Cuộc đấu tranh khốc liệt ở Khám đường Mỹ Tho

Thứ sáu - 30/08/2024 01:31
Trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng nhiều nhà tù, trại giam để giam cầm những người tham gia cách mạng. Câu chuyện thuật lại dưới đây của cựu tù kháng chiến Nguyễn Văn Hoảnh, sinh năm 1948, quê quán và nơi thường trú ở ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang sẽ thấy được cuộc đấu tranh gian khổ, khốc liệt của cán bộ, chiến sĩ, những người yêu nước trong nhà tù, trại giam của địch.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoảnh là y tá, công tác ở Văn phòng Huyện ủy Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Ngày 04/3/1963, khi Văn phòng Huyện ủy Chợ Gạo về đóng căn cứ tại xã An Thạnh Thủy, sư đoàn 7 của ngụy mở trận càn với qui mô lớn cấp trung đoàn vào vùng căn cứ này. Đồng chí Hoảnh và đồng chí Hùm cùng xuống chung hầm bí mật. Khi địch càn qua, phát hiện được miệng hầm và đã dùng vũ lực khống chế bắt sống hai người. Chúng tra tấn rất dã man, nhưng không khai thác được gì nên tống giam về Khám đường Mỹ Tho 4 tháng. Sau đó, chúng đày đồng chí Hoảnh xuống nhà tù Cần Thơ, rồi đưa ra nhà tù Phú Quốc.

Khi chúng tống giam đồng chí Hoảnh vào Khám đường Mỹ Tho, ông đã nỗ lực tìm cách móc nối với tổ chức Đảng trong nhà lao. Thông qua đồng chí Hai Hoanh và đồng chí Bảy Sàng (cũng là tù nhân chính trị), ông móc nối được với đồng chí Chín Hưng (quê quán xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho) là Bí thư Chi bộ Phòng giam số 8, nơi chúng giam đồng chí Hoảnh lần đầu tiên. Khoảng 20 ngày sau, chúng chuyển toàn bộ tù nhân ở Phòng giam số 8 sang Phòng giam số 2. Lúc bấy giờ, đồng chí Chín Hưng tiếp tục làm Bí thư và đồng chí Hoảnh đã được sinh hoạt với tổ chức chi bộ Đảng ở đây. Nội dung sinh hoạt thì tùy theo tình hình, chủ yếu là căn cứ vào tài liệu bên ngoài được gởi vào đường thăm nuôi để sinh hoạt, hoặc tùy theo tình hình trấn áp của bọn an ninh, giám thị, trật tự nhà tù, mà cấp ủy chi bộ tại chỗ đưa ra chủ trương lãnh đạo thực hiện. Trong quy định sinh hoạt hàng tháng là như vậy, nhưng tháng nào địch đàn áp mạnh tù nhân chính trị thì buộc mọi người phải sinh hoạt đơn tuyến. Thường đồng chí Hoảnh phải làm việc và báo cáo với đồng chí Chín Hưng. Số lượng đảng viên của Chi bộ Phòng giam số 2 biến động thất thường, do một số đồng chí mới vào, cũng có một số đồng chí bị địch đày đi nơi khác, nhưng lúc cao nhất khoảng 13-14 đồng chí. Về mặt tổ chức Đảng, đồng chí Hoảnh chỉ biết được Chi bộ ở Phòng giam số 2 nơi đồng chí sinh hoạt, còn tổ chức Đảng lãnh đạo từ bên ngoài đối với Khám đường Mỹ Tho và tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo tù nhân của toàn bộ Khám đường Mỹ Tho thì đồng chí không nắm rõ, bởi tổ chức Đảng lãnh đạo nhà tù luôn đặt trong điều kiện bí mật, để tránh sự đánh phá của kẻ thù, mà lúc bị bắt đồng chí Hoảnh vào mới chỉ được xem như đảng viên dự bị và thời gian đồng chí bị giam ở Khám đường Mỹ Tho là ngắn (4 tháng). Tại Phòng giam số 2, Chi bộ còn xây dựng tổ chức “Đội xung kích đấu tranh trong nhà tù” bao gồm các đồng chí đảng viên trẻ, đoàn viên thanh niên ưu tú đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đi đầu trong các phong trào, nhất là đấu tranh trực diện với kẻ thù, đồng chí Hoảnh được phân công làm đội phó của tổ chức này. Tổ chức này có nhiệm vụ thỉnh thị ý kiến, cũng như nội dung lãnh đạo của chi bộ để tuyên truyền giáo dục nhằm không ngừng nâng cao nhận thức giác ngộ cách mạng cho quần chúng trong nhà tù, vận động quần chúng mạnh dạn đứng lên đấu tranh chống lại sự đàn áp, hà khắc tù nhân của bọn giám thị, quản lý phòng giam cũng như đội an ninh trật tự của nhà tù do địch tổ chức, nhằm dùng vũ lực trấn áp, răn đe buộc tù nhân phải chấp hành mệnh lệnh.

Trong Phòng giam số 2 của Khám đường Mỹ Tho, kẻ địch bố trí một giám thị, một trưởng phòng, một tổ an ninh trật tự nhà tù và bọn được địch cài cắm bí mật nhằm theo dõi chỉ điểm để đánh phá tổ chức ta. Hình thức đấu tranh trong tù là hô khẩu hiệu chống lại tổ chức nhà tù của địch và không tham gia chào cờ. Hình thức đấu tranh tùy thuộc vào nội dung đấu tranh của tù nhân do chi bộ nhà tù lãnh đạo. Nội dung đấu tranh trong Phòng giam số 2 của Khám đường Mỹ Tho theo chủ trương của Chi bộ Đảng ở đây, mà chủ yếu từ nội dung thấp đến nội dung cao hơn, hoặc do mức độ đàn áp tù nhân của kẻ thù. Thường ban đầu, tù nhân đấu tranh đòi cải thiện điều kiện, chế độ sinh hoạt của tù nhân, với các khẩu hiệu yêu cầu như: giám đốc nhà tù không để tù nhân ăn cơm gạo mục, cá ươn; yêu cầu có thêm nước tắm giặt;... Khi bọn địch tăng cường tra tấn, đánh đập tù nhân, thì nội dung đấu tranh lúc này là đưa ra khẩu hiệu: “Đả đảo chế độ hà khắc nhà tù Mỹ - ngụy”; “Không được tra tấn, đánh đập dã man tù nhân”,…. Riêng việc chống chào cờ địch vào sáng thứ hai hàng tuần, thì dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đội xung kích đấu tranh trong nhà tù đã tích cực vận động các tù nhân không tham gia và những đội viên xung kích phải làm gương để quần chúng trong tù noi theo.

Ban đầu, các cuộc đấu tranh đạt được kết quả nhất định, nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa kết hợp chặt chẽ với công tác địch vận trong nhà tù, để cho bọn an ninh trật tự, bọn chỉ điểm theo dõi nhận diện, nên cứ sau mỗi đợt lãnh đạo quần chúng trong nhà tù đấu tranh, thì một số đồng chí lãnh đạo, cốt cán lại bị bọn an ninh trại giam của địch bắt lên tra tấn, đánh đập dã man.Thậm chí một số đồng chí còn bị biệt giam, rồi sau đó, bị đày đi những nhà tù khác xa hơn. Từ đó, bên cạnh việc tù nhân tiếp tục lãnh đạo đấu tranh trong nhà tù, tù nhân còn kết hợp chặt chẽ giữa công tác đấu tranh với công tác địch vận trong nhà tù, ra sức giáo dục, thuyết phục, cảm hóa lực lượng quản lý phòng giam; kể cả việc hù dọa nhằm răn đe bọn ác ôn để làm lung lay tinh thần của bọn này trước sự đấu tranh của tù nhân. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ này, mà sau đó các cuộc đấu tranh của tù nhân Phòng giam số 2 do Chi bộ phòng giam này lãnh đạo, không những đạt được kết quả cao hơn, mà tránh được sự tổn thất về phía lực lượng của ta. Sau mỗi đợt lãnh đạo tù nhân trong phòng đấu tranh chống địch, thì việc tù nhân bị Phòng An ninh Khám đường Mỹ Tho gọi lên tra tấn, đánh đập đã giảm hẳn so với trước đây.

Trước tình hình trên, chủ trương của lãnh đạo trong phòng giam là áp dụng chiến thuật “vừa đánh vừa xoa”; tuy bọn chúng khá hung hãn nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Sau khi địch có dấu hiệu co cụm lại trong hoạt động, Chi bộ Phòng giam số 2 bắt đầu phân công từ một đến hai đảng viên kềm cập một tên “đầu gấu” dùng lý lẽ phân tích, thuyết phục nhằm cảm hóa chúng. Bản thân đồng chí Hoảnh cũng nhờ làm tốt công tác vận động tù nhân tham gia đấu tranh với địch trong nhà tù cũng như tích cực giáo dục, thuyết phục cảm hóa có hiệu quả, bọn an ninh trật tự của địch ở phòng giam được chi bộ đánh giá cao, nên trước khi bị địch đày đi nhà lao Cần Thơ, đồng chí đã được Chi bộ phòng số 2 Khám đường Mỹ Tho quyết định công nhận là đảng viên chính thức. Có thể nói, qua việc tích cực giáo dục thuyết phục cảm hóa của ta thì bọn “đầu gấu” này ít nhiều cũng giác ngộ, nhận thức được, nhất là việc nhắc nhở về người thân của chúng đang sống bên ngoài xã hội, đã góp phần làm cho bọn chúng thức tỉnh, vì chúng nghĩ nếu không khéo thì người thân của chúng phải đền tội trả nợ mà chúng đã gây ra. Nhờ vậy, các cuộc đấu tranh hoặc chống chào cờ của tù chính trị trong Khám đường Mỹ Tho sau này không những đạt được kết quả cao hơn, mà sự tổn thất của chúng ta cũng giảm hẳn do kẻ địch trong nhà tù đã làm ngơ. Để công tác tổ chức đấu tranh trong nhà tù Mỹ - ngụy đạt kết quả tốt, ít gây thương vong cho lực lượng đấu tranh thì nhất thiết chúng ta phải phối hợp chặt chẽ giữa công tác đấu tranh với công tác địch vận trong nhà tù. Trong công tác địch vận thì phải áp dụng nhuần nhuyễn chiến lược “vừa đánh vừa xoa”, “vừa xoa vừa đánh”, mà trước nhất là phải biết khai thác thật tốt điểm yếu của địch để tấn công, làm lung lay tinh thần nhằm đánh bại ý chí của chúng.

Năm 1973, đồng chí Hoảnh được trao trả theo Hiệp định Pa-ri tại tỉnh Quảng Trị. Sau đó, được tổ chức đưa đi an dưỡng ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1974, đồng chí Hoảnh được tổ chức đưa đi học ngành công an ở tỉnh Vĩnh Phúc. Đến tháng 9 năm 1975, được đưa về làm y tá ở Trại giam Biên Hòa và công tác ở đây. Đến năm 1978, đồng chí Hoảnh được điều động về làm Tổ trưởng quản giáo Trại giam Công an Tiền Giang. Năm 1985, làm Phó Giám thị Trại giam Công an tỉnh, công tác đến khi nghỉ hưu. Khi về nghỉ hưu, đồng chí tham gia làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Phong từ năm 2010-2012. Hiện tại là tổ trưởng Tổ Cựu tù kháng chiến xã Mỹ Phong, đồng thời là thành viên lãnh đạo Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

    Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay77,834
  • Tháng hiện tại1,275,879
  • Tổng lượt truy cập45,090,584
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây