Địa danh Đèn Đỏ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông

Thứ ba - 27/08/2024 23:52
Đèn Đỏ là một trong 11 ấp thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Phần lớn bà con nơi đây sống bằng nghề đi biển, đánh bắt thủy, hải sản. Vào thời điểm nước lớn, cùng với cảng cá Vàm Láng thì cảng cá Đèn Đỏ càng trở nên nhộn nhịp với hàng trăm lao động tấp nập đợi thuyền ghe về cặp bến để phân loại hải sản. Nghề biển truyền thống của ấp Đèn Đỏ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động đang ngày đêm vươn khơi bám biển.
Ấp văn hóa Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông
Ấp văn hóa Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông
Theo tác giả Việt Cúc trong “Gò Công cảnh cũ người xưa” thì “Thuở xưa, dân chài lưới phương xa tìm đến Đèn Đỏ vì ở nơi đây, họ chọn được con rạch nhỏ và cạn, đem thuyền vào đậu, mỗi ngày chày lưới được nhiều tôm cá. Về sau, lần hồi đến ở, gom lại 5-7 nóc gia, cất một bên Rạch Cùng, chung quanh đều là rừng hoang, họ chỉ giao thương, buôn bán tôm cá với Cần Giờ. Nay rạch ấy đã cạn dần trở thành cồn cát”.

Ngọn hải đăng bên sông cửa Tiểu

Cái tên ấp Đèn Đỏ có từ bao giờ và tại sao lại gọi như vậy thì dân ở đây cũng không còn nhớ nổi về gốc tích. Theo các vị cao niên ở đây thì ngày trước Cửa Tiểu hẹp hơn bây giờ. Để định vị cho tàu thuyền, người ta đã phải làm một cột hải đăng ở bờ bắc, thuộc ấp Đèn Đỏ xã Tân Thành. Hải đăng được dựng trên trụ sắt vững chãi cao cả chục thước, tâm sáng hơn hai chục mét, tháp tròn màu trắng. Hải đăng độc lập giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Cửa Tiểu định hướng ra vào và xác định vị trí của mình. Nhưng do sau này bị sạt lở đã đổ sụp xuống biển. Từ mé bờ bây giờ ra đến trụ đèn ấy cũng tầm nửa cây số. Tuy ngày nay, trụ đèn đỏ không còn, cả một khu vực rộng lớn bờ bắc Cửa Tiểu, thuộc hai ấp Tân Phú, Cầu Muống (xã Tân Thành) cũng đang bị sạt lở nặng, làm biến dạng cả một đoạn bờ biển hơn 3km, có nơi tiến sát vào đê ngăn mặn cho cả vùng Gò Công nhưng địa danh Đèn Đỏ vẫn được truyền lưu khi nó trở thành tên hành chính quy tụ nhiều ngư dân làm nghề biển khắp nơi tìm về.

Xóm đêm đỏ rực ánh đèn dầu

Nghề đánh bắt thủy hải sản của ngư dân ấp Đèn Đỏ thịnh nhất cách nay khoảng chục năm, lúc đó nguồn tôm cá khá dồi dào khiến nhiều gia đình ở xứ biển này khấm khá, nhiều hộ trở nên giàu có. Theo những ngư dân đi biển, có thời điểm liên tục thuyền ghe ở ấp Đèn Đỏ đã trúng mùa cá đối. Nhất là có ngày nào thả trúng luồng cá chạy thì càng bắt được nhiều cá khiến thương lái từ khắp nơi kéo đến thu mua tận bờ biển. Sau những chuyến biển, ghe tàu cập bến lên hàng, bên cạnh công việc tân trang lại phương tiện đánh bắt, sửa chữa lại ngư cụ thì chủ ghe cần những người thợ vá lưới gấp để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Thường thì người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc này, họ xem đây như là cái nghiệp bởi vì người đàn ông quanh năm bám biển, nên họ được ví như “tiền tuyến”, còn “hậu phương” là những người phụ nữ chuyên cần làm nên những tấm lưới và công việc vá lưới. Những năm trước đây, khi chưa có điện, tại đây đã có lúc người ta thắp đèn dầu đỏ rực một vùng quê biển để lấy ánh sáng vá lưới và cân đong, phân loại cá tôm mỗi khi tàu thuyền cập bến. Có lẽ như vậy nên cái tên ấp Đèn Đỏ cũng được định danh đến tận bây giờ.

Đặc sản ven biển đất Gò Công

Cũng theo tác giả Việt Cúc thì trong quá trình giao thương buôn bán với Cần Giờ, người dân Đèn Đỏ đã lấy những hạt dưa về trồng những giồng cát lấp pha ít phù sa cùng với nguồn phân cá dồi dào, phong phú của vùng quê biển đã tạo ra 02 đặc sản nổi tiếng vùng Gò Công, đó là mãng cầu tròn và dưa hấu, mà dân gian hay gọi “dưa cồn Đèn Đỏ”. Với đặc tính ngon ngọt, lớp vỏ ngoài xanh, mỏng, bóng mướt, ruột đỏ bên trong, ít hạt và nhất là có "cát" nên trông rất hấp dẫn. Có lẽ trồng trên đất cát ven biển, hấp thụ mạch nước ngầm và hơi biển mặn mòi nên dưa hấu “dưa cồn Đèn Đỏ” có vị ngọt mặn. Dưa ở đây nổi tiếng hơn dưa ở các địa phương khác bởi vì nhiều người cho rằng chất đất ở Gò Công có chứa nhiều phân lân (kali) đã tạo cho dưa Gò Công có ruột đỏ, ngon, giòn và ngọt. Nếm miếng dưa hấu Đèn Đỏ, có cảm giác như răng chưa kịp chạm thì dưa hấu đã tan quyện cùng vị ngọt thanh, vị mằn mặn với những "hạt cát dưa" lăn tăn trong miệng, chính hương vị ấy đã làm nên thương hiệu cho dưa hấu xứ này.

Lê Hồng Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập893
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm863
  • Hôm nay60,448
  • Tháng hiện tại1,193,095
  • Tổng lượt truy cập34,778,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây