Tập trung nguồn lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thứ tư - 31/05/2023 21:17
Huyện Gò Công Đông nằm ở vị trí chịu ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai (bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn…). Dưới tác động của biến đổi khí hậu, huyện phải đối mặt với nhiều tác động của thiên tai và các tình trạng thời tiết cực đoan. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng, mở rộng đô thị, huyện sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động này nếu không tính đến các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Chính vì vậy, trong những năm qua, huyện Gò Công Đông đã chú trọng và sớm triển khai nhiều mục tiêu, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đê biển Gò Công - Pháo đài phòng, chống thiên tai, bảo vệ vùng ngọt hóa.
Đê biển Gò Công - Pháo đài phòng, chống thiên tai, bảo vệ vùng ngọt hóa.
Gò Công Đông trước đây là vùng ngập mặn, hàng năm nước triều mặn của biển xâm nhập suốt 6 tháng nắng, còn 6 tháng mùa mưa, nước ngọt có năm về sớm, có năm về muộn, luôn gây bất lợi cho sản xuất và dân sinh. Chính từ điều kiện tự nhiên đó, vùng Gò Công trước khi thực hiện chương trình ngọt hóa sản xuất nông nghiệp chỉ độc canh cây lúa, năng suất thấp, một phần diện tích nhiễm mặn thường xuyên không sản xuất được, các tiểu vùng ven sông, biển, sản xuất nông nghiệp không đảm bảo lương thực cho nhân dân. Trước thực trạng trên, để bảo vệ sản xuất, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, cải thiện từng bước đời sống của người dân trong khu vực này nên dự án ngọt hóa Gò Công ra đời và hình thành trên diện tích 54.000 ha (Gò Công Đông có 26.768,17 ha).

Do địa hình giáp biển, trũng thấp, chịu trực tiếp triều của Biển Đông, hàng năm thiên tai thường xảy ra: bão, lốc xoáy, hạn hán, triều cường... Mùa mưa lại trùng với mùa bão nên gây ra những tổn thất nặng nề về tài sản và tính mạng của nhân dân. Theo tài liệu lưu trữ, bão thường xuất hiện vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 hoặc vào đầu mùa mưa. Trong số các cơn bão đổ bộ vào Đồng bằng sông Cửu Long trong thế kỷ 20, có 2 cơn gây thiệt hại lớn nhất là bão Năm Thìn (ngày 01/5/1904) kèm theo nước biển dâng cao khoảng 3m, làm 5.000 người thiệt mạng; bão số 5 (Linda) đổ bộ vào Cà Mau (02/01/1997). Mười năm đầu thế kỷ 21 đã xuất hiện bão số 9 (Durian) năm 2006 đổ bộ vào Gò Công đã làm thiệt hại về nhà ở: 9.440 ngôi nhà, 14 tàu bị chìm, 02 người chết, 02 người mất tích và 11 người bị thương…thiệt hại về nông nghiệp và cơ sở hạ tầng thiết yếu ước giá trị thiệt hại: 419,4 tỉ đồng. Những năm gần đây cứ vào thời điểm giao mùa đều có xảy ra mưa dông, lốc xoáy làm sập và tốc mái nhiều nhà ở, làm thiệt hại tài sản của người dân trong vùng, đòi hỏi phải tập trung mọi nguồn lực khắc phục trong thời gian dài để ổn định cuộc sống người dân.

Tác động của biến đổi khí hậu đã có từ lâu, nhưng từ sau những năm 2000 đã có dấu hiệu và biểu hiện ngày càng rõ nét hơn đã tác động đến tất cả các lĩnh vực, nhất là các ngành phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nhiệt độ những năm gần đây đã tăng trung bình 0,20C - 0,50C so với những năm đầu thế kỷ 21; lượng mưa trung bình năm diễn biến thất thường, có xu hướng giảm vào đầu mùa mưa, tăng ở cuối mùa đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mực nước biển dâng cao hơn, xâm nhập mặn ngày càng nhiều và đi sâu vào đất liền sẽ gây thiếu nước cho sản xuất vụ đông xuân.

Tình trạng khô hạn trong mùa khô các năm 1998, 1999, 2003, 2010, 2012, 2016, 2019 do kết thúc mưa sớm, nắng nóng kéo dài, không khí khô hanh, lượng mưa đầu mùa và cuối mùa rất ít hơn trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập sâu và kéo dài, mực nước kênh mương trong hệ thống ngọt hóa xuống thấp, các kênh nội đồng cạn kiệt, gây nên tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; gây thiệt hại nhiều về kinh tế vùng nông thôn. Tuy nhiên do huyện Gò Công Đông là huyện cuối nguồn của dự án ngọt hóa nên vào thời điểm cuối vụ Đông xuân thường thiếu nước và chất lượng nước xấu ở các xã Phước Trung, Tăng Hòa, Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước, thị trấn Vàm Láng, Tân Phước và Gia Thuận.

Diện tích rừng năm 2006 là 1.024 ha, hiện nay diện tích rừng kể cả trồng mới còn 463 ha, nguyên nhân là do chuyển đổi mục đích sử dụng và biển xâm thực. Diện tích rừng chủ yếu là rừng phòng hộ xung yếu ven biển, với đai rừng mỏng cặp ven biển và cửa sông, luôn chịu tác động xâm thực trực tiếp của sóng biển. Qua điều tra mới, nhất diện tích rừng bị biển xâm thực từ năm 2006 đến nay mất khoảng 500 ha. Đai rừng ven biển bị xâm thực hằng năm bình quân từ 8 - 10 m, nhiều khu vực ven biển bị xâm thực trên 40m vào đất liền làm sụp đổ nhiều nhà dân ở xã Tân Thành.

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới, huyện Gò Công Đông đề ra một số nhiệm vụ cụ thể:

- Về ứng phó với biến đổi khí hậu

Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hàng năm, có kịch bản diễn tập ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.

Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước... Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp, nhất là các địa phương ven biển, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai.

Nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh. Phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Củng cố và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước của các đô thị, nhất là vùng ven biển.

Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã. Rà soát, bổ sung điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương phù hợp với kịch bản nước biển dâng. Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Về quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, hệ sinh thái:

Tiếp tục kiện toàn hệ thống văn bản về quản lý tài nguyên trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục rà soát, điều tra cơ bản và lập quy hoạch các nguồn tài nguyên liên quan để quản lý, khai thác hợp lý.

- Về bảo vệ môi trường:

Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường đối với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý nước thải. Tập trung xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại. Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của Nhân dân. Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đánh giá đầy đủ thiệt hại do ô nhiễm môi trường và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gây ra. Tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng.

Dương Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập317
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm281
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,665,827
  • Tổng lượt truy cập40,035,203
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây