Thời trẻ, đồng chí học giỏi, thi đỗ tú tài. Đồng chí là người yêu nước, lại sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tích cực tham gia phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Năm 1923, đồng chí cùng một số bạn học ở Huế được các vị cách mạng tiền bối truyền bá và cho đọc một số sách tiến bộ, đặc biệt là được nghe tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, khiến đồng chí cùng bạn bè háo hức muốn đi tìm con đường đến với cách mạng để cứu nước, cứu dân.
Năm 1924, đồng chí về nhà tập hợp bạn bè cùng chí hướng như: Nguyễn Nghiêm, Trần Kỳ Tuyên, Hồ Độ, Lê Ngọc Thụy,… lập tổ chức “Công ái Đảng”. Tôn chỉ hoạt động của “Công ái Đảng” là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc thực dân và thực hiện chủ nghĩa cộng sản như ở nước Liên Xô. Tuy có tư tưởng lớn, nhưng đồng chí cùng nhóm bạn lúng túng về đường lối, phương châm và cách tổ chức hoạt động. Do đó, đồng chí cùng bạn bè thảo luận, cho rằng, muốn thực hiện được tư tưởng đó, trước hết phải tìm cách ra nước ngoài học tập mới thực hiện được hoài bão của mình.
Đầu năm 1925, đồng chí ra Hà Nội và gặp đồng hương Quảng Ngãi, như: Phạm Văn Đồng (học ở Trường Bưởi, sau này là Thủ tướng nước ta), Nguyễn Vỹ, Nguyễn Tuân, Ngô Thiêm,… Lúc này, tình hình trong nước có nhiều biến động, thực dân Pháp ra sức khủng bố những người yêu nước, bắt nhiều người, trong đó có cụ Phan Bội Châu và xử tử hình. Nhân dịp này, đồng chí tham gia cùng sinh viên, học sinh Hà Nội tổ chức bãi khóa, đòi nhà cầm quyền Pháp giảm án cho cụ Phan. Năm 1926, đồng chí tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh, phong trào diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi ở các thành phố lớn trên cả nước.
Số bạn trong nhóm của đồng chí, như Phạm Văn Đồng, Trần Phú và Tôn Quang Nhựt được tổ chức giới thiệu đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mở . Riêng đồng chí, vì chưa vào tổ chức nên không được đi đợt đó. Đồng chí trở về quê gặp lại bạn cũ và bàn nhau vào Sài Gòn, với quyết tâm tìm đường sang Pháp hoặc sang Trung Quốc. Tới Sài Gòn, ông gặp được đồng chí Ngô Thiêm.
Sau đó, đồng chí được Ngô Thiêm bí mật đưa đi dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1927, đồng chí trở về nước, tham gia thành lập Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ. Sau đó, đồng chí được phân công tham gia phụ trách Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Trung Kỳ, rồi về Quảng Ngãi truyền bá chủ trương của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời tiếp tục hoạt động trong Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ.
Sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đòi hỏi sự ra đời của tổ chức cộng sản. Tháng 8-1929, đồng chí tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ. Đồng chí trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của tổ chức này và là một trong sáu Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng, hoạt động xây dựng cơ sở Đảng ở Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và một số tỉnh ở Nam Kỳ. Đầu năm 1930, đồng chí và đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm đại diện cho Ban Chấp hành lâm thời An Nam Cộng sản Đảng sang Hương Cảng (Trung Quốc) dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì.
Hội nghị quyết định thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng cộng sản thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
Ngày 20-2-1930, đồng chí về nước tham gia thống nhất 2 tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ. Sau hơn 2 tháng hoàn thành tất cả những công việc, từ việc tổ chức hợp nhất các tổ chức đảng cộng sản đến việc thành lập Xứ ủy Nam Kỳ và cử người đi dự hội nghị Trung ương, đồng chí cùng với đồng chí Châu Văn Liêm phân công nhau đảm trách công việc phát triển cơ sở đảng ở Nam Kỳ, trong đó ông đến Mỹ Tho, phụ trách liên Tỉnh ủy Mỹ Tho - Bến Tre - Cà Mau.
Giữa tháng 4-1930, đồng chí đến Mỹ Tho, liên lạc với cô Ba Viện (Trần Ngọc Viện) ở Chợ Giữa (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành). Ở đây, đồng chí đã cùng với các đồng chí: Trần Văn Vi (Dân Tôn Tử), Nguyễn Văn Tân (Năm Tân), Lê Văn Giác,… thành lập Tỉnh ủy Mỹ Tho lâm thời tại thị xã Mỹ Tho, do đồng chí làm Bí thư.
Tỉnh ủy Mỹ Tho lâm thời vừa mới thành lập đã triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời mở rộng tại xã Thạnh Phú, quận Châu Thành (2 ngày). Sau khi phân tích tình hình ở địa phương, hội nghị chủ trương phát động quần chúng trong tỉnh đấu tranh chống thuế, chống bắt xâu, chống đi canh tuần ban đêm,… nhằm chào mừng Ngày Quốc tế Lao động (1-5) và chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời để biểu dương lực lượng cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lâm thời, các chi bộ đã tích cực chuẩn bị băng, cờ, viết truyền đơn, vẽ áp phích, vận động, kêu gọi nhân dân đoàn kết chống đế quốc, địa chủ, quan làng phản động. Từ đó, cơ sở cách mạng được ông phát triển, mở rộng ra ở nông thôn và thành lập được một số chi bộ như: Chi bộ Chợ Bưng (xã Tam Hiệp, quận Châu Thành); Chi bộ Giồng Dứa (xã Phước Thạnh); Chi bộ Long Hưng; Chi bộ Thạnh Phú và cơ sở quần chúng ở Ba Dừa thuộc quận Cai Lậy,…
Ở quận An Hóa, đồng chí cũng xây dựng, phát triển đảng cho 3 thầy giáo và thành lập được 1 chi bộ. Ở quận Chợ Gạo, đồng chí móc nối được với hương hào Ngươn ở tại chợ Ông Văn (xã Đăng Hưng Phước) và liên lạc với đồng chí Trần Văn Hoài (hương Trưởng Hoài).
Được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí làm Bí thư, phong trào học sinh Collège de Mytho (nay là Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiều) hoạt động mạnh, đồng chí xây dựng được cơ sở đảng đầu tiên của trường gồm có 2 đồng chí. Chi bộ Collège de Mytho được thành lập. 2 đồng chí trong chi bộ giới thiệu và kết nạp thêm 2 đồng chí, trong đó có đồng chí Phạm Hùng.
Đồng thời, Tỉnh ủy lâm thời thành lập tờ báo, lấy tên “Dân Cày”, trụ sở đóng tại chợ Vòng Nhỏ (gần Hãng Xáng), do đồng chí Phạm Hùng phụ trách xin giấy phép và in rô-nê-ô. Đồng chí và đồng chí Mai Văn Ngọc phụ trách biên tập và viết bài.
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, với nhiệm vụ là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí chỉ đạo các chi bộ tổ chức bãi thị đồng loạt ở 7 chợ, thuộc quận Châu Thành: Chợ Giữa (Vĩnh Kim), chợ Thuộc Nhiêu (xã Dưỡng Điềm), Chợ Bưng (xã Tam Hiệp), chợ Nhị Bình (xã Nhị Bình), chợ Rau Răm (xã Kim Sơn), chợ Bình Đức (xã Bình Đức), chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú) chống thuế chợ quá cao. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi.
Tháng 6-1930, đồng chí chủ trì hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho lâm thời để đánh giá việc lãnh đạo về công tác tư tưởng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Hội nghị bầu Tỉnh ủy Mỹ Tho chính thức. Đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Cuối năm 1930, đồng chí chủ trương phát triển phong trào công nhân trong các hãng xưởng, quần chúng vùng nông thôn và chú ý đến phong trào học sinh. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, tổ chức Đảng ngày càng phát triển đều khắp từ thị xã đến nông thôn.
Năm 1932, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Chính phủ cách mạng đón về đất liền, tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được phân công trở về quê hương Quảng Ngãi hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, sau đó được phân công lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Quảng Ngãi, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Liên khu ủy Liên khu V, rồi làm Giám đốc Hoa Kiều vụ Liên khu V cho đến ngày hòa bình lập lại (tháng 7-1954).
Sau khi Hiệp định Genève (20-7-1954), đồng chí tập kết ra Bắc, làm Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa; và sau đó là Viện trưởng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), đồng chí trở về miền Nam và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1989, đồng chí qua đời, thọ 86 tuổi. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.