Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20/01/1785 - 20/01/2025)

Thứ hai - 16/12/2024 21:18
Tượng đài Rạch Gầm - Xoài Mút
Tượng đài Rạch Gầm - Xoài Mút
1. Quân Tây Sơn đại phá quân Xiêm

Giữa năm 1784, với ý đồ thôn tính nước Đại Việt, vua Xiêm Chakri I, lợi dụng sự cầu viện của Nguyễn Ánh, đã cử hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ  huy 05 vạn quân và 300 thuyền chiến, chia làm hai đạo thủy - bộ cùng tiến sang xâm lược nước ta. Đạo quân thủy gồm 02 vạn và 300 thuyền chiến vượt biển đổ bộ lên Rạch Giá (Kiên Giang); đạo quân bộ gồm 03 vạn tiến qua nước Chân Lạp (Campuchia), vượt biên giới tiến vào nước ta. Cuối năm 1784, cả hai đạo thủy bộ của quân Xiêm tập kết ở Cần Thơ, chuẩn bị tiến đánh Mỹ Tho. Nguyễn Ánh chỉ huy lực lượng  riêng của mình theo gót quân giặc trở về nước. Quân Xiêm đi đến đâu là đốt phá, cướp của, giết người đến đó, gây nên những tội ác tày trời. Trước tình hình đó, tướng Tây Sơn ở Nam bộ là Trương Văn Đa vừa tổ chức chiến đấu nhằm thăm dò và tiêu hao sinh lực của địch; vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng. Nhờ đó, thành Mỹ Tho và thành Gia Định vẫn được giữ vững. Tại Quy Nhơn, bộ chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân Xiêm ở Nam bộ và tích cực chuẩn bị lực lượng để quét sạch bọn xâm lược ra khỏi đất nước. Vị tướng lừng danh Nguyễn Huệ nhận lãnh trách nhiệm tổ chức cuộc phản công chiến lược này.

Khoảng tháng 12/1784, quân Xiêm tiến đến sông Tiền, đóng quân từ rạch Trà Lọt (Cái Bè) đến rạch Trà Tân (Cai Lậy), chuẩn bị tấn công thành Mỹ Tho. Cũng vào thời điểm này, nghĩa quân Tây Sơn, do Nguyễn Huệ chỉ huy, vượt biển tiến vào Mỹ Tho, đóng đại bản doanh tại nơi giao nhau giữa sông Tiền và hữu ngạn kênh Bảo Định (nay thuộc Phường 2, thành phố Mỹ Tho). Sau khi xem xét tình hình quân địch và địa bàn sông nước, Nguyễn Huệ quyết định chọn rạch Rau Răm (nay thuộc xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) làm tuyến tiền tiêu nhằm quan sát, đề phòng quân địch và đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đến rạch Xoài Mút (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) làm trận địa quyết chiến với quân Xiêm. Đoạn sông này dài khoảng 7 km, ở giữa có cù lao Thới Sơn (nay là xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), hai bên bờ sông cây cối um tùm, cách thành Mỹ Tho khoảng 12 km. Nguyễn Huệ đã cho bố trí một trận địa mai phục lớn ở tại đây. Thủy quân được giấu trong các con rạch. Bộ binh và pháo binh được bố trí trên bờ và trên cù lao ở giữa sông.

Đêm 19 rạng sáng ngày 20/01/1785, nhằm lúc nước thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho chiến thuyền tấn công khiêu khích quân địch. Sau một lúc giao chiến, chiến thuyền Tây Sơn giả vờ thua bỏ chạy. Hai tướng giặc huy động toàn bộ lực lượng đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Tây Sơn. Sau đợt công kích phủ đầu bằng pháo binh từ các khẩu thần công đặt trên bờ và trên cù lao Thới Sơn, nghĩa quân Tây Sơn đồng loạt xông ra, chia cắt đội hình của quân địch và tấn công vô cùng dũng mãnh. Nghia quân đã sử dụng các loại hỏa khí như hỏa hổ (ống đồng phun lửa), hỏa cầu lưu hoàng (tương tự như lựu đạn ngày nay) thực hiện lối đánh cận chiến, rồi sau đó dùng bạch khí (gươm, đao, giáo, mác,…) đánh giáp chiến, tiêu diệt quân giặc.

Quân Xiêm hoàn toàn bị rối loạn bởi những cơn bão lửa khủng khiếp, không còn khả năng chống trả, đành phải thua trận. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh đắm. Binh lính Xiêm bị tiêu diệt gần hết; chỉ còn một số ít thoát được theo đường bộ trốn chạy về nước; Nguyễn Ánh cũng theo đám tàn quân chạy sang Xiêm. Sử triều Nguyễn ghi: “Kể từ sau trận Giáp Thìn, người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp.

2. Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ đã đánh bại sự xâm lược quân Xiêm và trừng trị đích đáng hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh; giữ vững nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ, tạo điều kiện để vùng đất này sớm trở thành vựa lúa lớn nhất của đất nước.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm do giai cấp nông dân đảm nhiệm. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh dấu một bước ngoặc cơ bản, một sự chuyển biến về chất của phong trào nông dân Tây Sơn: từ cuộc đấu tranh giai cấp, phong trào đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử vẻ vang là đi đầu trong cuộc đấu tranh dân tộc. Chính điều này đã làm cho uy tín của phong trào Tây Sơn ngày càng được nâng cao trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào và nhân dân Bắc Hà đánh bại cuộc xâm lược của 29 vạn quân Thanh vào năm 1789.

3. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nằm cạnh bờ sông Tiền, ngay mặt tiền Đường tỉnh 864. Di tích đã được đưa vào sử dụng  vào ngày 20/01/2005 nhân kỷ niệm 220 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, với diện tích gần 2 ha gồm 03 nhà trưng bày:

- Nhà trưng bày số 1: Dưới chân tượng đài vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận đánh. Dãy tranh ghép gốm màu gồm 4 chương: khẩn hoang, lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn, có chiều cao 1,8m, diện tích 57 m², 2 mãng phù điêu chim muông và cây trái có diện tích 13 m² bằng chất liệu composic.

- Nhà trưng bày số 2: Trưng bày bộ sưu tập hiện vật về chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ, bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí gươm giáo, súng thần công, hỏa hổ của quân Tây Sơn và quân Xiêm.

- Nhà cổ Nam Bộ: Gồm 03 gian, 02 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, với nhiều hiện vật sinh hoạt gia dụng rất quý hiếm, như hoành phi, câu đối, tủ thờ, tủ kiếng, lục bình,…Nhà có diện tích 225 m². Đây là nơi dùng để trưng bày và tiếp khách.

Đặc biệt, tượng đài vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ được bố trí ở trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 08 m, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền do nhà điêu khắc Nguyễn Hải sáng tác. Tượng thể hiện Nguyễn Huệ oai phong đứng trên chiến thuyền trong tư thế đang rút gươm, bên dưới là nghĩa quân Tây Sơn người chèo thuyền, người giương nỏ nhìn về phía sông Tiền. Dưới chân tượng là dãy phù điêu bằng đồng bao bọc xung quanh, cao 70 cm, diện tích 90 m².Toàn bộ tượng đài nặng khoảng 6 tấn. Hoa văn trên dãy phù điêu chạm khắc hình người và chim lạc được tác giả cách điệu từ mặt trống đồng.

Với những giá trị đặc biệt, Di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là địa điểm du lịch lịch sử - sinh thái nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập300
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm271
  • Hôm nay103,039
  • Tháng hiện tại2,250,994
  • Tổng lượt truy cập43,046,973
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây