Trong năm qua, Ban Vận động các cấp tiếp tục phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện cùng với các đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân cấp phát hơn 2.500 tờ rơi, tờ bướm về mục đích, ý nghĩa thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức trên 200 cuộc tuyên truyền cho gần 13.000 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham dự, qua đó thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất tại Việt Nam; đồng thời kết hợp tuyên truyền phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc huyện còn gắn việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Ban vận động cấp xã, thị trấn tổ chức tổ chức cho hơn 35 doanh nghiệp đưa hàng Việt về các chợ nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; duy trì 12 chợ ở các xã trên địa bàn huyện bán trên 85% hàng Việt.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Công Tây đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển; phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể góp phần giới thiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Toàn huyện đã có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: nước đông trùng hạ thảo, các dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công Ty Thiên Ân; nhãn hiệu hàng hóa các loại gạo, nếp của Công Ty Vinh Hiển, tinh dầu sả, Mắm ruốc Bà Hai Diễm, bánh quy dừa Xuân Phúc, Rượu Thuốc Nông Việt… Hiện UBND huyện đã phối hợp cùng Sở Khoa học Công nghệ xây dựng và ra mắt được nhãn hiệu tập thể cho gạo VD20 Gò Công và nhãn hiệu tập thể cho cây mai chiếu thủy nu Gò Công. Bước đầu cho thấy tính hiệu quả của nhãn hiệu tập thể nhất là trong mở rộng thị trường xuất khẩu cây mai nu chiếu thủy … mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân huyện Gò Công Tây. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cũng đã đẩy mạnh việc sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ như: sản xuất rau trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới tại ấp Bình Hòa Đông - xã Bình Nhì, mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Bình Tân, sản xuất lúa ST24 tại xã Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Thành Công,... Các hợp tác xã trên địa bàn huyện như: Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Thạnh Hưng, HTX nông nghiệp Hòa Thạnh, HTX nông nghiệp Phú Quới,…. tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm rau an toàn, rau VietGap, nhờ đó mà thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau ngày càng được mở rộng từ các bếp ăn tập thể đến các siêu thị như: Mega Market, Bách hóa xanh,….
Thời gian qua, từ nguồn vốn ngân sách của huyện và tỉnh, huyện Gò Công Tây xây dựng mới, nâng cấp thêm 4 chợ truyền thống. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Gò Công Tây hiện có 26 chợ gồm 02 chợ thị trấn và 24 chợ ở xã, hình thành 01 trung tâm mua sắm các mặt hàng điện tử, điện gia dụng và 06 cửa hàng tiện ích đã góp phần làm phong phú thụ trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng ngày càng nâng cao của nhân dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được các ngành chức năng và các địa phương hết sức quan tâm. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phối hợp với Đội quản lý thị trường số 4, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và các xã, thị trấn đã kiểm tra, phát hiện xử lý các vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa,…, từ đó làm tăng lòng tin của nhân dân đối với các sản phẩm hàng Việt Nam. Trong năm 2023, ngành chức năng huyện Gò Công Tây tổ chức Hội Chợ kích cầu hàng tiêu dùng Việt Nam tại Sân vận động huyện với hàng trăm sản phẩm hàng hóa, tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồ gỗ, các giống cây trồng, các sản phẩm OCOP của huyện, các sản phẩm mai nu chiếu thủy kiểng cố, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng mà qua đó còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện cuộc vận động thật sự thiết thực và hiệu quả trên địa bàn huyện, các ngành chức năng huyện Gò Công Tây tăng cường công tác kiểm tra chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ưu tiên chọn mua, sử dụng hàng Việt, góp phần vào việc quảng bá chất lượng, thương hiệu hàng Việt Nam, để hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng đứng vững trên thị trường.