Một đời theo cách mạng

Chủ nhật - 12/01/2025 22:02
Sớm chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, lại được sự tuyên truyền, giáo dục của các bậc cách mạng tiền bối nên đồng chí Nguyễn Văn Hẹ, người làng Bình Ân, tổng Hòa Lạc Hạ (nay là ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông), sớm giác ngộ và tham gia cách mạng tại quê nhà. Ban đầu, đồng chí là giao liên xã, được các anh, các chú giao nhiệm vụ đi thư, phục vụ công tác lãnh đạo của Chi bộ Bình Ân với các đồng chí đảng viên và cơ sở nòng cốt. Sau hơn một năm công tác, vào khoảng năm 1952-1953, tổ chức phân công đồng chí sang làm Tiểu đội phó du kích xã Bình Ân.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trên chiến trường Gò Công, địch điên cuồng phản kích, những cuộc ruồng bố, càn quét, bắt bớ xảy ra thường xuyên làm cho đời sống nhân dân rơi vào trạng thái ngột ngạt, hoang mang, lo lắng; cán bộ cách mạng không thể hoạt động, phong trào gần như như tạm lắng. Thời gian này, đồng chí Hẹ cùng các đồng chí trong Chi bộ xã Bình Ân cả ngày lẫn đêm phải ở hầm, sống và hoạt động bí mật dựa hoàn toàn vào sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Đồng chí Mai Văn Trăm, Bí thư Chi bộ phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ bí mật để củng cố tư tưởng cho đảng viên và cơ sở nòng cốt của cách mạng.
Tuy nhiên, có một tình huống bất ngờ, mà không ai nghĩ tới, đã xảy ra!

Gần giữa năm 1969, trong một đêm ở hầm bí mật, anh D đã báo cáo đồng chí Hẹ  xin phép được về thăm nhà và sẽ trở lại trước lúc trời sáng. Do đã có quá trình tham gia và trong những lúc khó khăn này, D luôn “nếm mật nằm gai” cùng anh em, tổ chức nên đồng chí Hẹ đồng ý và cũng đã thấm mệt sau nhiều đêm liền công tác nên đã thiếp đi nơi căn hầm quen thuộc. Trong xóm, tiếng gà đã vọng ra báo hiệu cho một ngày mới sắp đến; nhưng anh D đã không trở về như đã hứa. Lúc này, từ tin tưởng, đồng chí Hẹ đã chuyển sang trạng thái bắt đầu “lo lắng”, nhiều câu hỏi dự báo cho một tình huống xấu, bất trắc cũng bắt đầu xuất hiện, như: Anh D đã đi đâu? Có về thăm nhà không? Hay bị “lọt ổ” nên bọn biệt kích bắt êm? Hoặc có tình huống gì đột xuất, anh D không thể về kịp và đã “ém quân” đâu đó chăng?
Đồng chí Hẹ dự định đánh bạo, tự mình vào xóm kiểm tra nhân lúc trời chưa sáng hẳn. Nhưng từ thực tế đêm qua đến giờ vẫn không nghe bất kỳ tiếng súng nào, nên ông đã định thần lại với ít phút suy nghĩ kỹ tình hình của địa bàn và nòng cốt cơ sở cách mạng,…Như vậy là đã rõ, khả năng cao nhất là “người bạn chiến đấu” đã “một đi” nhưng không phải “không bao giờ trở lại”, mà sẽ trở lại cùng với “những người bạn chiến đấu mới” vào sớm nay thôi và cũng tại vị trí này thôi.

Với suy nghĩ như vậy, đồng chí Hẹ nhanh chóng hủy tài liệu, xóa dấu vết, rời khỏi căn hầm và tìm gặp hai đồng chí Tư Lai và Sáu Diệu nói vắn tắt về tình hình của D, trình bày ý định sẽ di chuyển vô rừng đước Tân Điền và sang Cù lao Lợi Quan. Do lúc này trời đã bắt đầu sáng và qua khoảng thời gian mà anh D “về thăm nhà” đã lâu, nên đồng chí Tư Lai nói ta sẽ không thể đi kịp nữa và thống nhất cùng nhau đến một căn hầm mới ở một cơ sở nòng cốt của ta là đồng chí Tư Quợt. Khi vừa yên vị, nơi “căn nhà mới” thì bỗng đâu tiếng chó sủa, tiếng người la, tiếng kim loại va vào lách cách, tạo nên một mớ âm thanh hỗn độn, phá tan buổi bình minh yên ả.

Trong hầm bí mật, lắng tai nghe bọn lính chửi thề, bảo người chủ nhà: “Mày khai mau, để tụi tao khỏi phải mất công, nếu không mày sẽ ăn kẹo đồng”.

Đổi lại sự la hét ồn ào là không có tiếng trả lời. Sự im lặng như trêu ngươi bọn lính và liền sau đó, tiếng đấm đá, chửi thề và lên đạn lại vang lên,… Do đã quá rõ địa bàn và cơ sở nòng cốt, nên không phải chờ lâu, bọn lính đã được “người chỉ điểm” dắt tới ngay cửa hầm, mặc dù người chủ nhà cố gắng chịu đựng để bảo vệ cán bộ cách mạng. Mọi người tôi bị bắt, địch giải đi giữa một trung đội lính. Đồng chí Hẹ cố ngoái lại với ánh mắt thầm cảm ơn đồng chí Tư Quợt đã cố gắng bảo vệ đồng đội và cũng tiễn mọi người bằng một cái gật đầu đầy tin tưởng mặc dù lúc đó anh cũng không đứng vững do bị bọn lính đánh một trận đòn nhừ tử. Sau đó, bọn lính trói thúc ké và giải ngay về Khám đường Gò Công mà không đánh đập, tra khảo ngay tại chỗ vì chúng đã có được bản khai đầy đủ về “lý lịch” của mọi người từ tên đầu hàng, phản bội D.

Ra đến khám đường rồi, vừa xuống xe, chúng chuyển sang trói cả hai tay và hai chân lại rồi dùng cây đòn dài bằng tre xuyên qua khiêng đồng chí Hẹ bỏ vào phòng giam, một ngày bỏ đói thêm một đêm “làm mồi” cho muỗi đốt. Sáng ngày 05/5/1969, chúng khiêng mọi người đến “phòng làm việc”. Căn phòng này được ngăn ra làm hai bởi một cái manh bồ (loại đan bằng tre, người dân thường quây tròn lại để chứa lúa). Chúng bỏ đồng chí Hẹ bên trái, các đồng chí còn lại bên phải. Cuộc tra tấn và hỏi cung bắt đầu khi tên đội trưởng quát: “Ai là Nguyễn Văn Hẹ?”. Ngay lập tức, 02 tên lính to con chạy ngay đến xóc cây đòn tre khiêng đồng chí Hẹ lên. Chúng tra khảo, chủ yếu là về tổ chức chi bộ, trang bị vũ khí và ai là cán bộ nòng cốt, ai chịu trách nhiệm thu kinh phí cho cách mạng tại địa phương. Do có chuẩn bị sẵn tinh thần và kiên quyết phải bảo vệ cách mạng, bảo vệ cơ sở nên đồng chí Hẹ sẵn giọng: “Không biết”!

Sau hơn nửa giờ “đấu lý”, thấy không xong, chúng chuyển “đấu sức”. Trong khi đồng chí Hẹ vẫn bị treo lủng lẳng thì một tên lính dùng dùi cui bằng gỗ đánh mạnh vào hai bên hông, chỗ xương sườn, đau quá và không thở được, trong khi tên đội trưởng vẫn quát: “Mày có khai không?”. Đồng chí Hẹ cố chịu đựng và liếc nhìn sang các đồng chí mình để được tiếp thêm sức mạnh. Chúng hỏi đến lần thứ ba, đồng chí gần như chết ngất và liền nghĩ kế hoãn binh khi trả lời chúng: “Khai, khai,…”. Hai thằng lính mừng rỡ, thả đồng chí Hẹ xuống và ra vẻ dạy đời: “Sao mày ngu vậy, phải khai sớm đâu có bị đánh”. Tên đội trưởng liền sáp ngay lại, tiếp tục quát “khai mau”. Đồng chí Hẹ ra vẻ ậm ờ, hết đăm chiêu rồi suy nghĩ, như cố nhớ lại điều gì... làm cho bọn chúng sốt ruột, hối thúc liên tục. Khoảng hơn 15 phút, sau khi thấy đã đỡ đau, thở được, đồng chí nói: “Biết gì đâu mà khai”. Thế là, chúng nhảy vào đánh túi bụi, trói lại, treo lên, dùng dùi cui đánh mạnh vào bẹ sườn làm đồng chí đau quá, bất tỉnh, không biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy, thấy mình ở trong buồng giam, tay chân không bị trói nữa nhưng mình đau ê ẩm, không cựa quậy gì được và hỏi ra mới biết các đồng chí kia cũng chịu cảnh tra tấn như mình, nhưng không khai báo gì cho địch. Những ngày tiếp theo, vẫn y như bài bản cũ, bọn lính đưa mọi người lên phòng hỏi cung, hết hăm dọa, mua chuộc, dụ dỗ đến đánh đập; nhưng có điều là mức độ mạnh hơn khi chúng cho đi “tàu bay”, trói lại bỏ vào thùng phuy nhận nước và dùng cây đánh vào vách thùng phuy, gây ngạt thở, đầu óc nhức buốt không thể chịu nổi,… Mọi người chỉ còn cách tập trung đấu tranh giữ vững tư tưởng, khí tiết, nhất quyết trung kiên với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân, thà chết chứ không khai báo gì với địch, chứ thực tế thân thể đã tả tơi vì đòn roi, đến nỗi không thể đứng vững, muốn xê dịch nhiều khi phải bò lết.

Không khai thác được gì, địch chuyển qua giam ở Khám lớn Cần Thơ. Ở đây, mọi người đã cùng các tù binh khác tham gia hô khẩu hiệu, đấu tranh đòi được cung cấp đủ cơm ăn, nước uống và thuốc men cho tù chính trị. Cuối năm 1969, địch đày đồng chí Hẹ ra Côn Đảo, giam trong một buồng giam nhỏ nhưng có trên một trăm người tù. Thời gian ở Côn Đảo, do là “người mới” nên chưa quen biết ai và cũng không có ai hay tổ chức nào đến “móc nối” nên tiếp tục “dặn lòng” là phải giữ vững ý chí, niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào cách mạng, không phản bội lại Nhân dân mặc dù phải chịu cực hình, tra tấn,… Cứ thế, tự mình tích cực “chiến đấu” nơi địa ngục trần gian này. Được ít lâu, do chế độ ăn bị thiếu, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh và phần vì bị đói quá mà phải lao động khổ sai nên trong buồng giam nổ ra cuộc đấu tranh do các anh (anh A, quê ở Vĩnh Long; anh Quý, quê ở Sài Gòn và anh Dũng, quê Long Điền, Vũng Tàu) tổ chức. Đồng chí Hẹ tham gia và tự nguyện vào tổ đấu tranh trực diện. Ngay lập tức bọn địch đàn áp, chúng đánh đồng chí Hẹ bầm dập và gãy hết mấy cái răng, đem giam mỗi người vào một cái hầm nhỏ tối tăm. Mấy ngày sau bắt đi lao động khổ sai và đi đánh xe trâu cho chúng, mỗi ngày chỉ cho một người ăn nửa chén cơm, vô cùng tàn ác!

Thấy đồng chí Hẹ hăng hái, tích cực tham gia đấu tranh, các anh đã giới thiệu với tổ chức mà người trực tiếp gặp gỡ là đồng chí Hoàng Ba. Hơn một năm thử thách, đồng chí Hẹ được kết nạp vào Đảng trong buồng giam do đồng chí Hoàng Ba là Bí thư Chi bộ, nhưng chưa được giao nhiệm vụ cụ thể gì, chỉ cùng các tù chính trị khác tham gia đấu tranh khi chi bộ phát động. Các phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo mà đồng chí Hẹ đã trực tiếp tham gia do chi bộ lãnh đạo là: đấu tranh đòi được cung cấp đủ cơm ăn, nước uống, ăn được đủ chất và thuốc men, quần áo cho tù chính trị; đấu tranh không chào cờ ngụy,… Hình thức đấu tranh là hô khẩu hiệu, tuyệt thực, đấu tranh trực diện,… mỗi cuộc đấu tranh như vậy, ít thì vài ngày và có khi kéo dài hơn một tháng.

Những năm tháng ở “địa ngục trần gian” đối với đồng chí Hẹ là khoảng thời gian “đếm ngược” vì đó là nỗi nhớ đồng chí, đồng đội và nhớ quê nhà. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian đấu tranh tư tưởng dài nhất, bền bỉ nhất, kiên trung nhất; nó thể hiện cho ý chí, quyết tâm sắt đá của mình là “một đời theo cách mạng”. Cuối cùng, bằng niềm tin, lập trường của mình đối Đảng và Nhân dân, đồng chí Hẹ và tù nhân đã chiến thắng sự tàn bạo, khắc nghiệt trong chế độ lao tù của kẻ địch khi được trao trả vào khoảng giữa năm 1973 theo nội dung Hiệp định Pa-ri (27/01/1973) tại Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Trở về rồi… nhưng đồng chí Hẹ đã bật khóc vì lúc “ra đi” có một quê hương, có Đảng, có Bác Hồ kính yêu nhưng lúc trở về thì đã có những đồng chí, đồng đội mãi nằm lại nơi Côn Đảo và Bác Hồ thì đã đi xa, đồng chí Hẹ chỉ được “gặp” Bác qua di ảnh của Người. Biến đau thương thành sức mạnh hành động, đồng chí tiếp tục lao vào cuộc chiến với quyết tâm cao nhất, cho đến ngày giải phóng hoàn toàn quê hương, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập449
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm430
  • Hôm nay90,622
  • Tháng hiện tại1,177,543
  • Tổng lượt truy cập44,992,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây