Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Thứ sáu - 15/04/2022 05:29
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Thấm nhuần quan điểm đó, trong quá trình lãnh đạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và xác định đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng và chế độ; là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng; là lực đẩy đánh thức tiềm năng, sáng tạo, năng lực đội ngũ cán bộ có vai trò đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ, mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ. Người đã nêu lên hệ thống các quan điểm, tư tưởng toàn diện, sâu sắc về công tác cán bộ, từ khâu đánh giá, sử dụng, huấn luyện cán bộ...

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn biết cán bộ trước hết phải biết mình, mà biết mình là không phải dễ. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Người chỉ rõ, xem xét cán bộ không phải chỉ xem xét ngoài mặt mà còn phải xem xét tính chất của họ. Không xem xét một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Trong xem xét cán bộ, người ta thường phạm những chứng bênh: Tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu ghét của mình mà đối với người; đem một khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phạm phải một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề sử dụng cán bộ là một nội dung căn bản của khoa học và nghệ thuật trong công tác cán bộ của Đảng. Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt trong việc sử dụng cán bộ là phải biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu nguyên tắc căn bản mà Đảng của giai cấp công nhân cần quán triệt trong dùng cán bộ, đó là: phải hiểu biết rõ cán bộ; phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; phải khéo dùng cán bộ, "dụng nhân như dụng mộc"; phải phân phối cán bộ cho đúng; phải giúp cán bộ cho đúng để họ có điều kiện, cơ hội phát huy hết khả năng, điều kiện thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; phải thương yêu, giữ gìn, bảo vệ cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu ra năm phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ: Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ. Thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp cho họ sửa chữa. Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật dùng cán bộ rất quan trọng. Người chỉ rõ: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ". Người nhấn mạnh ba điểm quan trọng trong công tác cán bộ: Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, chính kiến của mình.  Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan nhận và chịu trách nhiệm của mình. Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Người chỉ rõ, cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp nhưng phải làm cho đúng. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem những người không có năng lực, chỉ biết nói mà không biết làm vào những vị trí lãnh đạo. Như thế rất có hại, cất nhắc cán bộ phải căn cứ vào công tác, tài năng và cất nhắc cán bộ đúng làm cho các đồng chí khác thêm hăng hái, như vậy công việc sẽ được hoàn thành tốt. Trong quá trình cất nhắc cán bộ còn phải xem xét cách nói, cách viết, cách sinh hoạt của họ xem có đúng với việc làm hàng ngày hay không, xem xét họ trong mối quan hệ với mọi người, với đồng chí, đánh giá đúng ưu điểm và khuyết điểm của họ, xét cả quá trình công tác cống hiến của họ. Người lưu ý: Cất nhắc cán bộ không nên làm như "giã gạo". Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Một cán bộ khi bị nhấc lên, thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc. Mà sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên răn họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ.

Trong di sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, tư tưởng về đào tạo và huấn luyện cán bộ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Người đã chỉ ra: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học. Cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, địa phương và cơ sở... Huấn luyện cán bộ cũng phải có nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác cán bộ thật sự là một trong những viên ngọc quý, là cẩm nang thần kỳ, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Học tập  và làm theo Bác, cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch dài hạn trong công tác cán bộ, khắc phục triệt để tình trạng hụt hẫng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực cán bộ và bố trí sử dụng cán bộ. Trong bố trí sử dụng cán bộ phải đúng người đúng việc, tùy tài mà dùng người. Khắc ghi lời dạy của Bác: "Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình". Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải có tâm trong sáng trong công tác cán bộ, phải có gan cất nhắc cán bộ. Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Nhất thiết việc tuyển chọn và sử dụng người hiền tài cần nắm chắc các nguyên tắc như: Phải coi sự nghiệp là góc, nhân tài là trọng; chí công vô tư chỉ dùng người hiền tài; coi trọng cả tài và đức, lấy đức làm gốc; phát huy sở trường, hạn chế sở đoản, tận dụng tài năng; chức vụ phải tương xứng với năng lực; dùng người chớ nghi, nghi người chớ dùng; rộng rãi, độ lượng, khoang dung, đoàn kết; bồi dưỡng giáo dục cán bộ kế cận; khích lệ, yêu mến, bảo vệ, thưởng phạt phân minh và đánh giá tổng hợp. Quy chung lại, người lãnh đạo có thể nhận biết, phân loại cán bộ một cách chính xác hay không phụ thuộc vào trình độ và tầm tư tưởng của người lãnh đạo.

Hà Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập222
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,642,560
  • Tổng lượt truy cập40,011,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây