Những đóng góp nổi bật đồng chí Nguyễn Đắc Thắng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Gò Công

Thứ ba - 03/09/2024 01:07
Trong giai đoạn 1965-1975, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng đã có nhiều đóng góp nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trong đó có đấu tranh giải phóng Gò Công, nhất là phong trào đấu tranh cách mạng ở Gò Công, công tác chỉ huy quân sự trong kháng chiến và công tác lãnh đạo, chỉ đạo sau ngày 30/4/1975.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng tên khai sinh là Nguyễn Văn Tấn (10/12/1924-23/7/1983), bí danh Ba Gạo, sinh tại làng Mỹ Phong, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Tại đây, đồng chí đã tham gia lực lượng thanh niên Tiền phong vào tháng 8/1945, giữ chức Xã đoàn phó rồi Xã đoàn trưởng; kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào tháng 5/1949.

Lãnh đạo, chỉ đạo trong phong trào đấu tranh cách mạng

Với chức vụ Trưởng ban An ninh tỉnh (nay là Công an Tiền Giang) năm 1965, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc An ninh tỉnh được củng cố, bổ sung. Đồng thời, công tác phân công cán bộ được chỉnh đốn, các bộ phận điệp báo, bảo vệ chính trị được nâng chất. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chiến đấu trên địa bàn tỉnh, theo yêu cầu của An ninh Trung ương Cục miền Nam, đồng chí và Ban lãnh đạo an ninh tỉnh đã trích xuất, đưa về trên 02 đại đội an ninh vũ trang, góp phần xây dựng lực lượng này toàn Miền ngày càng lớn mạnh.

Đồng chí được Tỉnh ủy phân công về hoạt động ở Gò Công vào giữa năm 1966. Vào thời điểm này, phong trào cách mạng ở Gò Công bị địch đánh phá vô cùng ác liệt, đồng chí đã kiên trì bám chặt cơ sở, xây dựng mạng lưới an ninh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công tác chống phá bình định, mà địch đang ráo riết tiến hành ở địa bàn này.

Vào tháng 6/1968, để chỉ đạo sát và kịp thời chống lại những âm mưu đánh phá mới của địch, đồng chí đã cùng với số cán bộ chia ra của Mỹ Tho và của Khu tăng cường, Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Gò Công nhanh chóng thành lập, để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ở đây bước vào cuộc chiến đấu mới đầy khó khăn, ác liệt. Lúc bấy giờ, hai huyện Gò Công và Hòa Đồng được tách ra thành lập tỉnh Gò Công trực thuộc Khu ủy.

“Quyết đoán, quyết liệt, tài tình” chỉ huy quân sự trong kháng chiến

Với chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gò Công vào cuối năm 1969, sau đó, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng đã chủ trì nhiều hội nghị của Tỉnh ủy đề ra các phương châm, phương thức công tác phù hợp với từng vùng địa bàn. Theo đó, Tỉnh ủy chỉ đạo các Huyện ủy, chi bộ tổ chức bám trụ địa bàn; cán bộ, du kích bám trụ trong dân, xây dựng thế tiến công mới, sẵn sàng thực hiện các đợt tấn công theo kế hoạch hiệp đồng của cấp trên.

Giai đoạn 1971-1975, đồng chí đã chủ trì nhiều hội nghị quán triệt Chỉ thị 01-CT/71, Chỉ thị 13-CT/71 và Chỉ thị 01-CT/72 của Trung ương Cục miền Nam và Nghị quyết Khu ủy, trong đó quán triệt quyết tâm tiến công địch, chống phá bình định cho tất cả cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nòng cốt trong toàn tỉnh. Ngoài ra, còn học tập và thảo luận nghị quyết, chỉ thị mớicủa Trung ương Cục và của Khu ủy.

Nổi bật là mở lớp huấn luyện Võ Duy Linh để đào tạo chi ủy viên cho các chi bộ cơ sở, nhằm thực hiện phương châm bám đất, bám dân của Đảng. Đồng thời, chấn chỉnh lại bộ máy lãnh đạo, tổ chức thành 4 ban cán sự vùng và ban cán sự thị xã để đảm bảo tính gọn nhẹ, chỉ đạo cơ sở được sâu sát và kịp thời. Nhất là, nâng cao quyết tâm tiến công địch trên các mặt chính trị, quân sự, binh vận, kinh tế cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng trong tình hình mới. Nhờ vậy, phong trào cách mạng ở Gò Công phát triển thuận lợi và mạnh mẽ, tiêu biểu là Chiến thắng Đồng Sơn ngày 26 và 27/7/1972.

Đặc biệt, tại hội nghị mở rộng ngày 15/4/1975, ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo để quán triệt Chỉ thị của Trung ương Cục và của Khu ủy Khu 8 về xây dựng kế hoạch cho từng địa phương về tổng công kích, tổng khởi nghĩa, do đồng chí chủ trì và báo cáo tình hình phát triển của cách mạng, thời cơ chín muồi để giải phóng miền Nam. Đồng thời, nhấn mạnh đến nhiệm vụ tự lực giải phóng Gò Công và tiến hành theo phương châm tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiến tới xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng thực lực của lực lượng vũ trang tại chỗ và phát động Nhân dân nổi dậy khởi nghĩa với quyết tâm giành thắng lợi quyết định. Ngoài ra, hướng dẫn việc tiếp quản cơ sở vật chất của chính quyền Sài Gòn cho cơ sở. Lực lượng chủ lực tỉnh chịu trách nhiệm tiến công mục tiêu thị xã Gò Công và thị trấn Hòa Đồng; các ban cán sự tiến công đánh chiếm các thị trấn của các quận lỵ còn lại. Kết hợp công tác chính trị, binh vận để mở đợt phát động phong trào quần chúng, gia đình binh sĩ các xã, ấp nổi dậy cùng bộ đội, du kích bao vây, bức rút đồn bót, giải tán phòng vệ dân sự, tiến tới giải phóng xã. Lúc này, với chức trách Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí cùng vớiđồng chí Nguyễn Văn Sơn (Ba Sơn) - Tỉnh đội trưởng chịu trách nhiệm chỉ huy thống nhất trên toàn chiến trường Gò Công.

Nổi bật là vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, ngay sau khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện, tiểu khu trưởng Gò Công thông báo cho các chi khu tự giải tán, báo động giới nghiêm toàn thị xã để chỉ huy chúng dễ bề chạy trốn. Tình thế hết sức khẩn cấp, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng đã kịp thời ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và chính trị tiến thẳng vào chiếm các điểm then chốt của địch, nhanh chóng giải phóng quê hương. Đúng 15 giờ cùng ngày, quân giải phóng vào tiếp quản Dinh Quận trưởng; lực lượng ta đã kéo vào thị xã Gò Công, thị trấn Hòa Đồng, giải tán tề ngụy, tiếp quản nguyên vẹn Dinh Tỉnh trưởng, đài phát thanh, các cơ quan khác trong thị xã như: nhà máy đèn, nhà bưu điện, ngân hàng,… Đến 18 giờ cùng ngày tỉnh Gò Công cơ bản được giải phóng.

Xây dựng tỉnh Gò Công sau ngày 30/4/1975

Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, đồng chí cùng với tập thể Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gò Công ra sức lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Gò Công. Tháng 02/1976, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho hợp nhất, lấy tên là tỉnh Tiền Giang, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Luôn luôn thể hiện ý chí tiến công cách mạng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mưu trí, sáng tạo, năng động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Đắc Thắng đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng ở Gò Công được phát triển mạnh mẽ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Gò Công cùng với toàn miền, góp phần tạo nên chiến thắng ngày 30/4/1975. Qua đó, để lại trong lòng người dân Gò Công nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung lòng biết ơn và trân trọng những đóng góp to lớn của đồng chí, góp phần cho quê hương Tiền Giang khởi sắc như ngày hôm nay.

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập302
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm243
  • Hôm nay97,303
  • Tháng hiện tại1,874,315
  • Tổng lượt truy cập40,243,691
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây