Ông Trần Văn Trận, sinh năm 1950, hiện cư ngụ tại ấp Kinh 2A, xã Phước Lập, huyện Tân Phước. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông nhớ rất rõ khoảng thời gian ông cùng đồng đội lập được nhiều chiến công và bị bắt, bị tra tấn dã man trong nhà tù của địch.
Năm 17 tuổi, ý thức việc bảo vệ quê nhà trước bọn đế quốc, ông nhập ngũ đơn vị công binh thủy thuộc C332, Quân khu 8 đóng quân, hoạt động tại huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy. Hai năm hoạt động, ông chủ yếu tham gia đánh tàu, xe tăng,… lập được nhiều chiến công, trong đó có những trận đánh như:
Cuối năm 1968, ông tham gia đánh tàu quân sự trên rạch Ba Rài, làm chìm một tàu chiến của Mỹ. Đầu năm 1969, ông tham gia cùng đơn vị do ông Sáu Tỏ chỉ huy, đánh sập cầu Long Định với hai trái mìn, mỗi trái 200 kg thuốc nổ.
Ngày 02/8/1969, địch dùng 6 trực thăng đổ quân tại Kinh Một, xã Long Định, gần 20 người và du kích xã Long Định tổ chức đánh đuổi, nhưng do lực lượng của ta yếu, bị địch bao vây nên ông và ông Nguyễn Văn Rồng (cùng đơn vị) bị địch bắt. Khi bị bắt, chúng đưa 2 ông về Đồng Tâm giam giữ 7 ngày, dùng điện chích vào người, chày vồ,… đánh đập, tra tấn rất dã man nhưng ông một mực không khai. Môi trường chiến đấu với kẻ thù trong nhà lao là một mặt trận vô cùng gian khổ, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi ý chí kiên cường, kiên định rất cao. Tinh thần, ý chí, sự tự tin mà ông cùng đồng đội đã lan tỏa và để lại cho các thế hệ nối tiếp tấm gương sáng về lòng dũng cảm, gan dạ, khí phách kiên định. Sau 7 ngày không điều tra được gì, chúng chuyển ông đến Cần Thơ.
Đầu năm 1970, trong lúc bị giam ở Cần Thơ, ông đã móc nối liên lạc với Chi bộ Đảng trong tù và được phân công làm Bí thư Chi đoàn. Nhưng không may, bọn chiêu hồi phát hiện, chúng đưa ông vào khu biệt giam 5 ngày, sau đó đưa ông ra Tòa án Quân sự ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Do không điều tra được gì, chúng trả ông về Cần Thơ. Sáng ngày 17/3/1970, chúng đưa ông đi nhà tù Phú Quốc bằng máy bay.
Khi đến Phú Quốc, ông và các đồng đội khác tham gia đấu tranh cùng tổ chức và chịu đầy đủ các hình thức cực hình, tra tấn của nhà tù. Lúc mới đến, chúng giam ông ở khu B8. Đến năm 1971, chúng chuyển ông sang khu C10. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, ngày 17/3/1973, ông được trao trả tù binh bằng đường bộ tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Ông được đưa đến tỉnh Thái Bình an dưỡng và học lớp Đặc công sư 305 tại tỉnh Hà Tây. Tháng 8/1974, ông trở về miền Nam tham gia vào lực lượng Đặc công sư 8, D.678, Quân khu 9 và tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 15/3/1976, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tại Chi bộ C4, D678 và được chuyển Đảng chính thức vào ngày 15/12/1976.
Trở về với cuộc sống đời thường, ông Trận tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Trong 8 năm (từ tháng 9/1976 đến năm 1984), ông trải qua nhiều chức vụ như: Công an ấp Kinh 2A, xã Long Định; Trưởng Công an xã Long Định; Xã đội Trưởng xã Long Định; Bí thư chi bộ ấp Kinh 2A, xã Long Định. Dù ở vai trò nào ông cũng đều phát huy tinh thần, bản lĩnh của người cán bộ dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì đồng đội, vì Nhân dân.
Giờ đây khi sum vầy bên gia đình, nhìn lại Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Kỷ niệm chương cựu tù kháng chiến, ông luôn ghi nhớ những kỷ niệm cùng đồng đội, những lần tra tấn của địch, những ký ức của những ngày kháng chiến và tù đày thường được ông kể nhằm ôn lại truyền thống của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày; đồng thời giáo dục cho con cháu về truyền thống yêu nước, hãy luôn khắc ghi công lao, xương máu của các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Mặc dù bị địch bắt tù đày, tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông vẫn mong muốn tiếp tục đóng góp cho Đảng, Nhà nước, nhất là trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng Việt Nam cho các thế hệ sau.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).