Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Thứ năm - 26/12/2024 02:56
Ngày 25-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Báo Ấp Bắc điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.
Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Kính thưa:    - Đồng chí đại diện Vụ địa phương 3, Ban Tổ chức Trung ương,
                     - Các đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh,
                     - Thưa các đồng chí.

Như các đồng chí đã biết, việc tổng kết Nghị quyết 18 và xây dựng Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết số 18 là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính cấp bách, phải thực hiện kiên quyết, đồng bộ và quyết liệt. Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cùng với đó là những lần sáp nhập (hợp nhất), nhưng sự vận hành sau đó hiệu quả không như mong muốn, lại phải chia tách ra như cũ. Điểm mới của việc sắp xếp tổ chức bộ máy lần này là Trung ương quyết định bắt đầu sắp xếp từ Trung ương và toàn bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện và cơ sở bắt tay vào thực hiện ngay, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Ở tỉnh ta, qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Đó là, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được sắp xếp, đổi mới, tinh gọn hơn, giảm được đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy bên trong và giảm biên chế (đã giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã, 1 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 4 cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, 103 cấp phòng trực thuộc sở, 33 cấp phòng thuộc chi cục, 82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; giảm 594 biên chế công chức, giảm 2.388 biên chế viên chức); đó là, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được quy định rõ hơn, điều chỉnh hợp lý hơn,... từ đó vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
 
hoi nghi
Đại biểu tập trung nghiên cứu và góp ý dự thảo Đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung ương và thực tế ở tỉnh, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức chưa rõ, còn chồng chéo, trùng lắp; phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý; tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất (số đông giảm biên chế chủ yếu là nghỉ hưu và nghỉ việc),…

Thưa các đồng chí,

Thực hiện Nghị quyết số 56 của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 101 của Bộ Chính trị, Kết luận số 09 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị, về cơ bản đã đảm bảo bám sát nội dung, yêu cầu, đúng định hướng của Trung ương và phù hợp với đặc điểm tình hình của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành, thị cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ sau:

Trước hết, cần nắm chắc chủ trương của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành chức năng về sắp xếp tổ chức bộ máy. Đặc biệt coi trọng công tác chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; bảo đảm tiến độ trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương, định hướng của Trung ương và đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Cần xác định rõ, đây là thời điểm “Chín muồi” có sự nhất quán rất cao từ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân; việc thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế lần này được thực hiện đồng thời với ba chủ trương lớn: (1) Về cải cách thể chế; (2) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (3) tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây chính là điểm mới trong tư duy, trong cách nghĩ, cách làm về sắp xếp tổ chức bộ máy).

Thứ hai, phải chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt việc thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi lãnh đạo, quản lý để đảm bảo sự tinh gọn tổ chức bộ máy; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đây là vấn đề khó, thậm chí là rất khó vì sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của nhiều cá nhân và tổ chức; đòi hỏi phải có sự đoàn kết, chia sẻ, thống nhất và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân để đảm bảo cho lợi ích chung. Phải kịp thời đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định xã hội (Khi sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế thì 2 cấp trưởng sẽ còn 1; cấp phó và cán bộ, công chức, viên chức sẽ dôi dư nhiều, việc chọn ai làm trưởng, ai làm phó, ai ở lại, ai phải điều động đi, ai phải nghỉ việc thật không đơn giản chút nào, “nhập vào bao giờ cũng khó hơn tách ra”).

Thứ ba, đối với cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu trong việc sắp xếp và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Các cơ quan trong diện sáp nhập (hợp nhất) như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Giao thông - Vân tải và Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học - Công nghệ; Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và Sở Nội vụ, lãnh đạo hai đơn vị được sáp nhập (hợp nhất) ngồi lại rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ đặt ra cho sở, ngành mới, từ đó thiết kế tổ chức bộ máy bên trong để thực hiện cho phù hợp theo hướng “nhiệm vụ nào, tổ chức đó”. Sáp nhập (hợp nhất) phải theo phương án khoa học, không phải cơ học - không phải sáp nhập đơn thuần là ghép các cơ quan vào; sáp nhập (hợp nhất) để mạnh hơn, do đó phải bố trí đúng người, đúng việc, không được lãng phí người tài; một tổ chức có thể làm nhiều nhiệm vụ, một nhiệm vụ không thể giao cho 2 hoặc nhiều tổ chức; phải nhìn vào thực tế, hiệu quả công việc để đánh giá, bố trí đúng cán bộ (Vấn đề “sáp nhập” hay “hợp nhất” cũng cần hỏi thêm Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ để có sự thống nhất chung. Bởi, về bản chất là có khác nhau: Hợp nhất là kết hợp tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích khác để tạo nên một đơn vị mới; còn sáp nhập là chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho đơn vị nhận sáp nhập. Theo phân tích này, thì “hợp nhất” có lẽ phù hợp hơn).

Thứ tư, thực hiện nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”; đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức với số lượng hợp lý, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới.

Chỉ đạo thực hiện đúng chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy như nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc và chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch chuyển giao, bàn giao tài chính, tài sản, xử lý cơ sở vật chất, trụ sở làm việc gắn với phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy định để tránh lãng phí; chủ động nghiên cứu xây dựng phương án tiếp nhận các tổ chức do các bộ, ngành Trung ương chuyển giao về cho tỉnh (nếu có).

Thứ năm, các cơ quan, đơn vị của tỉnh và các huyện, thành, thị căn cứ Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tế xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để sắp xếp (nếu không vướng các quy định của Trung ương, của tỉnh và thuộc thẩm quyền thì tiến hành sắp xếp ngay trong tháng 1/2025, không chờ Trung ương, không chờ tỉnh); trong đó, cần lưu ý mấy việc:

Một là, xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp không chỉ giảm tổ chức bộ máy ở những cơ quan, đơn vị trong diện phải sắp xếp, mà ngay cả các cơ quan, đơn vị còn lại chưa thuộc diện sáp nhập (hợp nhất) cũng phải có kế hoạch, lộ trình sắp xếp giảm đầu mối bên trong, để sau sắp xếp giảm tối thiểu 15% đến 20% cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; 20% đến 25% đơn vị cấp phòng trực thuộc cấp sở và cấp huyện trong tổng thể chung của tỉnh. Đối với các sở như Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế, Sở Công thương chuẩn bị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy theo Công văn số 24 của Ban Chỉ đạo Chính phủ.

Hai là, sắp xếp giảm tổ chức bộ máy phải đi đôi với giảm biên chế, để đến năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% biên chế viên chức trong toàn tỉnh so với năm 2021. Nếu trong quá trình sắp xếp, có chủ trương mới thì thực hiện theo quy định hiện hành.
Ba là, việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện sắp xếp phải thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, có tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Mặt khác, về cơ chế, chính sách đi kèm phải hợp tình, hợp lý, không để xảy ra tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trong nội bộ và nhân dân; về bố trí cán bộ, nhất là người đứng đầu phải gắn với cơ cấu và quy hoạch cấp ủy để chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 (Trong sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu nhân sự cấp ủy tuyệt đối không để cán bộ tranh thủ “chạy”, càng không để cán bộ “khéo ăn, khéo nói” thì được trọng dụng, còn cán bộ thẳng thắn, trung thực thì bị bỏ quên; cần suy nghĩ có giải pháp hiệu quả để thu hút, giữ chân, sử dụng người tài, không để tình trạng người có tài thì xin nghỉ, còn người kém năng lực thì ở lại).

Thứ tư là, về kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối cơ quan - doanh nghiệp và thành lập mới hai Đảng bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu về quy trình, thủ tục theo đúng quy định, thẩm quyền. Các tổ chức đảng ở những nơi đã kết thúc hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng tiến hành xây dựng quy chế làm việc, quy định lại chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Năm là, đối với các huyện, thành, thị, thực hiện theo Kết luận 09 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Công văn số 24 của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo và báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định. Đối với các Đảng bộ Quân sự, Công an, Biên phòng thực hiện theo hướng dẫn, quy định, kết luận số 09 của Ban Chỉ đạo Trung ương và của Đảng ủy - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Công an.

Trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương điều chỉnh, bổ sung quy chế, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, khắc phục những chồng chéo hoặc bỏ sót về chức năng, nhiệm vụ. Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, bảo đảm sau sắp xếp đi vào hoạt động ngay, không bị gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị và của địa phương.

Hội nghị đến đây kết thúc. Chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xin cảm ơn các đồng chí.
 

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm164
  • Hôm nay71,808
  • Tháng hiện tại2,754,825
  • Tổng lượt truy cập43,550,804
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây