Người chiến sĩ Nguyễn Văn Tươi với phong trào cách mạng

Thứ năm - 08/08/2024 04:35
Ông Nguyễn Văn Tươi, sinh năm 1943 tại xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy; hiện ngụ tại ấp Mỹ Phú, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Do ảnh hưởng hậu quả thương tích trong chiến tranh nên sức khỏe của ông đã giảm. Tuy nhiên, ông vẫn còn minh mẫn khi nhắc về những năm tháng nơi chốn lao tù của địch.

Năm 1968, hưởng ứng phong trào thanh niên yêu nước tại địa phương và ý thức được nhiệm vụ của người thanh niên trong hoàn cảnh nước nhà bị xâm lược, ông thoát ly gia đình, tự nguyện tham gia nhập ngũ đơn vị công binh, đặc công Đại đội 336, Tiểu đoàn 341 - Quân khu 2. Đến năm 1970, lúc tham gia chiến đấu ông bị bắn và bị thương ở mắt. Khi đang chữa trị tại quân y, có tên Năm Chỉa (ở xã Tân Phú, là biệt kích theo lính ngụy) chỉ điểm nên lính ngụy thả dù, lập trận càn, phát hiện hầm trú ẩn nên ông bị bắt. Chúng nhốt ông 2 ngày 2 đêm để lấy lời khai nhưng ông nhất quyết không khai.

Địch hỏi ông: Quân y ở đâu? Ông khai ông bị thương, bị bịt mắt nên không biết quân y ở đâu. Sau đó, chúng giải ông đến khám đường nhốt hơn một tháng. Tại khám đường, hàng ngày chúng cho ăn cơm gạo lứt, phòng ngủ ẩm thấp, hôi thối, tối mở đèn lên là thấy rệp bò khắp nơi. Từ khám đường, bọn chúng giải ông đến Cây Khế để giam giữ, hàng ngày đưa ông đến trung tâm chiêu hồi để lấy lời khai. Địch đưa ông đi 7 ngày nhưng không khai thác được gì. Tiếp theo đó, tên đại úy dẫn ông đến phòng mật, mời ông ngồi xuống và hút thuốc, sau đó tên đại úy lấy cây gậy vén màn đỏ lên và hỏi ông:

Ông biết cái đó là cái gì không?
Ông trả lời: Biết chứ (hình Bác và cờ đỏ búa liềm).

Lúc đó ông không nghĩ nhiều, tuổi còn nhỏ, chưa lập gia đình, có bị nhốt thì ở chừng nào về thì về. Do không lấy được lời khai nên bọn chúng trả ông về Khám đường Mỹ Tho, sau đó chuyển sang trại tạm giam ở Cần Thơ.

Giữa năm 1970, sau khi chuyển sang trại tạm giam khu B ở Cần Thơ, bọn địch gọi ông và một số tù binh tạm giam ra điểm danh, chào cờ “3 sọc”. Do ông và một số người ở trại tạm giam không chịu đứng lên chào cờ nên chúng tra tấn, hành hạ, đày ông cùng nhiều người không chào cờ sang khu A2. Cuối năm 1971, ông và khoảng 20 người bị đưa ra sân bay, đi đến Phú Quốc.

Ở nhà tù Phú Quốc, ông và các chiến sĩ khác được chia ra từng khu khác nhau, thường xuyên chuyển nơi giam giữ nhằm ngăn chặn sự liên kết, móc nối với nhau. Ở đây, tù nhân bị nhốt vào “chuồng cọp”, nếm trải các hình thức tra tấn, hành hạ dã man. Nửa đêm, chúng dùng cây gõ vào chân để đánh thức tù binh. Tuy vậy, chúng vẫn không thắng nổi tinh thần yêu nước của người cộng sản luôn giữ vững ý chí đánh thắng bọn xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Khi nhắc đến các hình thức tra tấn, hành hạ ở Phú Quốc, ông nói: “Làm sao kể hết được những khó khăn, gian khổ mà tôi và đồng đội đã nếm trải”.

Hoàn cảnh ở Phú Quốc vô cùng khắc nghiệt, ông và đồng đội bị đánh, bị nhốt, phơi nắng, phơi sương ở chuồng cọp 5 đến 10 ngày, phải đấu tranh, đòi hỏi bọn chúng mới cho vô. Một ngày tù nhân được ăn hai bữa cơm, thức ăn chủ yếu là cá biển, củ cải và bắp cải, có khi ông và đồng đội đấu tranh, tuyệt thực đến 7 ngày để đòi hỏi quyền lợi. Khi tuyệt thực, ông và đồng đội có chuẩn bị nước uống, phơi khô cơm cháy dự trữ để ăn nhằm chống lại cơn đói. Từ đó, ông và đồng đội đứng lên đấu tranh, có tháng đấu tranh 2, 3 lần. Ông và đồng đội đưa ra yêu sách đối với bọn chúng như: không đi tạp dịch (rào kẽm gai, đào hố công sự,...); không bắt người và đánh đập vô cớ; phải được ăn uống đầy đủ.

Mặc dù ở chốn “địa ngục trần gian”, nhưng tổ chức Đảng vẫn bí mật hoạt động. Khi đến Phú Quốc, ông gặp và quen biết đồng chí Nguyễn Văn Thiệt (Ba Thiệt). Khi đó, đồng chí Ba Thiệt cùng một số đồng đội đã thành lập chi bộ Đảng, chia thành nhiều tổ Đảng sinh hoạt định kỳ ba ngày một lần. Tuy ông chưa là đảng viên nhưng được đồng chí Ba Thiệt cho tham gia sinh hoạt, lúc này ông là đoàn viên và thường xuyên trao đổi thông tin với nhau bằng phương thức truyền thơ.

Năm 1973, trên chuyến bay có 25 người, ông và đồng đội được đưa đến Thị trấn Lộc Ninh để trao trả binh. Tại sân bay, ông đồng đội không nhận bất kỳ đồ dùng gì, chỉ mặc đồ của tù binh Phú Quốc. Sau khi được trao trả, ông tiếp tục tham gia bộ đội ở Thị trấn Lộc Ninh. Đến giữa năm 1974, ông tham gia đoàn tải R, giữ kho đạn và kho súng ở Campuchia, về làm hậu cần ở Lộc Ninh. Giữa năm 1975, ông về chiến trường đồng bằng. Do sáp nhập đơn vị, sau khi trở về, ông tiếp tục tham gia ở đơn vị đoàn tải quân giới T22 đóng quân ở khu vực Nguyễn Văn Tiếp. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông giải ngũ, trở về địa phương lập gia đình.

Trải qua 3 nhà lao, trong đó hơn 3 năm bị đày ra Phú Quốc, ông Tươi không nhớ hết được bản thân đã hứng chịu bao nhiêu lần tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù, đã để lại nhiều thương tích về thể xác và tinh thần đối với ông mãi không bao giờ lành.

Khi nhìn lại Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày và Huy chương kháng chiến hạng Nhất, người thương binh 71% luôn nhớ về những năm tháng sống, chiến đấu cùng đồng đội. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời ông, là món quà vô giá mà ông và đồng đội đã đổi bằng máu, mồ hôi và cả nước mắt của mình để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh hào hùng của ông cha ta, noi gương các thế hệ đi trước và trách nhiệm của bản thân để ra sức học tập, rèn đức, luyện tài, phấn đấu hết mình, góp sức  xây dựng và bảo vệ cho quê hương, đất nước .

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập365
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm338
  • Hôm nay75,847
  • Tháng hiện tại1,613,701
  • Tổng lượt truy cập42,409,680
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây