Kiên trung trong nhà tù Côn Đảo

Thứ hai - 29/07/2024 05:15
Đồng chí Võ Văn Hai, tên thường gọi Hai Tài, sinh ngày 05/12/1940, quê quán ấp Long Thạnh, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. Cha là ông Võ Văn Mẹo, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 ở xã Bàn Long. Bác ruột là ông Võ Văn Dần, Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Bàn Long. Trong quá trình hoạt động cách mạng, quận trưởng Cai Lậy Nguyễn Văn Tâm (quận Tâm) đem lính xuống lùng bắt, ông Dần, ông Mẹo và nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị bắt đày ra Côn Đảo.
Đồng chí Võ Văn Hai tham gia cách mạng năm 1961, là Trung đội phó, làm nhiệm vụ bảo vệ Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay tỉnh Tiền Giang). Ngày 08/9/1970, khi đi công tác qua xã Bàn Long, đồng chí bị địch bắt. Sau khi trải qua các nhà tù, như khám đường Mỹ Tho, trại giam Cần Thơ, trại giam Chí Hòa. Đến năm 1971, đồng chí bị địch đày ra Côn Đảo.

Khi mới ra Côn Đảo, chúng đưa đồng chí đến Trại 2, ở đây, chúng hỏi cung, lập hồ sơ và số tù,… Sau đó, chúng đưa đồng chí đến Trại 7, nơi đây đồng chí làm quen một số đồng chí của ta như đồng chí Phạm Văn Năm, đồng chí Trần Bửu. Qua một thời gian ở Trại 7, chúng đưa đồng chí Võ Văn Hai và nhiều đồng chí khác qua Trại 5 trong đó có đồng chí Phạm Văn Năm và đồng chí Trần Bửu. Gần gũi với hai đồng chí này, đồng chí Hai biết được đây là hai đảng viên của ta bị địch bắt, từ đó, đồng chí tham gia sinh hoạt Tổ đảng này.

Đồng chí được chi bộ phân công nắm tin tức địch. Chi bộ cài cắm được người của ta vào làm ở bộ phận nấu ăn. Khi nhận cơm, đồng chí Hai nắm tin tức, về báo với chi bộ. Đồng thời, chi bộ chọn người trong Trại 5 thay phiên nhau giả bệnh xuống trạm y tế của trại giam để điều trị, làm quen với bác sĩ và điều dưỡng. Thông qua những tù nhân giả bệnh, đồng chí có thêm thông tin để báo cáo chi bộ. Từ hai nguồn tin này, chi bộ có kế hoạch đấu tranh với địch. Lúc này, trong đất liền bộ đội giải phóng đánh mạnh, ở trại giam nổi lên la hét, đòi cải thiện bữa ăn, không hành hạ tù nhân, được chăm sóc y tế. Nếu các trại bạn bị đàn áp, số trại còn lại nổi lên phản ứng hỗ trợ bạn tù.

Qua nhiều lần đi thu thập tin tức, mật vụ của địch để ý theo dõi. Một hôm, tại bếp ăn, đồng chí Hai bị chúng phát hiện, đưa qua phòng điều tra. Tại đây, chúng tiến hành hỏi cung, nhưng đồng chí kiên quyết không khai báo. Chúng liền cho một số tù thường phạm xông vào, bắt trói và đánh đập đồng chí hết sức tàn bạo. Tên cảnh sát quát hỏi “Ai tổ chức mày đi lấy tin?” Đồng chí đanh thép trả lời “Không ai”. Thế là bọn chúng tiếp tục tra tấn đồng chí đến khi ngất xỉu.

Khi tỉnh lại, chúng lôi đồng chí qua nhà “tắm nắng”. Chúng lột hết quần áo ra, một thân hình gầy nhom! Bắt đồng chí nằm giữa phòng, trên không có mái lợp. Sức nóng buổi trưa giữa bốn bức tường, ánh nắng gay gắt chiếu thẳng vàothân thể gầy gò của đồng chí. Vừa bị đau đớn đến tận xương tủy do đòn roi tra tấn, vừa bị đói, khát,… chịu đựng được một lúc, đồng chí bị kiệt sức, giãy giụa rồi ngất lịm. Đến khi tỉnh lại, đồng chí thấy mình nằm trong phòng số 5, các đồng chí trong phòng đang chăm sóc. Đến đây, chúng ta nhớ lại lời nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Sống trong tù trung kiên, bất khuất; sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”. Tình nghĩa đồng chí, đồng đội thương yêu, chăm sóc lẫn nhau trong những năm tháng ở chốn “địa ngục trần gian” này thật cao quý biết dường nào! Việc đồng chí chịu đựng, dũng cảm đấu tranh với địch ở Côn Đảo chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đấu tranh kiên cường của những người cộng sản trong nhà tù, trại giam của địch. Còn có nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm khác nữa.

Ngày 30/4/1975, Côn Đảo được giải phóng. Đồng chí cùng với hàng ngàn người tù - chiến sĩ cộng sản được tự do, phấn khởi, tự hào vì đất nước được hòa bình, thống nhất. Đến ngày 17/5/1975, đồng chí được Đảng, Nhà nước rước về Mỹ Tho trong niềm vui chiến thắng.

Vừa về tới quê nhà, đồng chí nhận ngay nhiệm vụ Trung đội trưởng Công an vũ trang tỉnh Mỹ Tho (nay tỉnh Tiền Giang) với quân hàm thượng sĩ. Sau đó, đồng chí chuyển công tác về Trại giam Công an tỉnh đóng ở huyện Tân Phước, lúc này đồng chí mang quân hàm Chuẩn úy. Đồng chí làm việc đến năm 1990 được nghỉ hưu, mang quân hàm Thượng úy. Sau khi được hưởng chính sách hưu, đồng chí sinh hoạt tại chi bộ ấp Long Thạnh, xã Bàn Long, huyện Châu Thành. Từ năm 1992 - 1995, làm Trưởng Công an ấp Long Thạnh, xã Bàn Long. Ngày 01/10/2008, đồng chí tham gia Ban vận động Ban Liên lạc cựu tù kháng chiến xã Bàn Long, huyện Châu Thành.

Từ năm 2009-2018, đồng chí là Phó Ban Liên lạc cựu tù kháng chiến xã Bàn Long nhiệm kỳ I (2009 - 2013) và nhiệm kỳ II (2013 - 2018). Trong công tác, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến năm 2018, đồng chí nghỉ vì sức khỏe ngày càng kém do hậu quả của những đòn tra tấn dã man trong nhà tù của địch. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã cấp. Ngày 03/02/2019 đồng chí được Tỉnh ủy Tiền Giang trao tặng huy hiệu 55 tuổi Đảng.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập286
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm257
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,665,943
  • Tổng lượt truy cập40,035,319
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây