Cô Huỳnh Thị Kim Loan - Hành trình nuôi dưỡng những ước mơ

Thứ hai - 01/02/2021 20:57
Cuộc sống quanh ta có những con người rất bình dị nhưng lại khiến nhiều người khác phải ngưỡng mộ khi nhắc đến, đó là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Người mà tôi muốn nhắc đến là chị Huỳnh Thị Kim Loan, sinh năm 1972, hiện chị đang công tác tại UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. Tôi rất khâm phục chị bởi sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái.

Cô Huỳnh Thị Kim Loan - Hành trình nuôi dưỡng những ước mơ
Không ngừng nuôi dưỡng ước mơ

Trước mặt tôi là một người phụ nữ có dáng dấp nhỏ bé và gương mặt toát lên vẻ phúc hậu, hiểu biết. Đôi mắt luôn ánh lên tia nhìn ấm áp, vui tươi. Vẻ ưa nhìn của chị dễ làm người đối diện có thiện cảm. Sinh ra trong một gia đình nông dân có 6 anh chị em, vì hoàn cảnh khó khăn nên học hết cấp 2, chị chấp nhận nghỉ học phụ giúp gia đình để cho các em có điều kiện học tiếp. Dù không đến trường nhưng trong thâm tâm chị vẫn tin rằng, một ngày nào đó mình sẽ hoàn thành chương trình đại học. Nhưng việc trước mắt, chị Loan vừa phụ gia đình vùa làm công tác Đoàn Thanh niên ở UBND xã Tân Bình. Nhớ lại thời gian tham gia công tác Đoàn, chị tâm sự: “Có những lần vào đợt cao điểm, lặn lội xuống các ấp ngày đó, đường sá khó khăn, trời nắng chang chang, gió từ bờ sông thổi mát rượi như động viên “Hãy cố lên! Đừng nản lòng!”. Trong những năm tham gia sinh hoạt Đoàn, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và liên tục được nhận bằng khen của Tỉnh đoàn. Trong thời gian đó, chị tranh thủ đăng ký học lớp bổ túc văn hóa của huyện Cai Lậy và tốt nghiệp năm 2004.

Không có gì là không thể, nuôi dưỡng ước mơ và không ngừng cố gắng thì sẽ làm được điều mình muốn; đó chính là nghị lực trong vóc dáng nhỏ nhắn của chị Loan. Sau khi lập gia đình, chị đắn đo suy nghĩ và quyết định chuyển công tác. Được người quen giới thiệu, chị vào làm hộ lý tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy. Tại đây, chị làm việc chăm chỉ, gương mẫu trong phong trào của cơ quan và tiếp tục  nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng của mình. Với ý chí vươn lên, cô gái trẻ Huỳnh Thị Kim Loan vừa làm vừa học Đại học Luật từ xa để thỏa nỗi khát khao từ nhỏ của mình. Rồi ngày tháng trôi nhanh, bao nhiêu nhọc nhằn năm tháng của chị đã được đền bù xứng đáng bằng tấm bằng tốt nghiệp năm 2013. Trong suốt những năm làm việc tại bệnh viện, chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận nhiều danh hiệu cao quý: nhiều gấy khen bằng khen của Sở Y tế Tiền Giang, giấy khen của lãnh đạo đơn vị, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2010, chị vinh dự nhận kỉ niệm chương vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn.

Với tấm bằng ĐH Luật trong tay, năm 2014, chị Loan chuyển về Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước. Chân ướt chân ráo vào nghề, chị kiên trì học hỏi từng chút một. Với phương châm khi làm việc gì cũng tâm huyết, và sự tận tâm trong công việc, chị Loan nhanh chóng bắt nhịp và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tại đây, chị được người dân yêu mến bởi sự tận tụy với nghề, lòng nhiệt thành, cùng sự hòa đồng vui vẻ trong công việc.

Từ giữa năm 2016, do điều kiện gia đình, chị chuyển công tác về làm văn phòng thống kê ở UBND xã Tam Bình. Tại đây, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chị xúc động nói: “Trở thành đảng viên là vinh dự, tự hào nhưng trên hết tôi thấy mình cần phải sống, học tập có trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của Chi bộ, của lãnh đạo”.
Trong hơn hai năm công tác tại đây, chị luôn là người đi đầu trong các phong trào của cơ quan, đoàn thể. Chị Loan là một công đoàn viên ưu tú, luôn tham gia các phong trào. Chị được nhận bằng khen của Tỉnh ủy về thành tích xuất sắc qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng. Nó về chị Loan, Ông Đặng Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Bình không giấu được niềm hãnh diện về chị: “Đồng chí Loan luôn là người siêng năng và luôn gần gũi với đồng nghiệp, kể cả khi tiếp dân. Từ một người không biết rành về công nghệ thông tin nhưng tự mình học hỏi và đem về giải cao chuyên đề về ứng dụng CNTT được đánh giá cao. Không chỉ vậy, hồ sơ sổ sách đồng chí Loan đều quản lý hệ thống rõ ràng, khi cần là có ngay. Điều đặc biệt ở đồng chí Loan là việc nào phải xong việc đó và làm việc bằng cả tâm huyết; được đồng nghiệp yêu mến nể phục và người dân ở đây rất hài lòng”. Với chị, khi bắt đầu làm việc gì, thì chị phải hoàn thành nhiệm vụ, chị rất tâm huyết với nghề. Chị nói rằng, chị lãnh lương là tiền của dân nên chị phải làm tốt công việc của mình, tất cả vì “bà con” của mình.

Những trăn trở...

Trong những năm tháng làm việc, đi lại nhiều nơi, Chị Loan cảm nhận được có sự bấp bênh trong cuộc sống của người dân. Chị đã nhận ra một thực tế có thật là bên cạnh những gia đình sống no đủ, vẫn còn người sống quá nghèo hoặc không may mắn trong cuộc sống. Chị bảo “trên đời này nhiều người giàu thật, nhưng người nghèo khổ cũng không kém. Khi đi đường, thấy người khó khăn chị không kiềm lòng được; lương tâm thôi thúc chị phải làm gì đó cho họ. Giúp được người nghèo, nhìn họ vui mình cũng tự khắc vui theo.”

Hơn nữa gia đình chị cũng có “thói quen” đó. Tôi hỏi “thói quen”? Chị đáp “Mẹ chị ngày trước có gầy dựng nhóm từ thiện cùng với sư cô Nhuận Lộc - hiện cô ở Hội Từ Thiện xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy và chị em trong nhà phụ mẹ. Tuy là phạm vi nhỏ, chủ yếu giúp người nghèo khó trong xóm rồi ở chùa. Nhưng chị thấy rất vui và ý nghĩa, nhìn họ nhận quà mà mình không kiềm được nước mắt”. Bây giờ, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chị hay phụ sư cô làm từ thiện. Khi thì đi theo hướng dẫn người già mổ mắt cườm từ thiện ở Sài Gòn; lúc thì phát quà cho người nghèo. Đặc biệt, chị còn đi khảo sát cảnh khó khăn và theo dõi thi công, trao nhà tình thương cho những người cơ nhỡ, khó khăn. Được biết, kinh phí trên là do Hội Từ Thiện vận động cùng sự tài trợ mỗi năm của một sư cô bên Úc, mỗi năm 10 căn nhà, mỗi căn khoảng 35 triệu đồng và vận động thêm. Những ngày cuối tuần, nếu không đi làm từ thiện với sư cô thì chị đi nhặt bưởi non để chở vào Tân Phước cho một người thầy chuyên thuốc nam. Đối với chị không có ngày nghỉ nào trọn vẹn, nhưng chị lấy công việc làm vui.

Chú Phạm Văn Chưởng, sinh năm 1947, ở Nhị Quí, TX Cai Lậy rất mừng khi được tham gia mổ mắt từ thiện. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ chị mà giờ mắt sáng. Và hoàn cành của gia đình anh Trần Văn Chí cũng vậy. Trước đây gia đình anh đông con rất khó khăn phải đi làm thuê sinh sống, không có nhà ở. Nhờ sự vận động của chị Loan mà gia đình anh có nơi che mưa che nắng. Ngôi nhà tình thương được cất lên, đó là động lực để vợ chồng anh nuôi con và làm ăn. Giờ đây gia đình anh đã thoát được cảnh nghèo khó.

Kim Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập356
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm328
  • Hôm nay97,303
  • Tháng hiện tại1,883,210
  • Tổng lượt truy cập40,252,586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây