tới tấp tù nhân. Có nhiều người té lăn từ mũi tàu xuống. Nhiều người máu tuôn lai láng, như anh Lương Văn Cao quê Gia Định, anh Nguyễn Văn Ngoạn quê Bạc Liêu, anh Trần Văn Nhâm quê Đồng Tháp, anh Huỳnh Văn Hải, anh Tô Văn Sơn quê Long An,… Các anh này đều không còn đi được. Đồng chí Hoài Việt và nhiều anh em khác bị mẻ đầu, tét trán, thương tích đầy mình. Chúng đưa tù nhân vào Lao II Trại 3, không cho ăn uống. Ngày sau, chúng cho một vắt cơm, ba người một gô nước uống, gần một tháng không cho tắm rửa.

Sau đó, chúng đưa qua Lao IV Trại 1 để chia lẻ vào các phòng, một số bị đưa qua Lao II Trại 3 để thực hiện âm mưu tiêu diệt sinh mạng chính trị người cộng sản bằng cách buộc tù nhân “ly khai Đảng và Bác Hồ”, học “tố cộng”, xé cờ Đảng, bắt kiến nghị “suy tôn”, bắt hô khẩu hiệu phản động, bắt chào cờ ngụy, chào sĩ quan ngụy, học tập nội quy và tâm lý chiến,… Ngoài ra, chúng còn cưỡng bức, xâm phạm phẩm chất chính trị và nhân phẩm người cộng sản, mưu đồ phân hóa người tù mới ra đảo,…

Về tổ chức đảng nhà tù Côn Đảo từ năm 1961 đến năm 1964. Tổ chức đảng theo từng Khu hoặc Liên khu hay theo từng Miền, còn Chi bộ được tổ chức theo từng địa phương tỉnh hoặc liên tỉnh, có lúc tổ chức theo từng phòng giam hoặc nhiều phòng giam tùy thuộc số lượng đảng viên nhưng có nhiều lần thay đổi do diễn biến tình hình khác nhau, mỗi trại khác nhau bởi vì chúng xáo trộn tù câu lưu liên tục, nhưng tù nhân cùng chung mục đích là quyết tâm giữ vững khí tiết, đấu tranh đòi dân sinh, chống đánh đập vô cớ, chống tố cộng,…Thời điểm này Bí thư Đảng ủy là đồng chí Lương Thanh (Gia Lai), đồng chí Nguyễn Chuẩn (Mỹ Tho) là Phó Bí thư Đảng ủy, đảng ủy viên là đồng chí Lê Quang Ba (Gia Định) và đồng chí Hoàng Phùng (Quảng Trị). Đồng chí Nguyễn Chuẩn vừa Phó Bí thư Đảng ủy vừa Bí thư Chi bộ Phòng 4 Trại IV. Đảng ủy củng cố tổ chức nòng cốt ở các phòng theo các “mâm cơm”.

Chi bộ thường xuyên tổ chức các cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy, chống hô khẩu hiệu phản động, bảo vệ khí tiết. Sau đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 01/11/1963, Đảng ủy và Chi bộ quyết định tuyên bố chống chào cờ, không hô khẩu hiệu phản động trừ phòng nhà bếp. Cả trại đấu tranh đòi giải tỏa cầm cố, đòi cải thiện đời sống và dân sinh. Địch không chấp nhận nên tù chính trị tuyệt thực từ ngày 22 đến ngày 24/12/1963, buộc địch phải chấp nhận bỏ hô khẩu hiệu và cải thiện dân sinh. Tuy nhiên, sau đó, địch trả đũa bằng cách bắt một số nòng cốt của ta, như các anh Cảnh, Phong, Hài và Chánh nhốt vào chuồng cọp. Chi bộ lãnh đạo đấu tranh toàn diện chống cưỡng bức chính trị, khôi phục khí tiết bằng hai bước, bước một: chống hô khẩu hiệu; bước hai: chống chào cờ. Thực hiện chỉ đạo của chi bộ, cuộc đấu tranh tháng 12/1963 ở Trại II đạt được một phần; tiếp đó, Chi bộ lãnh đạo toàn Trại đứng lên đấu tranh chống khẩu hiệu giành được thắng lợi lớn hơn là buộc địch phải thả về Trại những đồng chí mà chúng đã bắt trước đó; đến tháng 1/1964, phát huy thắng lợi đã đạt được, Chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chào cờ ngụy, tái lập vị trí bảo vệ khí tiết.

Tháng 2/1964, một số tù chính trị từ Quảng Trị địch mới đưa vào Trại I và số tù nhân từ khám Chí Hòa chống chào cờ địch đưa ra đảo như Trần Văn Cao (Bình Thuận), Trần Xuân Lê (Bến Tre), Lê Văn Triết, Đoàn Cao Hồng (Sài Gòn), Trần Tấn Lộc (Biên Hòa). Cuối năm 1965, tù chính trị ở Trại I có trên 600 người; trong đó có hơn 300 người chống chào cờ ngụy, bị địch tra tấn dã man.

Trong năm 1964-1965, phong trào đấu tranh ở các Trại của Nhà tù Côn Đảo chuyển biến mạnh mẽ. Bọn cầm quyền mâu thuẫn nhau, tên Thiếu tá Tăng Tư và Đại úy Khỏe cấu kết lật đổ Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sáu. Chúng lật lọng xóa bỏ cam kết tháng 12/1963 và tháng 6/1964 với tù chính trị. Tháng 8/1964, chúng lấy cớ chuyển Trại, dồn tù nhân Trại I chống chào cờ vào chuồng cọp hơn 150 người, chúng tước hết quần áo, chỉ còn chiếc quần đùi nhốt một hầm đá 5 đến 6 người, mỗi bữa ăn chỉ là một ít cháo loãng, cá đắng, uống một lon “ghi gô” nước, chúng dung túng cho bọn trật tự đánh đập tù nhân bằng cách ném vôi bột vào thân thể tù nhân rồi dội nước làm cho vôi nóng lên làm da thịt bị lở loét.

Tin Bác Hồ kính yêu qua đời, nhưng mọi người còn hoài nghi, đến ngày 11/9/1969 mới xác định tin chính xác. Mọi người hết sức đau buồn. Chi bộ lãnh đạo từng phòng làm lễ tang và để tang Bác trong 3 ngày, hứa với Bác quyết tâm bảo vệ khí tiết. Suốt 3 ngày anh em giữ im lặng trang nghiêm, tập trung từng nhóm mạn đàm tiểu sử, công ơn của Bác đối với đất nước, dân tộc và Đảng. Mọi người kiểm điểm hơn 5 năm rưỡi, từ năm 1964-1969, tù chính trị ở Trại I đấu tranh sinh tử với địch, trên 100 đồng chí hy sinh, trên 180 người bị địch đưa nhốt chuồng cọp, hầm đá; nhưng chi bộ quyết tâm giữ vững cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết, buộc địch phải thừa nhận vị trí chính trị của người tù chính trị, làm điểm tựa vượt qua muôn vàn thử thách để tiến lên.

Giữa năm 1970, cuộc đấu tranh ở Sở củi bùng nổ. Tù chính trị đòi hạ mức khổ sai, củi chẻ từ 4 tấc xuống còn 3 tấc, củi đòn từ 7 tấc xuống còn 5 tấc; đòi tăng thực phẩm; chấm dứt khủng bố, đánh đập; đưa giám thị ác ôn ra khỏi Sở, đòi giảm giờ làm. Kế tiếp, toàn bộ tù chính trị ở Sở rẫy bãi công phản đối tên chủ sở gian ác đối với tù nhân, rồi Sở muối đưa yêu sách chống việc cho tù nhân ăn cá khô đắng, đòi rau xanh, phát quần áo; đến Sở ruộng, Sở vôi rồi Sở đá,… Tù chính trị chống chào cờ, chống khổ sai... Côn Đảo bị tê liệt, rẫy bãi khô héo, cuộc “đồng khởi” của toàn thể tù nhân Côn Đảo với mục đích là tất cả đồng loạt không đi làm khổ sai, tìm mọi cách gây tiếng vang lớn.

Tù nhân “hô la” mỗi ngày: sáng, trưa, chiều, tối, giờ giới nghiêm, cứ hai giờ là hô la một lần, xen lẫn “kể khổ”, làm chấn động cả đảo. Bộ máy kèm kẹp của địch hoang mang. Chúng bỏ chạy ra khỏi văn phòng, khiến mọi hoạt động trên đảo bị ngưng trệ. Đài Phát thanh giải phóng Côn Đảo bí mật bắt đầu hoạt động: kêu gọi bọn trật tự tay sai không đàn áp tù chính trị và trở về với cách mạng, đọc bản tin thông báo tình hình đấu tranh từng phòng, từng trại,… Trước tình hình đó, chúa đảo trung tá Nguyễn Văn Vệ nhân nhượng cho tù chính trị không chào cờ, không dùng nhục hình; cấp thịt, cá, rau xanh, thuốc trị bệnh,… Phong trào “đồng khởi” mùa thu năm 1970 giành thắng lợi.

Sau đó, địch phản ứng. Chúng đưa ra đảo một đại đội cảnh sát dã chiến trang bị mặt nạ, lựu đạn cay, lá chắn, dùi cui,… Trang bị súng tiểu liên A.R15 cho cả lính bảo an, giám thị, trật tự và thẳng tay đàn áp tù nhân. Ngày 3/11/1970, tên Vệ phát loa như tối hậu thư, vừa dụ dỗ, vừa hù dọa buộc tù nhân phải chào cờ và đi làm khổ sai trong 48 tiếng đồng hồ! Nếu không chiến dịch “bình định” sẽ triển khai nhằm đàn áp tù nhân. Tù nhân các trại phản kích quyết liệt. Ngay trong ngày 3/11/1970 rồi ngày 5/11/ 1970, đại đội cảnh sát dã chiến cùng bọn giám thị và trật tự đồng loạt tấn công vào các Trại II, III, IV. Địch ném lựu đạn cay vào phòng làm tù nhân ngất xỉu, rồi xông vào còng chân tay và đưa đi biệt giam.

Sáng ngày 6/11/1970, chúng đàn áp Trại I, ném lựu đạn cay vào phòng giam, tù nhân kiên cường chống trả, bốc lựu đạn cay ném trở ra. Bọn trật tự không đeo mặt nạ bỏ chạy tán loạn. Đầu giờ chiều, lợi dụng lúc tù nhân bị ngất xỉu, chúng mới còng được mọi người. Tiếp tục ngày 9 và 10/11/1970, bọn cảnh sát dã chiến, giám thị và trật tự trở lại trấn áp một số phòng còn lại của Trại IV, tù nhân chống cự quyết liệt; mãi đến 9 giờ tối, mới bắt hết tù nhân và tra chân vào còng.

Tù nhân các Trại I, II, III, IV bị còng chân suốt ngày đêm, không được tắm giặt, ăn uống thật kham khổ cả tháng. Do hơn một nửa tù nhân trên đảo đã bị cấm cố, nên thiếu củi nghiêm trọng, địch phải thay củi bằng dầu diezel để nấu. Sau đó, địch thay Nguyễn Văn Vệ bằng trung tá Cao Minh Tiếp là sĩ quan tình báo được huấn luyện ở Mỹ về. Tên này vừa dùng thủ đoạn tâm lý chiến xảo quyệt nhằm dụ dỗ, mua chuộc tù chính trị; vừa thực hiện tra tấn, đàn áp tù nhân rất tàn bạo, không khác gì những chúa đảo khác.

Năm 1971, ngụy quyền Sài Gòn ráo riết đưa hàng loạt tù chính trị ra Côn Đảo; cũng vì thế, số tù nhân ngày càng tăng lên. Do đó, địch cắt giảm lương thực từ 700 gam gạo/người/ngày xuống còn 600 gam, có thời điểm chỉ còn 450 gam. Đảng ủy lãnh đạo đấu tranh đòi giữ nguyên khẩu phần gạo. Địch tước quyền quản lý nhà bếp là cơ sở của ta. Chúng thay bằng bọn trật tự nấu cơm cho tù nhân ăn. Tất cả tù nhân các trại đồng loạt không ăn. Đợt đấu tranh tuyệt thực diễn ra từ trưa ngày 21/9/1971. Suốt 4 ngày, cuộc hô la diễn ra quyết liệt. Về sau, cứ cách 2 giờ, tù nhân vừa hô la, vừa kêu cứu mạng. Đến ngày thứ 7, một anh ra tự mổ bụng để tác động mạnh đến địch, rồi ngày thứ 8 đến ngày thứ 9, có 3 tù nhân đồng loạt mổ bụng. Địch hoảng sợ cho y tá vào bôi thuốc, băng bó. Bọn quản đốc nhà tù Côn Đảo báo về Sài Gòn, tên đại tá “Tổng giám đốc Trung tâm cải huấn” Nguyễn Phú Sanh đích thân ra đảo giải quyết; nhưng tên này không ra mặt, chúng cho tên sĩ quan đi theo cùng và tên trung tá Cao Minh Tiếp, Trưởng trại giam Côn Đảo nói chuyện với đại diện tù nhân, địch chấp nhận đến mức độ phải báo cáo về Sài Gòn, nhưng tù nhân đại diện buộc chúng phải cam kết: cấp thuốc men và khám bệnh, chữa trị tù nhân suy yếu nặng sau tuyệt thực lâu ngày. Tên trung tá Tiếp buộc phải chấp nhận. Cuộc đấu tranh của tù chính trị kết thúc thắng lợi.

Phát huy thắng lợi này, Đảng ủy nhà tù Côn Đảo lãnh đạo toàn diện lực lượng tù chính trị ở Trại VI B, như thành lập Ban điều hành trại có nhiệm vụ quản lý mọi mặt sinh hoạt nội bộ lực lượng tù chính trị trong trại, do đồng chí Mai Xuân Cống, Ủy viên thường trực Đảng ủy, làm Trưởng ban điều hành, đồng chí Hoàng Tùng, Phó ban kiêm Tổng đại diện chịu trách nhiệm giao tiếp với nhà cầm quyền. Đảng ủy phân công đồng chí Phạm Huy Tưởng, Phó ban Tuyên giáo phụ trách công tác huấn học và thanh niên, tổ chức Đoàn thanh niên vào ngày 26/3/1972.

Tháng 5/1973, địch chuyển tù chính trị ở Trại VIII về Trại V 500 người, lập Trại V mới. Bọn chúng cho giảm khẩu phần gạo, thực phẩm, ra sức siết bóp đời sống, không thực hiện trao trả tù chính trị theo Hiệp định Pa-ri. Chúng cầm cố khắc nghiệt, lục soát lấy chiếc radio của Trại V nên tù chính trị không còn nắm được tình hình bên ngoài. Đảng ủy tổ chức đấu tranh đưa yêu sách đòi giải quyết đời sống và đòi trao trả tù chính trị. Địch trả lời qua loa, không hứa giải quyết một yêu sách nào. Tù nhân tiếp tục kiên trì đấu tranh. Cuối cùng, chúng lập danh sách tù chính trị và tổ chức trao trả theo từng đợt.

Ngày 12/02/1974, đồng chí Hoài Việt được trao trả tại thị xã Lộc Ninh, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước). Đồng chí về an dưỡng tại cơ quan có ký hiệu K3 thuộc Ban đón tiếp Trung ương Cục miền Nam. Từ ngày 10/3/1974 đến ngày 06/6/1975, đồng chí làm nhiệm vụ kế toán hậu cần K3, rồi Phó Ban tài vụ Đoàn 1 thuộc Ban đón tiếp Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam và là Trưởng đoàn chiến thắng trở về Khu 8. Tháng 6/1975, đồng chí là cán bộ Nghiên cứu bảo vệ Đảng - Ban Tổ chức Khu ủy Khu 8; tháng 11/1976 là cán bộ Nghiên cứu bảo vệ Đảng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang; đến tháng 12/1997, đồng chí nghỉ hưu trí.

Trong khi kể lại 5.856 ngày đêm sống trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Hoài Việt nhiều lần nghẹn ngào, trào dâng niềm xúc cảm với đôi mắt rướm lệ, “không sao nói hết được” về những năm tháng cùng với các đồng chí bị đày ải nơi ngục tù, những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Cái quý và vui mừng nhất là người tù chính trị vẫn giữ được khí tiết của người đảng viên, được Đảng và nhân dân hết lòng tin tưởng và yêu mến.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang  trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm71
  • Hôm nay59,941
  • Tháng hiện tại1,032,028
  • Tổng lượt truy cập51,498,347
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây