Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1949, quê xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây đã tham gia cách mạng năm 1969 tại căn cứ cách mạng của huyện Tây (nay là huyện Gò Công Tây) ở xã Vĩnh Hựu. Lúc đầu, cô được phân công về công tác tại Ban Quân lực và tham gia, đảm nhận các công việc từ bẻ củi nấu cơm cho các lớp bồi dưỡng chính trị của huyện cho đến việc in ấn tài liệu, phục vụ công tác tuyên truyền và các hoạt động của huyện.
Năm 1971, do có chỉ điểm nên địch càn vào căn cứ cách mạng ở xã Bình Ninh và xã Vĩnh Hựu, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên và khống chế quần chúng nòng cốt, gia đình cơ sở cách mạng. Trong trận càn, chúng bắt 3 người: cô Nguyễn Thị Hết (Bảy Hết), chú Bảy Trọng, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh và bắn chết nhiều người khác. Chúng tra tấn, đổ xà bông, đánh đập khai thác tại chỗ, buộc cô phải cung khai cơ sở cách mạng, đồng chí và đồng đội; nhưng cô nhất định không khai báo. Trong lúc này có 02 Trung đội thuộc Đại đội đặc công 312 do đồng chí Lê Hồng Thanh (Ba Hồng Thanh) chỉ huy nằm sát vị trí cô bị bắt, nhưng cô kiên quyết giữ bí mật tuyệt đối. Sau này, gặp lại, đồng chí Ba Hồng Thanh rất cảm phục tinh thần hi sinh vì đồng đội của người nữ đồng chí trẻ tuổi gan dạ, dũng cảm.
Chúng bắt và đưa cô về Khám đường Gò Công giam 2,5 tháng. Đến năm 1972, chúng giải cô về trại giam Thủ Đức rồi giải ra nhà tù Côn Đảo. Thời gian ở Thủ Đức, cô tham gia chống chào cờ ngụy, chống đi may quần áo tù nhân, chống học tập xuyên tạc, nói xấu cộng sản; đòi quyền sống cho tù nhân do luật sư Ngô Bá Thành lãnh đạo. Lúc này, giặc bắt đầu đàn áp dã man, chúng xé lẻ lực lượng nhỏ ra để không có sức mạnh đấu tranh, dễ đàn áp.
Sau đó, chúng đày cô lên nhà tù Tân Hiệp - Biên Hòa, ở Trại số 2, Phòng 9. Thời gian này, ta đưa ra yêu sách đòi Mỹ - ngụy thi hành Hiệp định Paris. Địch lại tiếp tục đàn áp vì chị em hô la “Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu”, “Hồ Chí Minh muôn năm”. Để phản đối địch đàn áp, mọi người đấu tranh tuyệt thực. Những ngày tiếp theo, chúng đem “tòa án lưu động” cùng “tâm lý chiến” vào nhà tù xoa dịu, khuyên mọi người đừng theo cộng sản. Cuối cùng, mọi người vẫn chống lại chúng. Địch cay cú kêu án cô và một số chị em khác án tù chung thân, rồi đày ra nhà tù Côn Đảo.
Vừa đến Côn Đảo, tên chúa đảo và bọn trật tự hầm hừ, cầm ba trắc trong tay sẵn sàng xông vào đánh tù nhân. Mọi người ngoéo tay nhau và đều hiểu rằng, cuộc đấu tranh ở đây sẽ là ác liệt, gay go, dai dẳng, một mất, một còn, giữa một bên có đủ súng ống, dùi cui, ba trắc, gông cùm, chuồng cọp, đủ trò tra tấn, dụ dỗ và một bên là tù chính trị tay không tấc sắt, nhưng có lòng trung thành sắt son với Đảng, với Bác Hồ, sẵn sàng hi sinh tính mạng trong đấu tranh với kẻ thù.
Được các anh chị tù nhân quán triệt từ trước, tất cả mọi người đều tuyên bố “không tuân thủ nội quy, không chào cờ ba que” và đều bị biệt giam. Đã mấy lần, tù nhân đòi được ra sân tắm nắng, chống ăn mắm chua, khô mục, đòi được ăn rau, thêm muối. Tuy nhiên, bọn chúa đảo không giải quyết. Từ đó, tù nhân đấu tranh bằng cách “hô, la”. Cuộc đấu tranh này được thực hiện mỗi ngày 3 lần vào buổi sáng, trưa, tối, kéo dài hơn một tháng, cuối cùng bọn chúng đã tiến hành đàn áp dã man. Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh tham gia Tổ thanh niên đấu tranh trực diện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Thị Hết (Bảy Hết). Cho nên, khi bị chúng đánh thì tù nhân cũng đánh lại. Do đó, mấy lần bọn địch bị đánh bật ra, nhiều thằng gãy răng, bươu đầu kêu trời,…
Sau đó, tù nhân bị địch đưa về trại. Phòng cô Ngọc Ánh có diện tích khoảng 30 - 40m2 nhưng chúng nhốt tới 40 người. Tuy rất chật chội, ngột ngạt, nóng nực, nhưng ngày nào tù nhân cũng tổ chức học văn hóa, học chính trị. Vài ba ngày lại được nghe tin tức, thời sự trong nước, quốc tế và cả các phong trào đấu tranh trên đảo do tù nhân bí mật đưa vào và thỉnh thoảng lại tổ chức biểu diễn văn nghệ.
Tuy Côn Đảo không phải là đất liền, cách đất liền hàng trăm cây số; nhưng phong trào đấu tranh của tù chính trị bị giam cầm tại địa ngục trần gian này được cả thế giới biết đến. Trong những ngày bị giam giữ trong tù, mọi người vẫn đóng góp một phần trí tuệ, sức lực của mình vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - người đã cung cấp các mẩu chuyện không chỉ là hồi ức, nỗi niềm tâm sự mà còn là những tài liệu quý về một thời gian khổ của các bậc cha anh đi trước. Giờ đây, chúng tôi thế hệ sau thường dặn với lòng: phải sống và làm việc như thế nào để xứng đáng với sự hi sinh và tinh thần chiến đấu quyết tử của đồng bào, đồng chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).