Trên đường đi công tác, đồng chí Giáo bị địch bắt. Chúng giam đồng chí tại Gò Công, chúng đánh đập, tra khảo hết sức dã man. Hàng ngày, địch vừa tra khảo, vừa hành hạ thân xác. Hết đi tàu lặn, đổ nước, kể cả nước xà bông vào miệng, vào mũi cho đến khi đầy bụng mới thôi, làm đồng chí Giáo bị ngộp thở, chúng lại tiếp tục đạp lên bụng, xốc cho ói ra, ói nước, ói thức ăn, ói tới “mật xanh”. Địch lại cho đồng chí đi máy bay, nghĩa là trói tréo hai tay ra sau lưng bằng dây luộc dừa, kéo ngược lên trần nhà cho bọn tay sai “đánh tứ trụ” (tức đánh từ bốn phía), đấm vào ngực, dùng roi, gậy đập vào lưng, tay chân, toàn thân rớm máu, rồi máu chảy từng giọt xuống sàn,… Địch dí điện vào chỗ hiểm, bắt nằm ngửa trên ghế dài, trói tréo hai cánh tay dưới ghế rồi dùng chày vồ đập túi bụi lên ngực,…Tuy cảm thấy đau nhức dữ dội, nhưng đầu óc còn tỉnh táo, đồng chí Giáo vẫn kiên quyết không khai. Đến khi ông hôn mê, chúng mới thôi tra tấn. Chính sự gan lì, lòng kiên trung của ông đã thắng sự tàn bạo, phi nghĩa của kẻ thù. Không khai thác được gì nên chúng chuyển đồng chí Giáo đến nhà tù Phú Quốc.
Tại nhà tù Phú Quốc, đồng chí Giáo cùng một số bạn tù bàn bạc, vạch kế hoạch vượt ngục và tổ chức đấu tranh chính trị. Những ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,… ông cùng bạn tù lập Bàn thờ Tổ quốc, cờ, băng-rôn, biểu ngữ. Cờ thì ông cùng tù nhân đi làm tạp dịch bên ngoài lượm vải trắng từng miếng nhỏ rồi giấu đi, đem vào nối từng miếng lại. Để có màu đỏ, ông lấy bọc áo đỏ bên ngoài của thuốc uống sốt rét No-va-kin để nhuộm đỏ. Khi có vải thì lại thiếu kim khâu, thế rồi ông lại lấy ta-long vỏ xe (miếng thép nhỏ bao quanh vỏ xe) đập nhọn làm kim, mài bén, lấy dao cắt thuốc đục lỗ. Chỉ thì lấy mùng tin rút chỉ rồi may từng miếng lại bề ngang 4 tấc, dài 6 tấc, băng-rôn cũng làm như vậy. Chân đèn thì bằng xà bông cây, tù nhân ráp lại hình thành Bàn thờ Tổ quốc. Nhiều ngày sau, khi điểm danh, tù nhân khiêng ra ngoài sân làm lễ kỷ niệm. Những ngày ấy, quân cảnh có đàn áp thì có anh em cờ đỏ yểm trợ. Làm lễ xong, mọi người đem chôn giấu, khi cần thiết mới đem lên. Sau lễ, mọi người biết địch sẽ trả đũa nên động viên nhau để lòng quyết tâm của tù nhân không lay chuyển.
Lần sau, tù nhân đi tạp dịch, lấy mỡ bò về để làm bảng học, khi đem về tới cửa phòng giam, bọn cai ngục khám xét bắt 13 tù nhân nhốt vào cát-xô (thùng sắt). Ngày sau, tên thượng sĩ nhất, tên Nhu - giám thị trưởng, khét tiếng ác ôn tại nhà tù Phú Quốc vào điểm danh thì số anh em cờ đỏ tổ chức bắt nó vào Phòng 02, lấy bao bố trùm mặt nó lại không cho nó biết và giữ không cho anh em đánh đập nó. Tên thiếu tá Đắc đến để giải quyết thì tù nhân đòi yêu sách thả 13 người bị nhốt trong cát-xô ra, mọi người mới thả tên thượng sĩ nhất Nhu. Sau gần một tiếng đồng hồ giằng co chúng mới chấp nhận. Chúng trả tù nhân trước rồi mình mới thả tên Nhu ra. Hôm sau, mọi người biết địch sẽ đàn áp nên họp trưởng phòng động viên tù nhân, dù bất cứ giá nào anh em cũng quyết tâm chống lại.
Như dự đoán, chúng đem dây kẽm gai rải từng phòng, tên giám thị lấy bao bố trùm đầu, chỉ còn lộ 02 con mắt để nhìn mặt. Tên này chỉ điểm, bắt 05 tù nhân, nhưng các tù nhân này lại không tham gia vào vụ bắt giữ tên Nhu. Chúng đem 05 tù nhân này về điều tra và nhốt “chuồng cọp” đến 07 ngày, bỏ đói, bỏ khát, chịu nắng nóng rát vào ban ngày, rét buốt vào ban đêm, thân thể bị kẽm gai cào xước, bê bết máu. Ban lãnh đạo nhà tù liền mở cuộc đấu tranh với yêu sách thả 5 tù nhân bị nhốt trong “chuồng cọp”. Chúng nhượng bộ thả tù nhân trở lại phòng giam. Phát huy thắng lợi vừa giành được, đồng chí Giáo bàn bạc với tù nhân tiếp tục tiến hành đấu tranh trong thời gian tới. Trước hết, mọi người cần chuẩn bị các thứ cần thiết trong điều kiện thiếu thốn và xác định có thể hi sinh bất cứ lúc nào, cụ thể: tù nhân nhà bếp chuẩn bị muối, cơm cháy; từng phòng giam lo nước uống, liên lạc với y tá là cơ sở mật của ta xin thuốc chữa bệnh. Sau đó, báo cáo về lãnh đạo hằng ngày. Nếu có từ 10 bao cơm cháy, 05 bao muối, nước uống đầy đủ thì hôm sau khởi cuộc đấu tranh.
Ta tổ chức đấu tranh yêu cầu địch đối xử với tù binh theo Luật Quốc tế. Địch nhượng bộ, cam kết chấp nhận. Nhưng tù binh biết chúng chỉ giả vờ đồng ý, nên chuẩn bị cho ngày hôm sau chúng sẽ trả đũa. Ngày hôm sau, sau khi ăn cơm chiều xong, tên thượng sĩ nhất Nhu cho bọn giám thị bắt một số tù binh mà chúng cho là thành phần chỉ huy. Các tù nhân này bị tra tấn vô cùng dã man rồi bị nhốt ở “chuồng cọp” từ 5-10 ngày. Tù nhân trong trại đấu tranh quyết liệt, nên địch buộc phải thả số tù binh bị bắt trở về phòng giam. Do có chuẩn bị trước về lương thực, thuốc uống, nhất là kinh nghiệm lấy nước tiểu uống để tan máu bầm, nên sức khỏe của tù nhân dần được hồi phục.
Ở nhà tù Phú Quốc, tù binh bị nhốt vào hầm biệt giam là phải chịu cảnh “địa ngục trần gian”. Hầm dài 9 mét, rộng 3 mét, chừa 1 mét để giám thị đánh “tổng hợp”. Chúng nhốt khoảng 170 người, tù nhân phải người ngồi, người nằm, người đứng, chen chúc người với người, hơi người, sức nóng từ mái tôn, hầm chỉ có 9 lỗ thở, nên rất nóng bức, ngột ngạt gây khó thở. Khi ăn, chúng phát mỗi người một nắm cơm với muối hột. Trong ngày, chúng đánh tổng hợp trước khi ăn, nước uống không đủ thì tù nhân này uống nước tiểu của tù nhân khác để kéo dài mạng sống. Khi có phái đoàn nước ngoài đến kiểm tra việc giam giữ tù binh theo Công ước quốc tế, chúng lấy vỏ xe hơi chất trên nóc hầm ngụy trang. Nhân lúc bọn giám thị đi khỏi, tù nhân nói với người phiên dịch báo cho phái đoàn quốc tế biết có tù binh bị nhốt biệt giam dưới hầm. Khi được lấy vỏ xe ra rồi cạy nắp hầm, từng người được kéo lên. Cứ 10 anh ôm vào nhau, tạo thành một nhóm, đi tập tễnh vào trại, các anh rất yếu đến nỗi hễ một anh té thì cả nhóm té theo. Trước sự đày ải của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà tù, tù chính trị có nhiều hình thức đấu tranh sáng tạo, kiên trung, dũng cảm, bất khuất nhằm giữ vững lý tưởng, lập trường, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).