Chuyện kể về một cựu tù Côn Đảo

Thứ sáu - 19/07/2024 23:45
Ông Trần Văn Hoanh (tên gọi khác là Năm Hoanh), sinh năm 1940, ấp Tân Bình, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã từng tham gia kháng chiến đầy gian khổ, một thời đấu tranh oanh liệt trong nhà tù, trại giam của địch ở Côn Đảo.
Ông bị địch bắt giam (từ tháng 1/1962 đến tháng 2/1974) và bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Trải qua biết bao đòn roi, tra tấn, hành hạ bạo tàn của quân địch nhưng ông vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng.

Sau năm 1954, nơi ông sinh sống thường xuyên bị ảnh hưởng chiến tranh bởi những cuộc ruồng bố của địch, ông sớm theo cách mạng và được Chi bộ xã Tân Thới phân công tham gia hoạt động du kích mật, 17 tuổi ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Ngày 11/1/1962, trong một lần cùng lực lượng cách mạng phục kích đánh địch, ông bị địch bắt, giam giữ tại nhà tù Mỹ Tho còn gọi là Ty Công an của ngụy, năm 1963 ông bị địch chuyển đi biệt giam tại nhàtù Chí Hòa; đến năm 1964, ông bị địch đày đi khổ sai tại nhà tù Côn Đảo. Ông Năm Hoanh nói: “Nhà tù Côn Đảo giống như là địa ngục trần gian”.

Ông Năm Hoanh chậm rãi kể: “Khi tù chính trị bị đày từ đất liền ra nhà tù Côn Đảo, giám thị, cai ngục, lính bảo an và  trật tự của địch miệng thì chửi, tay thì cầm gậy tre đánh phủ đầu những người tù chính trị, chúng nói: Đây là nhà tù Côn Đảo, không phải đất liền, tụi bây nghe lời thì yên thân, cứng đầuthì chết”. Từ đó, ông và đồng đội bắt đầu những ngày tháng lao động khổ sai quá sức. Tù chính trị bị địch cùm chân, nằm dưới nền xi măng ẩm ướt, bị tratấn, ăn cơm với khô mụchoặc mắm đắng, có người không còn sức, chỉ còn da bọc xương, răng, tóc rụng, ghẻ lở cùng mình. Hơn 12 năm bị đày khổ sai trong xiềng xích, ông Năm Hoanh chứng kiến không ít đồng đội của mình bị vùi thân xác ở Hàng Dương, đây là nơi mà địch chôn xác hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày.

Trước sự cai quản rất nghiêm ngặt của địch, tổ chức Đảng trong các trại giam vẫn được thành lập và lãnh đạo hoạt động chặt chẽ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, được chi bộ sinh hoạt tư tưởng nên ông và các đồng đội của mình thề quyết tử, đấu tranh giữ vững khí tiết của người cách mạng, mặc dù bị địch đánh đập, tra tấn hết sức đau đớn nhưng ông nhất quyết không khai báo điều gì ảnh hưởng đến cách mạng, ông nói: “Nếu mình khai báo lộ bí mật, nơi bám trụ của lực lượng cách mạng là rất nguy hiểm, nhất là những đồng chí lãnh đạo”.

Ông cùng đồng đội đưa ra yêu sách đấu tranh với địch đòi đảm bảo quyền dân sinh, dân chủ, chống khổ sai, yêu cầu cho tù nhân được ăn cá tươi, đòi được tắm nắng,… Hình thức đấu tranh của ông cùng các đồng chí trong tù lúc bấy giờ là tuyệt thực, có đợt 9 đến 10 phòng giam tham gia, số lượng tù chính trị tham gia tuyệt thực lên đến hơn 200 người. Mặc dù mỗi đợt đấu tranh của ông và đồng đội bị địch đàn áp, đánh đập hết sức dã man, có người bị địch biệt giam, có người bị đày đi khổ sai, có người hy sinh, nhưng ông cùng các đồng đội vẫn tiếp tục đấu tranh đòi yêu sách chống lại những nội quy, quy định của Ban Quản đốc nhà tù Côn Đảo. Với tinh thần đấu tranh kiên trì, anh dũng của ông và các đồng đội, cuối cùng buộc Ban Quản đốc của nhà tù Côn Đảo phải nhượng bộ, chấp nhận đáp ứng những yêu sách của tù nhân như: giải tỏa phần nào tình trạng biệt giam, hạn chế cho ăn khô mục và mắm đắng, thay vào đó mỗi tuần được ăn cá và rau tươi, cấp thêm mùng mền,...

Đến tháng 2/1974, ông được địch trao trả tại Lộc Ninh, ra tù ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn thể hiện sự kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Những ký ức về những ngày tháng gian khổ trong nhà tù, trai giam của địch ở Côn Đảo và những tình cảm dành cho đồng đội vào sinh ra tử thì ông nhớ rất rõ không thể nào quên. Ông nói: “Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội của tôi, sau chiến tranh tôi vẫn còn sống và được trở về đoàn tụ với gia đình. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, có người chưa tìm được xác,…”.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông tỏ rõ phẩm chất cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng tỏ rõ khí tiết, quyết tâm một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập538
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm519
  • Hôm nay92,141
  • Tháng hiện tại624,319
  • Tổng lượt truy cập34,209,964
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây