Trên cơ sở quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã; Chương trình 30-CTr/TU, ngày 28/10/2022 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Quyết định số 2848/QĐ-UBND, ngày 11/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021-2025. Với tinh thần trên, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ mọi mặt của hợp tác xã từ chủ trương đến chế độ, chính sách ưu đãi giúp các hợp tác xã phát triển ổn định, bền vững, đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ,...
Lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản: các hợp tác xã từng bước đổi mới việc quản lý và điều hành trong sản xuất kinh doanh, đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, mở thêm ngành nghề mới,... qua đó, giúp tăng năng suất, sản lượng và giá thành. Cụ thể: sản lượng lúa thu hoạch đạt 7-7,2 tấn/ha, giá bán được bao tiêu đạt từ 7.000 -8.500 đồng/kg, cao hơn thị trường 600-900 đồng/kg, nông dân lãi từ 35-40 triệu đồng/ha; sản xuất rau an toàn gần 5.000 tấn cung cấp cho các siêu thị, chợ, bếp ăn,...; sản xuất trên 3.500 tấn trái cây đặc sản các loại cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận; chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt gia súc, gia cầm sạch cho thị trường trên 5.000 con bò, heo đạt doanh thu trên 1,72 tỷ đồng, hơn 4.500 con gà đạt doanh thu trên 2,1 tỷ đồng.
Lĩnh vực Tiểu thủ công nghiệp: chủ yếu là chế biến, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đan lát lục bình, thảm cói và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác. Hiện có 5 hợp tác xã sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu, nổi bật là hợp tác xã Quang Minh sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, doanh thu ước đạt gần 50 tỷ đồng.
Lĩnh vực Thương mại dịch vụ: toàn tỉnh có 7 hợp tác xã đều kinh doanh có hiệu quả, không ngừng mở rộng thị trường mới phục vụ người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chỉ tính riêng trong quý I, doanh thu của hợp tác xã thương mại dịch vụ Phường 1, thành phố Mỹ Tho ước đạt gần 225 tỷ đồng.
Lĩnh vực Vận tải: toàn tỉnh có 38 hợp tác xã vận tải hoạt động ổn định, quản lý hơn 98% phương tiện vận tải của tỉnh phục vụ tối đa nhu cầu vận chuyển, luân chuyển hành khách, hành hóa của người dân. Bên cạnh đó, các hợp tác xã còn tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng,... mang lại lợi nhuận cho thành viên ước đạt gần 25 tỷ đồng.
Lĩnh vực Tín dụng: toàn tỉnh có 16 quỹ tín dụng nhân dân, tổng vốn hoạt động ước đạt hơn 1.399 tỷ đồng, vốn huy động ước đạt trên 1.593 tỷ đồng, nợ quá hạn chung dưới 0,3% trên tổng dư nợ cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hơn 1.100 thành viên.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, cần chú trọng tham mưu thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh và trình độ khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; xây dụng mô hình liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị để tăng giá trị hàng hóa cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm,...