Khí tiết của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Trừ

Thứ ba - 15/10/2024 23:26
Ông Nguyễn Văn Trừ (tên thường gọi là chú Hai Trừ), sinh năm 1922, tại xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Tháng 12/1946, Chú thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, lúc ấy mới 24 tuổi. Ngày 19/8/1947, chú Hai Trừ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và bắt đầu hoạt động công khai. Hai lần bị địch bắt giam và tra tấn dã man nhưng Chú vẫn dũng cảm, mưu trí, tuyệt đối trung thành, bảo vệ an toàn đồng chí, đồng đội, giữ vững khí tiết của người cán bộ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất.

Qua liên lạc với người con trai lớn của Chú là Nguyễn Văn Cộng và theo tư liệu của chú Hai Trừ để lại, khoảng thời gian từ năm 1949 đến 1975, chú Hai Trừ có đến hai lần bị bắt tù đày. Lần thứ nhất bị bắt vào đầu năm 1949, do địch khui hầm bí mật tại ấp Vĩnh An, xã Long Vĩnh Hựu, vì có người chỉ điểm, chú Hai Trừ bị bắt cùng với ông Năm Giò và ông Ba Son lúc ấy là Chủ tịch. Do lính Cao đài Hòa Đồng bắt giải đi và giam cầm tại nhà giam Tây Ninh, lúc ấy chú Hai Trừ làm Trưởng Công an nên khi bị bắt, bọn chúng cạo đầu chú Hai “trọc lóc” vì tội làm công an, chúng liền tiến hành thực hiện hình phạt hành hạ ác nghiệt và tàn ác, đó là vào lúc 12 giờ trưa, địch trói hai tay chú Hai quay ngược về phía sau lưng và đứng giữa bãi cát nóng, hành hạ liên tục 03 tháng, sau đó tiếp tục Chú lại bị đày vào rừng đốn củi.

Gần 2 năm chịu cảnh tù tội, cha và vợ chú Hai Trừ nhờ đại úy Ngộ bảo lãnh, nên chú Hai Trừ được thả ra về quê nhà vào năm 1951, lúc ấy chú Hai có 03 người con gồm: Cộng (Cộng Lớn), Sản (Cộng Nhỏ) và người thứ ba tên Văn.

Sau khi chú Hai Trừ được trả về hợp pháp, Chú tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Đến khoảng tháng 11/1951, chú Hai đi họp tại cù lao Tân Thới, bị lính Tổng Long bắt đem về Bình Luông Đông và bị Tổng Long tra tấn dã man, trong đó “có nhiều lần bị đá bằng mũi giày vào ruột đến hộc máu”. Tra tấn chú Hai dã man nhưng không thu thập được chứng cứ gì, thế là bọn chúng tiếp tục giam cầm 03 ngày rồi thả chú Hai về, Chú lại tiếp tục hoạt động, vẫn đảm nhận Bí thư xã Bình Long, thời kỳ xây dựng lực lượng đến đón thời cơ. Đến năm 1953, chú Hai tiếp tục hoạt động công khai đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau đó được học tập tại Kinh Bùi và phân công ở lại hoạt động.

Lần thứ hai vào tháng 4/1955, chú Hai Trừ bị bắt tù ở Gò Công, Gia Định được 07 tháng, là Chi ủy viên chi bộ nhà lao, thay thế cho đồng chí Lê Tấn Hai và đồng chí Sáu Ón. Sau đó, chú Hai Trừ được ông hai Mịnh giới thiệu cho Thiếu tá Bốn đưa ra ngoài nhà lao làm tạp vụ được một thời gian, rồi tiếp tục bị đày ra Côn Sơn, Côn Đảo làm nghề ấp lò vịt được 03 tháng. Đến tháng 9/1960, chú Hai Trừ được “trả quyền tự do” trở về quê nhà, tiếp tục hoạt động đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Thoát ly gia đình phục vụ cách mạng tuổi đôi mươi, cuộc đời đầy gian truân khổ ải tù tội, “ngủ đồn, ngủ bót lam lũ”, cơm chẳng no, áo không lành; không nhà cửa, thời tiết khắc nghiệt trong rừng sâu; bản thân hứng chịu nhiều trận đòn roi, tra tấn ác liệt và dã man nhất; nhưng với ý chí kiên trung, nhiệt huyết, mưu trí, dũng cảm và tấm lòng căm thù giặc cao độ, chú Hai Trừ vẫn giữ vững khí tiết của người cán bộ, chiến sĩ cách mạng, không khai báo hoạt động cách mạng của ta, bảo vệ tuyệt đối bí mật đồng chí, đồng đội thân yêu của mình. Sau khi được “trả quyền tự do” lần thứ hai, từ tháng 10/1960, chú Nguyễn Văn Trừ được ông Chín Hải, ông Năm Tân kiểm điểm cán bộ gầy dựng cơ sở, diệt ác tại xã Long Hựu - Vĩnh Viễn, đến tháng 10/1961, chú Nguyễn Văn Trừ được xác nhận đảng viên chính thức.

Từ năm 1963 đến tháng 5/1976, chú Nguyễn Văn Trừ tiếp tục tham gia cách mạng, đảm nhận nhiều chức trách khá quan trọng tại huyện Tây và Mỹ Tho như: cán bộ an ninh huyện Tây, rồi Phó Ban An ninh - đảng viên huyện Tây, cán bộ chấp pháp An ninh Mỹ Tho, Trưởng An ninh, huyện ủy viên huyện Tây, Trưởng ban Binh vận, Trưởng ban Cán sự 4, Trưởng Ban Cán sự 3. Từ tháng 12/1974 đến tháng 4/1975 được tham gia học lớp Trần Phú; tháng 5/1975, là Tỉnh ủy viên, Trưởng ty An ninh, tỉnh Gò Công. Tháng 4/1976, giữ chức vụ Trưởng Phòng Công an huyện Gò Công, đến tháng 5/1976 là Ủy viên Thường vụ huyện ủy, Trưởng Công an huyện Gò Công và đến tháng 4/1979, chú Nguyễn Văn Trừ nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Sau khi nghỉ hưu, chú Hai Trừ tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ 1, Đảng bộ phường 1, thị xã Gò Công. Do tuổi cao sức yếu và bệnh nặng, chú Nguyễn Văn Trừ đã từ trần vào ngày 14/11/2007.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hơn 33 năm tham gia cách mạng, chịu cảnh lao tù, lao động vất vả, ác nghiệt, cống hiến nhiều công sức, trí tuệ và cả máu vì độc lập, giải phóng dân tộc, giải phóng cho quê hương đất nước; nhằm vinh danh, ghi nhận và tri ân, đền đáp những đóng góp to lớn của người cán bộ chiến sĩ cách mạng kiên trung, anh dũng, chú Nguyễn Văn Trừ được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 50 năm và 60 năm tuổi Đảng.

17 năm Chú đã đi xa, nhưng hình ảnh về tấm gương mẫu mực, kiên trung, anh dũng và là “bậc Thầy xứng đáng được tôn kính và tri ân”, sẽ mãi mãi khắc ghi đối với cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam nói chung và Công an nhân dân Gò Công nói riêng. Tấm gương sáng mẫu mực, kiên trung, gan dạ của cựu đảng viên cao niên Nguyễn Văn Trừ sẽ tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào của bậc tiền nhân dành cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

  Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập263
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm212
  • Hôm nay72,644
  • Tháng hiện tại235,428
  • Tổng lượt truy cập41,031,407
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây