Tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch - Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo. Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25/12/1944 (ngay sau ngày thành lập), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập và đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập vào đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết hết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...) thành Việt Nam Giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thương, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Ngày 22/12/1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW, quyết định lấy ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22/12 thực sự trở thành ngày hội truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộcViệt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhân tố cốt lõi, nền tảng để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện quân với dân một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những thành tựu, kết quả đạt được trong công tác quốc phòng toàn dân 35 năm qua, khẳng định vai trò nòng cốt của quân đội trong tham mưu, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là ở những địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam 80 năm qua gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; khẳng định bản lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam - Một đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, một lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Khẳng định nghệ thuật quân sự Việt Nam kế thừa tinh hoa, truyền thống đánh giặc của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nghệ thuật quân sự Việt Nam không chỉ có sự phát triển vượt bậc về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật mà còn chứa đựng nhiều nét độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã cống hiến, hy sinh lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; khẳng định sự nỗ lực cố gắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, chú trọng đến các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, hoạt động về nguồn; biểu dương, khích lệ; các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào ở khu căn cứ cách mạng trong kháng chiến, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân; chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Quân đội nhân dân và các tầng lớp Nhân dân.