Trở lại Phú Quốc sau 44 năm, đồng chí Lê Hải Uyên, sinh năm 1948 - cựu tù kháng chiến quê xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình như gặp lại đồng đội cùng những năm tháng gian lao, bất khuất. Không biết các đồng chí của mình ai còn, ai mất, giờ ở đâu? Nơi ở hiện nay của đồng chí: số 61 Đỗ Văn Thống, phường 10, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Tại phân khu B2 - nơi tái hiện một phần của nhà lao. Bước qua cánh cổng là hai kiểu “chuồng cọp” mà địch sử dụng để khủng bố tinh thần chiến sĩ ta, một đan bằng kẽm gai, một thùng sắt hàn kín gọi là Catso. Cả hai cùng phơi giữa nắng mưa xứ đảo. Sống trong đó, ta nhận ra sức chịu đựng bền bỉ của con người và “Tự do” quý giá biết chừng nào.
Cuối tháng 3/1972, địch chuyển đồng chí Lê Hải Uyên và đồng đội từ D5 về C3. Cấu trúc các trại giam đều giống nhau nhưng Khu C3 kẹp giữa hai phân khu: một C2 ngột ngạt và một C4 nhốn nháo. Khu C2 giam tù nhân và lập ra một đội trật tự đông đảo để thay chúng cai quản, bọn này thường cầm gậy, búa, nghênh ngang đi lại, la hét hết người này đến người khác, có khi vây lại đánh đập tàn nhẫn một người nào đó làm chúng ngứa mắt. Bên phải, hướng nhìn ra trục lộ là C4 giành cho những kẻ “chiêu hồi về với chính nghĩa quốc gia” theo cách nói của địch. Trời nắng gắt, nhưng ngoài sân, mọi người vẫn làm việc quần quật “Theo quốc gia thì phải làm việc quốc gia!”. Nhận ra ý đồ địch dùng hai trại bên để gây sức ép nên mọi người càng phải mạnh mẽ hơn. Khi chuyển trại, mỗi tù nhân chỉ còn mảnh vải trên mình, chẳng mang theo được thứ gì; lo cho người đi, tìm hiểu người đến, tổ chức đang ráp nối. Các lớp học vốn đã được “hợp pháp hóa” phải từng bước gom trở lại. Trong tù, các nhóm lớp học văn hóa được lồng ghép với sinh hoạt chính trị, truyền bá lý tưởng cách mạng, quán triệt mục tiêu đấu tranh,…
Sau giờ điểm danh buổi sáng, tù nhân về lại chỗ của mình, phòng giam chừng 100m2 như mọi khi vẫn chật kín người. Ở một góc, có người nói to “Vừa gà vừa chó/Bó lại cho tròn/Ba mươi sáu con/Một trăm chân chẵn. Quý vị, mấy gà mấy chó”. Đề tài không mới, nhưng được đưa ra khá bất ngờ, tạo được sự chú ý của nhiều người. Đang cùng mấy anh ngồi dưới đất, cùng giải bài toán theo phương pháp đại số, thì đồng chí Lê Hải Uyên nhận được một gậy đập vào vai: “Ông này!”, ngay sau đó, hai quân cảnh ép đồng chí đứng dậy “Đi ra!”. Mặt trời lên cao, đất đã nóng lên, sân điểm danh không một bóng người. Tại cổng, viên giám thị đã chờ sẵn:
- “Ai cho phép ông mở lớp?” - Hắn hất hàm hỏi, giọng điệu không gay gắt lắm.
“Trong trường hợp này, im lặng là tốt nhất” - đồng chí Uyên nghĩ.
- “Ông phải chịu hình phạt của trại” - Nói rồi hắn quay sang hai quân cảnh:
“Nhốt vào chuồng cọp, chờ lệnh”.
Cái chuồng cọp đặt ngay trong trại. Nó có lâu rồi nhưng chẳng mấy ai để ý, sớm muộn cũng được thử sức thôi. Vào đó, tù nhân phải lột quần áo chui vào. Bất ngờ, nhưng đồng chí Uyên vẫn đủ tỉnh táo. Đó là một chiếc cũi được đan bằng rào kẽm gai sáu mặt, cửa đủ cho một người nhỏ con chui vào. Đồng chí Uyên nằm sấp đưa chân vào trước, duỗi thẳng hai tay, cong lưng rướn người vào trong. Dù vậy, vai và sườn cũng bị cào xước tứa máu. Trong “chuồng cọp”, nếu nằm thì phải co chân, ngồi phải khom xuống, gai thép sắc nhọn làm chảy máu ù nhâna bất kỳ lúc nào. Tù nhân chỉ có thể chọn cho mình một tư thế ngồi cong lưng, hai tay ôm lấy đầu gối, rồi khéo léo xoay mình để mặt trời không chiếu lâu vào một điểm trên cơ thể. Chiếc quần đùi mỏng sớm bị xé nát. Toàn thân phát sốt lên với những vết cắt. Đồng chí Uyên hệ thống lại chi tiết toàn bộ sự việc, không có sơ hở nào! Địch cũng không gặng hỏi thêm. Bọn này hôm nay hơi lạ. Dưới trời nắng như lửa, da thịt căng ra, nóng rát, phồng dộp lên, rồi tróc ra từng mảng. Máu trên người chảy ra và nhanh chóng khô cứng lại. Đến đêm, khi mặt đất nguội đi, gió từ những triền núi tràn xuống, ập vào các lớp rào kẽm gai, tạo ra những tiếng rít, đôi lúc làm những chiếc lon sữa bò treo trên đó kêu lon con. Lũ chuột, ngày trốn đâu mà đêm từng đàn cứ chạy nhớn nhác. Những con ở gần nhe răng nhìn, mắt gặp ánh đèn pha lóe sáng. Chẳng lẽ chúng ngửi thấy mùi thịt đang phân hủy trên người? Một lần, mìn đã cài sẵn ngoài hàng rào, bỗng vụt lên sáng chói, lính trên các chòi canh đồng loạt trút đạn vào nơi phát nguồn sáng, đất cát tung lên. Trong trại giam, các mái tôn vẫn im lìm nhưng mọi người thao thức không yên vì lo cho đồng chí Uyên.
Nắng, gió làm cổ họng khô, cơm bữa đựng trong chiếc cà men trộn chung với canh lõng bõng mà mấy anh nấu bếp mang tới cũng rất khó nuốt. Họ, có người chỉ quen mặt không nhớ tên, lúc đưa cơm bị giám sát chặt chẽ, nhưng vẫn tìm cách để dành phần cho đồng chí Uyên có thêm sức chịu đựng. Những khi trời tắt nắng, ngoài giờ giới nghiêm, đồng chí Uyên có dịp tiếp xúc và luôn nhận được sự tin cậy trong mắt các đồng chí. Những ánh mắt ấy đã giúp đồng chí Uyên có thêm sức mạnh. Nắng, gió ngày đêm cứ tưới lên người, chiều tối ngày thứ ba, lính vào mở cửa, đồng chí Uyên ra khỏi trại cùng hai quân cảnh. Ngoài đường, xe tuần tra gắn đại liên pha đèn lóa mắt. Chúng muốn thủ tiêu mình? Nếu vậy sẽ chết cho xứng đáng. Không phải, chúng đưa đồng chí Uyên đến một “chuồng cọp” khác, sát với khu bên C2. Chỗ này rộng hơn, có hai người ngồi xoay lưng lại. Không nhìn rõ mặt, các anh đến từ trại khác. Đồng chí Uyên muốn bắt chuyện nhưng lại thôi. Đối với họ, đồng chí là người lạ, mọi giao tiếp lúc này là thừa.
Đêm vẫn như mọi khi, gió quất vào lưng rát rạt, đồng chí Uyên cứ vướng những câu hỏi trong đầu: “Các anh ở trại nào, tình hình anh em ra sao, có tin gì từ bên ngoài không?”,… Xem ra các bạn chưa có kinh nghiệm rồi, cứ phơi bụng ra thế kia,… Gần về sáng, một trong hai người có biểu hiện đau bụng. Anh cố nén nhưng không giấu được hơi thở nặng nhọc, gấp gáp cùng với hai tay ôm bụng. Thôi cứ xả hết ra đi, đừng ngại bạn ạ,... Mọi người vòng tay ngồi ôm nhau chờ sáng. Nắng trưa ở đảo cũng nhanh chóng lau khô mọi thứ mà con người thải ra. Mặt anh bạn xám ngắt, mắt trũng sâu. Tuy không nói chuyện nhưng chúng tôi hiểu nhau rồi. Cuối chiều, tốp quân cảnh có súng đến mở khóa và đưa hai anh đi. Họ quay lại nhìn đồng chí Uyên rồi loạng choạng bước đi. Trong vệt nắng cuối ngày, đồng chí Uyên còn nhìn rõ những bàn tay nắm chặt. Cái chuồng cọp vốn quá chật cho ba người bỗng trở nên trống hoang. Đến lúc chúng trả đồng chí Uyên về trại, viên giám thị vẫn giọng điệu cũ: “Cảnh cáo ông”. Rồi không quên một câu hăm dọa: “Hãy coi chừng đấy!”. Sau đó đồng chí Uyên được biết, thông qua vị đại diện trại giam, mọi người yêu cầu trả đồng chí Uyên về trại, địch phải nhượng bộ. Thế mới biết, sức mạnh tập thể dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể xem thường. Điều đáng nói là trong những ngày đồng chí Uyên ở chuồng cọp, các phòng giam vẫn có vài lớp học nhen nhóm. Rồi như sắp đặt sẵn, nhiều lớp mở ra trước sự hằn học của bọn lính tuần tra. Bấy giờ, lại có thể ngồi trao đổi với nhau như ngày ở A5, D5. Đối với tập thể nhà lao, “bài toán” đặt ra hôm trước đã có lời giải hoàn hảo. Trở lại với hiện tại, 15 giờ nắng đảo vẫn làm rát lưng du khách, nhưng không khí có phần dịu đi bởi màu xanh bạt ngàn của keo, của điều mọc chen chúc trên nền đất sỏi, khô khốc. Nơi một thời là “địa ngục trần gian” trắng lóa những mái tôn, dày đặt rào kẽm gai chết chóc đang đổi thay từng ngày. Nghĩa trang Phú Quốc, mộ có tên và mộ không tên, nhưng có quá nhiều những ngôi mộ không tên. Các anh đã ra đi thay cho chúng tôi trong tư thế hiên ngang và niềm kiêu hãnh trong lòng. Những tâm hồn bất tử, nay lại đứng thẳng hàng, uy nghiêm trong đội ngũ những người chiến thắng.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).