“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, rèn luyện và giao tiếp, ứng xử của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Đồng thời là những phẩm chất không thể thiếu của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an; là nhân tố quyết định để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Có thể khẳng định, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là một chỉnh thể thống nhất, hàm chứa những giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân văn cao quý, thể hiện sự nhất quán giữa lời nói và việc làm trong giao tiếp, ứng xử; giữa giáo dục đạo đức và tự mình nêu gương thực hành, mãi mãi là di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. “Tư cách người Công an cách mệnh” thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động, nhất là trong giao tiếp, ứng xử của người cán bộ Công an; là chuẩn mực đạo đức, lối sống, là tiêu chí phấn đấu, rèn luyện, phương châm hành động, biện pháp công tác của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Đồng thời, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã khái quát hình mẫu người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân với những phẩm chất cao quý: có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn; sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui lẽ sống của mình. Đó chính là động lực, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để mỗi cán bộ, chiến sĩ dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Sáu điều Bác Hồ dạy đã trở thành lời huấn thị chung, là di sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với toàn lực lượng và mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, đồng thời, là mong muốn thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam.
Ngay từ năm 1948, toàn văn bức thư của Người đã được đăng trên các số báo của Nha Công an Trung ương. Ngày 19/5/1948, tại Rừng Thông, Đông Sơn - nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ty Công an Thanh Hóa đã tổ chức cắm trại, mở đợt sinh hoạt chính trị tổng kiểm thảo theo Sáu điều Bác Hồ dạy. Từ đây, phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đã hình thành và phát triển sâu rộng trong toàn quốc, là nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và trong giao tiếp, ứng xử của người cán bộ Công an.
Sáu điều Bác Hồ dạy góp phần xây dựng, củng cố và khẳng định bản chất chính trị của Công an nhân dân Việt Nam: Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; “công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn: Sách bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở và một số nghiệp vụ Công an xã, phường, thị trấn của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.