Hệ thống các cơ sở đào tạo được quy hoạch, sắp xếp kịp thời, phát huy hiệu quả hoạt động, khắc phục được tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực xã hội. Toàn tỉnh hiện có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường đại học, 03 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp chuyên nghiệp, 02 trường trung cấp nghề, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 02 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, 09 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trong đó, có 6 doanh nghiệp) với cơ cấu nghề đào tạo đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã áp dụng quản lý tiêu chuẩn chất lượng trong đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra. Trường Đại học Tiền Giang được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2022, giai đoạn 2023 - 2028, được xếp hạng 91 trong 100 trường đại học tốp đầu tại Việt Nam (theo bảng xếp hạng giáo dục đại học Việt Nam của VNUR). Có 05 trường cao đẳng, trung cấp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 13 nghề trọng điểm, trong đó có 10 nghề cấp quốc gia và 03 nghề cấp ASEAN. 03 trường được công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ, Cao đẳng Y tế Tiền Giang, Cao đẳng Tiền Giang.
Quy mô tuyển sinh hằng năm từ 3.000 - 4.000 học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng, từ 8.500 - 9.000 học viên trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng. 122.300 học sinh, sinh viên, học viên được tuyển sinh, đào tạo, gồm 12.403 sinh viên cao đẳng, 19.992 học sinh trung cấp và 89.905 học viên trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó, 37.152 người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. Trên 87% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm; học viên trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng có việc làm trên 94%. Từ năm 2014 đến nay, trường Đại học Tiền Giang tuyển sinh hơn 14 ngàn sinh viên với nhiều trình độ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng hàng năm, từ 42,2% của năm 2014, tăng lên 54% vào năm 2023, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 13,03% năm 2014, tăng lên 22% năm 2023.
Chủ trương xã hội hóa được quan tâm, đẩy mạnh tạo sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển giáo dục và đào tạo, theo Nghị quyết 101/2014/NQ-HĐND, ngày 12-12-2014, Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND, ngày 08-12-2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định 19/2015/QĐ-UBND, ngày 01-6-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Để công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 04-5-2023 của Ban Bí thư và Chương trình 57-CTr/TU, ngày 21-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 04-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.