Gia đình họ Nguyễn hiếu học ở Tiền Giang: Chăm lo cho việc học của bản thân và con cháu theo mục tiêu “học để làm người”

Thứ năm - 17/08/2023 21:30
Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta được khắc họa đậm nét trong Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Như các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, Nhân dân tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mỗi gia đình, địa phương, ấp thành xã hội học tập với đặc điểm: Mọi người đều được học, tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.
Cùng với nhiều gia đình cư ngụ ở địa phương, gia đình họ Nguyễn, điển hình là hộ bà Nguyễn Thị Thân, số 156, Tổ 4, ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh trao “Bằng công nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh” đã và đang tích cực tham gia thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, chăm lo cho việc học của bản thân và con cháu, thực hiện mục tiêu “Học để làm người” từ truyền thống của gia đình, dòng họ.

Là gia đình thuần nông gắn bó với kinh tế nông nghiệp tại địa phương, 11 thành viên trong đại gia đình bà Thân (9 người con) sinh sống nhờ vào 9.000 m2 đất phèn được ngọt hóa để trồng lúa, hoa màu. Chồng mất sớm, bà Nguyễn Thị Thân (sinh năm 1940) một đời tảo tần với ruộng vườn để nuôi các con khôn lớn, học hành thành đạt gồm 01 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 04 thạc sĩ và 03 cử nhân đại học. Anh, em trong gia đình được nhà nước trao những trọng trách trong xã hội gồm: 02 Phó Giám đốc Sở, 01 Hiệu trưởng trường Cao đẳng công lập, 03 Trưởng, phó phòng, khoa trong trường đại học, 01 Trưởng phòng kinh doanh thuộc Công ty có vốn đầu tư nước ngoài và 02 giáo viên bậc trung học. Đại gia đình có 15 thành viên là cháu gồm 08 cháu nội và 07 cháu ngoại. Các cháu đều chăm ngoan, tự nguyện tự giác học hành tiến bộ. Hiện tại, 03 cháu đã hoàn thành chương trình đại học có việc làm ổn định, 05 cháu đang học đại học và 07 cháu đang học phổ thông.

Do xuất phát điểm là những nông dân trải qua hai thời kỳ chiến tranh, không có điều kiện học hành đỗ đạt nên gia đình đã nuôi khát vọng con cháu mình phải được học hành tiến bộ. Truyền dạy của ông bà, cha mẹ với con cháu của Nguyễn tộc là phải bằng kiến thức, kỹ năng và nền tảng đạo đức thật thà, khiêm tốn học hỏi để phát triển bản thân, khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội. Tấm gương đạo đức thật thà, khiêm tốn, chịu khó học hỏi của ông cha qua nhiều thế hệ, cùng với truyền thống hiếu học, coi trọng việc học của Nguyễn tộc là nền tảng vững chắc để anh em chúng tôi giáo dục con cháu của mình luôn biết chăm lo cho việc học “học để làm người”, học để phát triển bản thân, học để làm giàu cho gia đình, dòng họ và học để phụng sự quê hương, đất nước.

Trong hoàn cảnh nghèo khó, không giúp được nhiều về tiền bạc, vật chất, những người thân trong họ tộc luôn dành sự quan tâm, động viên, khích lệ, nhắc nhở con cháu phải chăm học, chăm làm và sống tử tế với những người xung quanh với phương châm đơn giản là: đứa lớn hơn phải làm gương và giúp đỡ cho đứa nhỏ tiếp theo trong gia đình. Coi trọng việc học để phát triển bản thân, quan tâm nhắc nhở nhau để sống tốt với cộng đồng trở thành nét đẹp truyền thống của gia đình, dòng họ Nguyễn.

Trở lại gia đình bà Thân, ông sinh ra từ ruộng đồng, học chưa hết lớp 5 của trường làng nhưng biết quan tâm đến thời cuộc, biết tự đọc sách, nghiên cứu tài liệu để tổ chức hoạt động sản xuất, nuôi dạy các con ăn học. Bà Thân học chưa hết lớp 3, đọc và viết chữ chưa thành thạo nhưng sớm hiểu được giá trị của việc học, ông bà luôn coi trọng việc học, luôn nhắc nhở con mình phải học và bày tỏ mong muốn các con lớn lên phải học hành đỗ đạt. Sự truyền dạy của ông, bà về đạo làm người, về giá trị của việc học, về định hướng nghề nghiệp để khẳng định bản thân có từ những bữa cơm hàng ngày trong gia đình đã thấm sâu vào nhận thức của các con ngay từ thuở nhỏ. Nhận thức ấy lớn dần lên theo năm tháng, trở thành ý chí, hành động quyết tâm mãnh liệt của 9 người con của bà khi phải mồ côi cha ở tuổi mười lăm, đôi mươi.

Ông Thân mất sau cơn bệnh hiểm nghèo (năm 1948), gia đình rơi vào cảnh túng thiếu triền miên, vừa lao động sản xuất trên mảnh ruộng, luống rau của mình, vừa phải làm mướn cho bà con làng trên xóm dưới để đủ tiền trang trải cho việc học. Dù là bà mẹ nghèo, học ít nhưng bà Thân biết chỉ huy việc lao động sản xuất và việc học của các con, là hậu phương vững chắc để các con học hành thành đạt. Dù chưa một lần đặt chân đến Huế - Sài Gòn - Hà Nội nhưng bà đã nuôi được các con của mình học tập, trải nghiệm và trưởng thành từ các trường đại học ở Bắc-Trung-Nam. Tấm gương về sự chắt chiu, cần cù, nhẫn nại, vượt khó, quyết đoán và tinh thần yêu lao động với truyền thống coi trọng việc học của gia đình, dòng họ giúp cho các con bà ý thức phải vượt qua cảnh nghèo bằng việc học tập - rèn luyện của chính mình.

Đã 4 năm kể từ ngày được Nhà nước trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi, bà đã dành trọn số tiền 360.000 đồng lĩnh được hàng tháng vào Quỹ khuyến học của gia đình. Các cháu của bà được bà “thưởng nóng” 5.000.000 đồng/mỗi cháu khi báo tin trúng tuyển vào đại học. Số tiền ấy không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm, là sự động viên khích lệ của bà đối với việc học của con cháu.

Phát huy truyền thống cần cù, hiếu học, coi trọng việc học của gia đình và dòng họ, 9 người con và 15 người cháu trong đại gia đình học tập, trưởng thành nhờ vào sự noi gương người đi trước. Tấm gương học tập “văn võ song toàn” của người anh cả trong gia đình 9 anh em làm cho em, cháu nể phục, lấy đó làm gương để phấn đấu. Anh chị hiếu thảo, chăm học - chăm làm trở thành gương tốt để các em phấn đấu làm theo. Anh chị đi trước học - hỏi - hiểu - hành tốt rồi chỉ dạy cho các em, các cháu ở phía sau. Người học trước tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm thì chi tiêu tiết kiệm để giúp gia đình lo cho em cháu mình ăn học thành tài. Cứ thế, cứ thế... mà 9 người con và 15 người cháu của bà tự nguyện, tự giác và tích cực để hoàn thành chương trình học tập ở các nhà trường; luôn tự hào và nhắc nhở nhau phải học tốt và sống tốt theo di nguyện của ông và niềm mong đợi của bà Thân, từ đó các cháu của bà luôn tâm nguyện sẽ phải học tập liên tục, suốt đời để làm gương cho con cháu; phải phụng dưỡng cha mẹ, ông bà và phải là công dân tích cực trong việc xây dựng xóm ấp của mình trở thành xã hội học tập.

Hơn 50 năm qua, gia đình và dòng họ Nguyễn tại ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang luôn giữ gìn, kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống của họ tộc để giáo dục, chăm lo cho việc học tập - rèn luyện của bản thân và con cháu. Và sẽ tiếp tục giữ gìn, kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống của họ tộc còn để sống vui, sống tốt và làm những việc có ích cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Đảng.

Thanh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập364
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm327
  • Hôm nay77,321
  • Tháng hiện tại1,717,070
  • Tổng lượt truy cập40,086,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây