Đồng chí Lê Văn Trầm, sinh năm 1915 tại làng Tân Lý Đông, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân.
Năm 1945, đồng chí giác ngộ cách mạng và tham gia công tác tại xã nhà. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), đồng chí đã trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu chống bọn giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, đồng chí còn có những đóng góp tích cực trong việc vận động quần chúng xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở cơ sở.
Sau năm 1954, đồng chí được Đảng phân công ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc xâm lược. Năm 1956, đồng chí được điều sang quân đội, phụ trách Phòng Hậu cần Tỉnh đội Kiến Tường (nay là tỉnh Long An).
Ở cương vị mới, đồng chí đã có công lớn trong việc xây dựng Phòng Hậu cần thành một đơn vị vững mạnh toàn diện. Mặc dù tình hình trên chiến trường diễn ra hết sức ác liệt, nhưng đồng chí đã ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc việc tổ chức và chỉ huy công tác vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, vật tư,... phục vụ tốt yêu cầu chiến đấu của các lực lượng võ trang tỉnh Kiến Tường.
Tháng 5-1969, do bị thương trong lúc chiến đấu, đồng chí được chuyển đến Trạm quân y X12 đóng ở Kênh Chuối, xã Tân Ninh, tỉnh Kiến Tường để điều trị. Ngày 11-6-1969, địch bất ngờ dùng máy bay trực thăng đổ quân bao vây trạm quân y. Mặc dù còn đang trong thời kỳ dưỡng thương, sức khỏe chưa bình phục hẳn; nhưng với trách nhiệm là người có chức vụ cao nhất ở đây, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí, trực tiếp chỉ huy 2 chiến sĩ chiến đấu ngăn chặn và thu hút lực lượng địch về phía mình. Sau hàng giờ kềm chân địch, toàn bộ tổ chiến đấu của đồng chí đã anh dũng hy sinh; nhưng tất cả thương binh của trạm quân y đã rút lui an toàn. Trong trận chiến đấu không cân sức này, chỉ riêng đồng chí đã tiêu diệt 12 tên lính địch và bắn bị thương 20 tên khác.
Năm 1994, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí có 07 người con đều tham gia cách mạng, trong đó 05 người là liệt sĩ và 02 người là thương binh. Tên đồng chí được đặt tên đường ở thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.