Lớn lên từ nhà tù Phú Quốc

Thứ ba - 12/11/2024 22:19
Chú Thái Hồng Lý, sinh ngày 01/01/1952 tại ấp Nam, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội chú là ông Thái Văn Đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, đến năm 1980 bệnh mất. Cha của chú là liệt sĩ Thái Văn Nam, nguyên là Bí thư Huyện ủy Gò Công, hy sinh năm 1971, hiện tên của ông được đặt tên cho một ngôi trường tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Mẹ của chú là bà Lê Thị Định, bệnh mất năm 1970, được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hai người chú ruột là Thái Văn Lồi và Thái Văn Dễ, hai người anh ruột là Thái Văn Lắm và Thái Văn Tâm, tất cả đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được công nhận là liệt sĩ. Chị ruột là Thái Thị Điệp tham gia cách mạng ở chiến trường miền Đông, đã nghỉ hưu.

Tháng 5/1970, lúc 18 tuổi chú theo cha làm chiến sĩ bảo vệ Văn phòng Huyện ủy Gò Công. Khoảng một năm sau, trong một lần đi công tác, chú bị thương được đưa về điều trị ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Sau bốn tháng điều trị, chú được phân công về cơ quan Cơ yếu của huyện đóng quân tại Cồn Cống (nay thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông), chung đơn vị với đồng chí Tư Đời (nguyên Phó Công an huyện Gò Công Tây đã nghỉ hưu), đồng chí Võ Hồng Tâm (Chín Tâm), đồng chí Huỳnh Xuân Việt (nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang). Sau đó đơn vị bắt được liên lạc với đất liền và chú được đưa về căn cứ của huyện ở rừng Ông Kim (ấp Bà Từ, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông ngày nay). Đến tháng 11/1971, địch tập trung đánh ta ráo riết nên không thể liên lạc được với đất liền. Lúc này chú được tổ chức đưa về Quân y huyện học cứu thương, kết hợp điều trị bệnh do vết thương ở chân trước đó tái phát, nên việc đi lại hết sức khó khăn phải nhờ đến đồng chí Tư Đời kè đi, không may trên đường đi hai người bị lọt vào ổ phục kích của địch tại ấp Bà Từ,xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông. Lúc này khoảng 20 giờ tối trăng sáng mờ mờ, súng M79 của địch bắn ra dữ dội, chú và đồng chí Tư Đời bò vô đám sậy gần đó, chú bảo: “Anh Tư chạy đi đừng lo cho tôi, anh ở lại sẽ bị chúng bắt đó,...”. Lúc này chân của chú do bị thương, tê cứng không chạy được nên đã bị địch bắt, chúng trói chú bỏ lại tại mặt trận đêm đó, đến sáng hôm sau mới đưa về Lũy Pháo Đài rồi sau đó đưa về giam tại Trại giam Gò Công cùng với 20 người khác (lúc này ở tỉnh Gò Công có 02 chỗ giam giữ cán bộ cách mạng là Khám lớn Gò Công và Trại giam Gò Công).

Đến khoảng tháng 02/1972, chúng đưa chú về giam tại Khu 2 Trại giam Cần Thơ chung với đồng chí Đinh Văn Hội (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Gò Công), đồng chí Nguyễn Thành Luân (tức Bảy Lù - Trưởng Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến thị xã Gò Công). Ở trại giam Cần Thơ có 02 khu: Khu 1 là Khu Tân sinh hoạt để giam tù binh chiêu hồi; Khu 2 để giam tù binh cộng sản. Trong thời gian này, ở nhà giam Khu 2 có tổ chức Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh và chi bộ Đảng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực đòi cải thiện việc sinh hoạt, ăn uống cho tù binh thay cho các bữa ăn là cơm thiêu, cá thối,... và chống chào cờ của địch với sự tham gia của đông đảo tù binh bên trong trại giam, kết hợp với lực lượng học sinh, sinh viên bên ngoài ủng hộ đòi yêu sách. Trong quá trình diễn ra cuộc đấu tranh ta đã tổ chức bắt sống một số lính quân cảnh và tước vũ khí của chúng, đồng thời kết hợp với công tác binh vận để làm dao động tư tưởng binh lính trong hàng ngũ của bọn chúng. Địch đã bắn chết của ta 02 người và làm một số người khác bị thương, đồng thời dùng nhiều hình thức tra tấn dã man để đàn áp cuộc đấu tranh. Nhưng với sức mạnh cuộc đấu tranh của hàng ngàn người tham gia, cuối cùng bọn chúng đành phải nhượng bộ theo yêu sách của ta. Trong thời gian bị giam tại Trại giam Cần Thơ và được tham gia các cuộc đấu tranh do tổ chức Đảng và Đoàn Thanh niên trong trại giam tổ chức, chú đã vinh dự được kết nạp vào tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh vào ngày 15/10/1972 với sự trực tiếp giáo dục, giúp đỡ của đồng chí Tư Trung (sau này là Trưởng Trạm y tế xã Tân Tây, rồi thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Đến cuối năm 1972, chú và tất cả các tù binh tại nhà giam Khu 2, Trại giam Cần Thơ bị đày đi nhà tù Phú Quốc trên con tàu 505; đến Phú Quốc chú bị đưa về giam tại Khu 4, phòng B cùng với đồng chí Nguyễn Thành Luân (Bảy Lù). Ở đây địch bố trí giam giữ xen kẽ một khu tù binh cộng sản với một khu tù binh chiêu hồi (Tân sinh hoạt) nhằm cắt đứt liên lạc của ta, không để xảy ra các cuộc đấu tranh trong nhà giam. Sau đó chúng chuyển chú sang giam ở Khu 5 nằm biệt lập trên đồi nên việc sinh hoạt hết sức khó khăn. Do lúc này chú là một trong những tù binh trẻ tuổi, lại được các anh, các chú trong tù biết là con của một gia đình có truyền thống cách mạng nên đã hết lòng dìu dắt, giáo dục, đào tạo, giúp đỡ và tin tưởng giao nhiệm vụ, trong đó có việc phân công bí mật đào hầm để tổ chức cho tù binh vượt ngục khi có điều kiện. Trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc, các cuộc đấu tranh chống chào cờ của địch và đòi yêu sách cải thiện bữa ăn, sinh hoạt, vệ sinh cho tù binh luôn được chi bộ Đảng trong tù bí mật tổ chức, nhưng mức độ diễn ra không mạnh mẽ như lúc còn ở Trại giam Cần Thơ do ngoài đảo thiếu sự hỗ trợ của lực lượng quần chúng nhân dân bên ngoài.

Thực hiện Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/01/1973, chú và các tù binh khác được đưa về sân bay Phú Bài (Huế), sau đó tiến hành trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn - Quảng Trị vào ngày 19/3/1973. Sau khi trao trả, chú được tổ chức đưa về Sầm Sơn - Thanh Hóa tại Ban đón tiếp T72 Trung ương để an dưỡng, học tập và tăng gia sản xuất. Đến tháng 02/1975 chú được lệnh vượt đường Trường Sơn về Nam và đóng quân tại Trung ương cục miền Nam (Xóm Giữa, Lò Gò - Tây Ninh) vừa học tập, vừa tham gia chiến đấu.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 01/5/1975 chú được điều về làm Trung đội phó Trung đội Tuyên truyền xung phong quận Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 8/1975 về làm cán bộ kiểm tra Đảng thị xã Gò Công, tỉnh Gò Công. Sau đó thành lập thị trấn Gò Công (lúc này không còn thị xã nữa) chú làm cán bộ kiểm tra kiêm Trưởng ban Sản xuất liên khu 11-12, khu 3, thị trấn Gò Công. Đến năm 1977, chú vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến năm 1979, do gia cảnh đơn chiết, ông nội của chú là cán bộ hưu trí, già yếu, bệnh tật thường xuyên, trong khi cha và các chú tham gia cách mạng đều đã hy sinh nên không ai phụng dưỡng, chú phải xin tổ chức cho nghỉ ở nhà một năm để phụng dưỡng chăm sóc ông nội. Năm 1981, ông nội của chú mất, chú tiếp tục trở lại tham gia công tác, làm Phó Giám đốc Xí nghiệp bánh kẹo Gò Công. Năm 1984, Xí nghiệp bánh kẹo được sáp nhập vào Công ty dịch vụ ăn uống Gò Công, do đồng chí Đoàn Hồng Quân (Ba Hồng Quân) làm Giám đốc, sau đó lại tiếp tục sáp nhập vào Công ty thương nghiệp, chú được phân công giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức. Đến năm 1990 thành lập Đội Quản lý thị trường huyện Gò Công Đông, tổ chức điều chú về làm kiểm soát viên. Năm 1992 sáp nhập thành lập Đội Quản lý thị trường khu vực phía đông (từ Chợ Gạo trở xuống) chú tiếp tục làm kiểm soát viên, đến năm 1994 làm Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 cho đến đầu năm 2009 chú nghỉ hưu và hiện sinh sống tại phường Long Hưng, thành phố Gò Công.

Chú Thái Hồng Lý tham gia cách mạng từ sớm, bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc và đã trực tiếp được chứng kiến những tội ác tàn bạo của kẻ thù đối với những người chiến sĩ cách mạng yêu nước, những tấm gương kiên cường bất khuất, dũng cảm đấu tranh trước họng súng của kẻ thù, nơi mà chú được các thế hệ cha anh đi trước hết lòng giáo dục, dìu dắt, truyền lửa cho tinh thần đấu tranh, yêu nước. Đó chính là những bài học thực tiễn sinh động, vô giá được đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ cha anh trong nhà tù về tinh thần chủ nghĩa yêu nước cách mạng, để chú luôn thấy bản thân mình được rắn rỏi và trưởng thành hơn, tự tin, mạnh mẽ và trách nhiệm hơn trong suốt chặng đường hơn 40 năm phục vụ cách mạng.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập240
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm217
  • Hôm nay73,535
  • Tháng hiện tại1,571,097
  • Tổng lượt truy cập42,367,076
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây