Huyện Cái Bè: tăng cường công tác bảo vệ môi trường chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ ba - 05/09/2023 05:33
Nhận thức được những tác động to lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống con người và sự phát triển kinh tế - xã hội (KT -XH), thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH, tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở huyện Cái Bè luôn được chú trọng quan tâm thực hiện, cụ thể:
Đoàn viên thanh niên huyện Cái Bè gom rác thải nhựa, nilon khu vực chợ dân sinh.
Đoàn viên thanh niên huyện Cái Bè gom rác thải nhựa, nilon khu vực chợ dân sinh.
Chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các ban, ngành huyện

Trong thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu như tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức lễ ra quân hưởng ứng các chiến dịch, các cuộc thi về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường... Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền được triển khai thường xuyên trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện; phát trên 20.000 tờ bướm đến các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong huyện tuyên truyền về nội dung: Luật Bảo vệ môi trường, về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường

Việc chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã thu được những kết quả nhất định. Nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể được nâng lên một cách rõ rệt. Công tác chỉ đạo, tổ chức và hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng hơn; phong trào bảo vệ tài nguyên - môi trường, biến đổi khí hậu trong nhân dân cũng đã phát triển tích cực. Nhận thức của nhân dân về bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được nâng lên. Đặc biệt, người dân ở những vùng sâu, vùng xa cũng đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Huyện đã triển khai các dự án xây dựng và củng cố hệ thống đê ven sông, kinh rạch, cống, đập đảm bảo ứng phó với bão, lũ lụt và phục vụ tưới tiêu, hạn mặn… Từ 2013 - 2023, huyện Cái Bè đã củng cố hệ thống ô đê bao ven sông và xử lý sạt lở bằng phương pháp dời đê và không dời đê nhằm thích ứng và ứng phó hiệu quả với thiên tai với chiều dài trên 120.000 m; nâng cấp trên 30 điểm trường chống ngập, xây dựng hơn 830 cống ngăn mặn, triều cường… với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng.

Tổ chức hơn 20 cuộc hội thảo hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; điều chỉnh mùa vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh, đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên như: sử dụng phân hữu cơ, tái sử dụng rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi để tận thu khí CH4 phục vụ cho đun nấu, sử dụng bếp đun cải tiến, đèn tiết kiệm điện, các phương tiện giao thông ít phát khí thải hiệu ứng nhà kính,… thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hằng năm, huyện đều thực hiện các dự án, đề tài khoa học về hoàn thiện mô hình nuôi con giống, cua Đinh, cá Chình và khảo nghiệm các giống lúa phù hợp cho địa phương, mô hình trồng cây Ca Cao…

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, các cấp, các ngành liên quan triển khai nhiều chương trình dự án, đề án về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các nhiệm vụ, dự án đã đề ra như: hỗ trợ hơn 7.000 nhà vệ sinh tự hoại; nhà vệ sinh công cộng Mỹ Đức Tây, Đông Hòa Hiệp,… trên địa bàn huyện, lập đề án bảo vệ môi trường cho các chợ thị trấn Cái Bè, Hòa Khánh, Cổ Cò, An Hữu, Thiên Hộ, Tân Thanh… Khuyến khích một số tổ chức, cá nhân mạnh thường quân trong và ngoài  huyện bỏ vốn để xây dựng nhà máy xử lý rác; nhà vệ sinh cho trường học; chợ có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Phát động thực hiện tốt Phong trào toàn dân bảo vệ môi trường. Hằng năm, cơ quan chuyên môn quản lý môi trường huyện đã ký kết với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường. Việc ký kết các chương trình phối hợp hành động đã tạo điều kiện cho công tác xã hội hoá về bảo vệ môi trường của huyện đạt kết quả, huy động được các thành phần, đối tượng và người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

Đa dạng hóa các loại hình bảo vệ môi trường; tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường; thực hiện các chương trình truyền thông, xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường... Đưa các tiêu chí về bảo vệ môi trường vào các tiêu chí để đánh giá, bình bầu gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã văn hóa.

Về công tác quản lý rác thải: Tổ chức thu gom và xử lý rác 25/25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời chỉ đạo tổ chức thẩm định và cấp giấy phép môi trường cho các dự án, cơ sở theo quy định, tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo thẩm quyền. Cấp trên 850 thùng rác các loại cho các cơ quan, xã và thị trấn Cái Bè. Từ năm 2018 đến nay, định kỳ hằng quý đều tổ chức thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định với số lượng thu gom đến nay là 22.259kg.

Việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường được gắn với thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng Nông thôn mới của huyện. Người dân đã hình thành được ý thức giữ gìn vệ sinh chung, xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống kém văn minh, không hợp vệ sinh. Chất lượng môi trường sống được cải thiện đáng kể, đến nay hộ sử dụng nước tầng sâu đạt tỉ lệ khá cao, các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện ngày càng nhiều đã đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc lạm dụng hoá chất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng,...) trong canh tác còn diễn ra, làm suy thoái chất lượng môi trường đất, nước, không khí; chất thải ở làng nghề, đặc biệt là làng nghề tiểu thủ công nghiệp chưa được thu gom, xử lý tốt.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời giải quyết những hạn chế còn tồn tại trong thời gian tới, đề ra các giải pháp cụ thể như:

Một là, thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và bảo vệ môi trường trong các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở nâng cao nhận thức chuyển hóa thành hành động thiết thực hướng tới xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường; đổi mới tư duy, có cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân.

Hai là, chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu. Thực hiện chương trình nâng cấp các đoạn ô đê bao xung yếu. Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, kênh thoát lũ. Tăng cường cơ sở vật chất và mạng lưới cứu hộ thiên tai bão, lũ. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ, bão và có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình, gương điển hình sử dụng tiết kiệm: điện; nước; sử dụng nguồn năng lượng sạch và ít gây hại; mô hình tận dụng các loại vật chất phế thải góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu; các mô hình về sản xuất sản phẩm sạch.
Tổ chức tốt công tác thu gom rác thải nhựa, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong lĩnh vực nông nghiệp, rác thải tại các làng nghề truyền thống…

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường tạo tính răn đe trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Yến Diệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập655
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm621
  • Hôm nay65,035
  • Tháng hiện tại1,197,682
  • Tổng lượt truy cập34,783,327
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây