Bước vào thời kỳ đổi mới, hơn 35 năm qua, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà báo luôn bám sát thực tiễn sinh động, xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.
Báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Báo chí góp công lớn trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới; đóng góp tích cực vào việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời là cầu nối quan trọng giúp bạn đọc trong nước hiểu biết nhiều hơn về tình hình khu vực và thế giới.
Những năm qua, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng. Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người.
Nội dung thông tin ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả, hình thức ngày càng sinh động, hấp dẫn. Với thế hệ nhà báo trẻ được đào tạo hệ thống, cơ bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, ngoại ngữ tốt, báo chí nước ta đã chủ động bắt kịp xu thế phát triển đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới. Các thiết bị và công nghệ làm báo tiên tiến trên thế giới đều sớm có mặt tại nhiều cơ quan báo chí Việt Nam, nhất là lĩnh vực truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Trong bối cảnh khó khăn chung của báo in, nhiều tờ báo đã tự trang trải được chi phí, một số cơ quan báo chí có lãi, đầu tư tăng cường thiết bị, công nghệ, góp phần nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại cho phóng viên.
- Về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ của báo chí:
Hiện nay ở nước ta, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyền đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (Al), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại, như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), VOV, VTV hay VnExpress, Zing...
Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Thanh Hóa... Tuy nhiên, số lượng những đơn vị thực sự ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, phát hành trên cả nước vẫn còn khá khiêm tốn.
Hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra trong các nhiệm vụ trọng tâm “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
- Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”:
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
+ Chiến lược phấn đấu đến năm 2025: 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 50% cơ quan bảo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng tri tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên. 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí. 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên. Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.
+ Mục tiêu đến năm 2030:
100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
+ Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; Phát triển các sản phẩm báo chí số; Phát triển nền tảng số; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.
Nguồn Thông tin công tác Tuyên giáo, Bản tin của Ban Tuyên giáo Trung ương.