Cuộc đấu tranh ở nhà tù Tân Hiệp

Chủ nhật - 15/09/2024 03:55
Cô Nguyễn Thị Hết, sinh năm 1949, (tên thường gọi là cô Bảy Hết), quê quán xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Cô tham gia cách mạng từ năm 1963, được tổ chức phân công làm Trưởng đoàn tải, Trưởng ban Y tế xã Bình Nhì. Sau đó là Phó ban Quân Dân y huyện Tây (nay là huyện Gò Công Tây). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, cô Bảy tiếp tục công tác và giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đại hội Đảng bộ huyện Gò Công Tây lần thứ V, nhiệm kỳ 1988-1990, cô Nguyễn Thị Hết được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Hiện nay, cô Bảy đã nghỉ hưu tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Song, mỗi khi nghe đến “nhà tù Tân Hiệp” (nay thuộc phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại đây, lại giật mình như vừa trải qua cơn ác mộng. Những câu chuyện đau đớn của cô như bản cáo trạng, tố cáo tội ác tày trời của Mỹ - ngụy ở nhà lao này. Hiện nay, cô vẫn còn mang trên mình những vết thương do hậu quả của những trận đòn tra khảo trong thời gian bị tù đày. Cô Bảy kể lại:

Ngày 31/7/1971, trong một trận càn của địch, cô bị thương nên quyết tử bằng trái lựu đạn, nhưng lựu đạn không nổ (do đồng chí Tư Trọng đổi bằng trái lựu đạn móc nối binh vận đưa ra, bị chúng rút ngòi trước đó nên không nổ). bị địch bắt đưa về Gò Công; sau đó, chuyển vào bệnh viện, gặp các đồng chí cùng bị bắt như cô. Cô tranh thủ giáo dục, cảm hóa 02 nhân viên cảnh sát ngụy giảm bớt ác ôn, trong đó có một người trở lại giúp đỡ tù nhân. Sau khi tạm lành vết thương, địch đưa cô trở lại nhà giam Gò Công. Tại đây, dù sức khỏe còn rất yếu, nhưng cô phải chịu mọi cực hình, tra tấn tàn bạo của bọn cai ngục. Tuy nhiên, với lòng kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, cô nhất quyết không khai báo gì. Do đó, địch buộc phải chuyển cô đến nhà tù Tân Hiệp.

Nhà tù Tân Hiệp có 07 trại giam, gọi bằng tên chữ cái A, B, C, D, E, G và trại giam phụ nữ. Các trại được bao bọc bởi 04 lớp dây kẽm gai dày với 09 lô cốt, 03 tháp canh kiên cố, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống báo động tối tân. Mỗi trại giam có diện tích gần 200m2 nhưng giam giữ từ 300 - 400 người, có lúc lên đến cả ngàn người. Nơi đây được ví như “địa ngục trần gian” không kém gì nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc. Bên cạnh các hình thức tra tấn tàn khốc tù nhân; trong nhà tù Tân Hiệp, kẻ thù dùng cả thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc hòng làm lung lay ý chí, kêu gọi những người theo cách mạng ly khai, phản bội lý tưởng, đi theo con đường phản dân hại nước của chúng. Âm mưu của địch là tiêu diệt cả ý chí lẫn tinh thần cách mạng của tù nhân. Kẻ thù tưởng rằng sự khắc nghiệt của nhà tù có thể lung lay tinh thần ý chí đấu tranh của những người tù cộng sản, triệt tiêu ý chí cách mạng của những con người yêu nước. Nhưng chúng đã lầm. Tù đày không giam được khối óc, trái tim người cộng sản. Mặc dù bị giam cầm, tra tấn khủng khiếp, người tù chính trị vẫn không bị kẻ thù làm lung lay ý chí, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người tù cộng sản vẫn kiên định, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc. Họ đã biến nhà tù thành nơi hun đúc ý chí cách mạng.

Năm 1971-1972, những người tù cộng sản trong nhà tù Tân Hiệp tích cực hưởng ứng phong trào đấu tranh ngày càng lan rộng trong các nhà tù, trại giam của địch ở miền Nam. Tù nhân căm phẫn, sôi sục trước những ngón đòn tra tấn, cực hình tàn ác, sự đàn áp, âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Ở trại giam phụ nữ, chị em đã đấu tranh chống địch đàn áp, chống bắt chị em đi xé lẻ. Các chị em đã phản đối bằng cách đập máy phóng thanh và 02 chiếc loa mà chúng đưa vào trại giam; đánh cảnh cáo tên gián điệp chỉ điểm; chống chào cờ ngụy, chống ra tòa lưu động, chống tâm lý chiến, đòi yêu sách dân sinh, phải cho gia đình cùng các phái đoàn xã hội, từ thiện ở bên ngoài đến gặp mặt tù nhân. Sau đó, địch chuyển cô Bảy đến Trại A, cô được gặp các chị ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, cùng các chị đấu tranh đòi địch phải nhượng bộ cho gia đình thăm nuôi và thư từ liên lạc với gia đình, đồng thời cho các tổ chức bên ngoài và Hội đòi quyền sống, Hội từ thiện đến thăm. Sau chị em bị đưa đi xé lẻ về Trại G và Trại Y thì mọi người có chủ trương là chống chào cờ; tập thể đã bắt giữ, đánh cảnh cáo tên Điệp là gián điệp chỉ điểm. Địch phản ứng quyết liệt. Chúng cho cả tiểu đoàn thủy quân lục chiến vào nhà tù uy hiếp chị em. Sau đó, lực lượng chiến đấu và Ban đấu tranh trực diện ra nói chuyện với tên tiểu đoàn trưởng và tên quản đốc nhà tù; đồng thời, chị em đấu tranh với tiểu đoàn thủy quân lục chiến không đàn áp phụ nữ với khẩu hiệu: “Yêu cầu anh em binh sĩ hãy dừng tay đẫm máu, đừng đàn áp chị em phụ nữ”. Cuối cùng, chúng phải nhượng bộ và thương lượng với chị em, giải quyết yêu sách của ta.

Sau đó, chúng đưa tất cả vào Trại G. Tại đây, chúng dùng thủ đoạn tâm lý chiến và bắt chị em tố cộng, chiêu hồi. Các chị em đều kiên quyết chống lại âm mưu chiêu hồi của địch. Kết hợp với lực lượng sinh viên của bà Luật sư Ngô Bá Thành (sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), các chị Lan, Huệ, Mẫn, Kỳ Diên, Oanh, Chiêm đấu tranh đòi hòa bình. Những chị ấy cắt tay lấy máu, vẽ khẩu hiệu tại trạm xá Tân Hiệp. Cô Bảy còn nhớ câu khẩu hiệu ấy như sau: “Phá tù Tân Hiệp từ đây, càng cao áp bức, càng dày đấu tranh; đả đảo nhà cầm quyền Sài Gòn, đả đảo Mỹ - ngụy; đả đảo nhà tù Tân Hiệp dùng tù cai trị tù; Hồ Chí Minh muôn năm”. Đồng thời, chị em còn tranh thủ các trật tự viên trong tù, vận động họ trả ba - xa (brassard: băng đeo tay), không làm trật tự nữa. Số ác ôn được giáo dục, cảm hóa, giảm bớt ác ôn.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Sau khi được học tập những điều khoản trong Hiệp định, chị em đấu tranh chống địch với hai yêu sách: “Một là, phải thừa nhận những người tù chính trị đều là thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và phải trao trả cho Mặt trận; Hai là, trong thời gian chờ đợi được trao trả, chính quyền Sài Gòn phải đối xử tử tế tù nhân chính trị theo Công ước quốc tế, phải được ăn uống đầy đủ, cho gia đình và các tổ chức xã hội vào thăm viếng”. Trước sự đấu tranh có tính pháp lý của chị em, địch buộc phải hứa hẹn thực hiện.

Nhưng sau này, chúng phản bội Hiệp định Pa-ri. Lấy cớ quân giải phóng pháo kích vào sân bay Biên Hòa và sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 14/6/1974, địch bắn pháo 105 ly vào nhà tù Tân Hiệp. Trái đạn rơi trúng Trại Y, làm 72 tù nhân nữ chết và bị thương; trong đó có 18 chị em chết tại chỗ, thi thể không toàn vẹn. Lúc đó, tù nhân Trại A, Trại C, Trại G và các chị em ở Trại phụ nữ đồng loạt kêu la vang rền cả một góc nhà tù Tân Hiệp. Trước tình hình đó, tên quản đốc nhà tù phải xoa dịu và cho giám thị mở cửa trại để mang thi thể ra. Một cảnh tượng vô cùng đau thương đã hiện ra. Tù nhân lượm từng miếng thịt để chung như đống lúa. Lòng căm thù của toàn thể tù nhân chất ngất dâng cao. Còn số bị thương, trước sự đấu tranh của tù nhân, địch buộc phải đưa đi cấp cứu. Sau đó, chị em lượm được mảnh pháo có dấu hiệu USA (Mỹ) đem giấu. Cách gần nửa tháng sau, khi nhận được thông tin địch bắn pháo hủy diệt nữ tù nhân chính trị từ báo chí, phái đoàn Hồng thập tự quốc tế đến thăm. Tại nhà tù, địch đổ cho là pháo cách mạng bắn trúng. Chị em phản đối và đưa ra mảnh đạn pháo có ghi chữ USA làm bằng chứng. Chúng đuối lý nên buộc phải thừa nhận. Trước phái đoàn, các chị em đã nói chuyện, tố cáo tội ác “trời không dung, đất không tha” của chúng. Sau các cuộc đấu tranh bẻ gãy âm mưu của địch, chúng đưa tất cả chị em ra nhà tù Côn Đảo để dễ bề cô lập, giám sát và đàn áp.

Đầu năm 1975, ở Côn Đảo, được sự chỉ đạo của Đảng ủy Nhà tù, tù nhân nữ được học tập tình hình trước 03 tháng, chuẩn bị các thứ lương khô để vượt đảo. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, chị em âm thầm chuẩn bị lương khô, nhưng không hiểu vượt biển bằng cách nào. Theo dự đoán của chị em, phải chăng ngày giải phóng, thắng lợi đã gần kề?

Ngày 30/4/1975, lúc 11 giờ 30 phút, Sài Gòn đã được giải phóng. Nhưng ở nhà tù Côn Đảo, lúc 13 giờ chiều cùng ngày, chúng còn dồn phòng để chuẩn bị tiêu diệt tù nhân. Tới giờ phút cuối, chúng còn đánh mỗi người 06 gậy. Tối 30/4/1975, sau khi đã làm lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5, chị em trong trại giữ im lặng, nằm nghe ngóng tình hình bên ngoài và chuẩn bị đối phó nếu địch đàn áp.

Đến 03 giờ sáng ngày 01/5/1975, tên lính gác cửa cho biết, Sài Gòn đã được giải phóng. Sau đó, chúng mời Ban đại diện các phòng ra dự họp. Ở Phòng 02, Khu A, Trại 6, tù nhân cử dì Sáu Lan và dì Bảy Như cùng với chị Thúy ra để cùng với các anh thành lập Ban Quân quản để tiếp quản Côn Đảo và thành lập các bộ phận quản lý trên đảo, gồm lực lượng chiến đấu, bộ phận chính trị có nhiệm vụ tổ chức học tập các chính sách của cách mạng cho ngụy quân, ngụy quyền và bộ phận hậu cần lo việc đời sống cho tù nhân. Đến 03 ngày sau, 09 chiếc tàu hải quân của quân giải phóng từ Vũng Tàu ra Côn Đảo để tổ chức đưa tù nhân đã chiến thắng ngục tù của đế quốc và bọn tay sai để trở về với đất mẹ thân yêu.

Có thể nói, từ lúc bị bọn địch bắt giam cho đến ngày về, đối với cô Bảy, quá trình chiến đấu trong nhà tù là những chuỗi ngày đầy vinh quang và tự hào. Mặc dù địch có bộ máy đàn áp khổng lồ với các phương tiện tra tấn tàn bạo, vũ khí hiện đại và những mưu mô, thủ đoạn vô cùng nham hiểm, ác độc; nhưng cuối cùng, tù nhân đã chiến thắng chúng bằng sức mạnh của ý chí kiên trung, bất khuất, dũng cảm; tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau và tinh thần chiến đấu không khoan nhượng trước kẻ thù hung bạo. Tù nhân đã giữ vững khí tiết và chính nghĩa của người chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm207
  • Hôm nay52,610
  • Tháng hiện tại258,667
  • Tổng lượt truy cập35,893,618
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây