Những ngày cuối năm, trên con đường trải nhựa 877B dài 35,5 km chạy dọc từ đầu bến phà Bình Ninh đến điểm cuối huyện Tân Phú Đông, đâu đâu cũng bắt gặp những chuyến xe tải chở đầy hàng nông sản hối hả đi muôn phương. Ít ai biết, những trái mãng cầu xiêm trong mâm ngũ quả chưng tết, những con tôm sú tươi ngon hay những cây sả cay nồng có mặt trên thị trường trong và ngoài nước đều là đặc sản của đất cù lao này. Đó cũng là những cây trồng, vật nuôi chủ lực giúp nhiều người dân trên vùng đất này thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong ký ức của những người lớn tuổi, Tân Phú Đông là nơi “đầu sóng, ngọn gió”, nơi trùng điệp những cánh rừng bần, rừng đước. Do có vị trí chiến lược tiếp giáp giữa Tiền Giang sang Bến Tre, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và quân thù. Sau giải phóng, những nông trường được lập nên ở Tân Phú Đông nhờ bàn tay khai phá của con người. Những cánh rừng bần, đước dần được thay thế bằng những rừng dừa, rừng cói. Nhắc đến thời điểm lịch sử gian khó khai phá đất rừng, thành lập những nông trường, ai cũng nhớ đến những câu hát đầy cảm khái của nhạc sĩ Hoàng Phương: “Thương một người ở xa, một mình đôi mắt đỏ/Con thuyền đi sóng vỗ, sóng nước xa đôi bờ/Về nông trường Phú Đông, rừng Tổ quốc mênh mông…”.
Ở Tiền Giang, Tân Phú Đông là huyện non trẻ nhất, được thành lập năm 2008 từ 6 xã của cù lao Lợi Quan. Đây là các xã nghèo vừa được công nhận là xã đảo, phải nhận trợ cấp của tỉnh và trung ương. Mười năm thành lập huyện là quãng thời gian không dài, nhưng đã có bao đổi thay trên vùng đất gian khó này. Anh Bùi Văn Cường, Chánh văn phòng UBND huyện Tân Phú Đông kể với chúng tôi: “Nhiều cán bộ lão thành từng làm việc ở Tân Phú Đông về thăm lại đã bày tỏ niềm xúc động muốn khóc trước những đổi thay quá lớn ở đây. Không ai nghĩ bộ mặt Tân Phú Đông có thể lột xác như vậy. Ngày xưa, con đường chính đất đỏ chông chênh, xung quanh là những cây bần, cây mắm to bằng vòng tay người ôm. Đi xe đạp còn nhọc nhằn huống chi là phương tiện khác. Giờ thì đường trải nhựa, bê tông về sâu tận ấp, tận ngõ nhà dân. Hệ thống bệnh viện, trường học phát triển…”.
Ấp Pháo Đài, xã Phú Tân là một trong những nơi khó khăn nhất của Tân Phú Đông, giờ đã có nhiều nhà mái ngói khang trang liền nhau. Trưởng ấp, ông Nguyễn Văn Bướm, hồ hởi khoe: “Tất cả là nhờ con tôm đó mấy chú. Từ khi chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, mỗi hộ thu được trung bình từ năm chục đến vài trăm triệu trong năm. Năm 2017, thời tiết thuận, giá cả ổn định nên người dân nuôi tôm được khá hơn. Toàn ấp đạt sản lượng trên 1.023 tấn, thu lãi trên 40 tỷ đồng. Đặc biệt, có ông Trần Văn Mừng thu lãi tới 3-4 tỷ đồng do có tới 10 ha ruộng tôm”.
Ở xã Phú Tân, nơi nước biển xâm nhập sâu vào ruộng đồng, đất nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng, một năm chỉ canh tác một vụ lúa thì những nông dân tâm huyết với đất đai thôi chưa đủ, phải có thêm tài trí nữa mới bám trụ được. Đó là anh Hà Văn Hải. Cơ thể săn chắc, làn da ngăm đen vì nắng, gió, anh Hải đã 10 năm quần quật cải tạo ruộng đồng ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân. Anh là người tiên phong trong vùng mạnh dạn chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh hồ hởi khoe, năm đầu tiên thử nghiệm giống lúa chịu mặn do Trường Đại học Cần Thơ lai tạo đã cho thu hoạch 28 tấn lúa. Sau thu hoạch, anh thả tôm sú, rồi sau đó thả thêm tôm thẻ chân trắng và cua giống. Cách làm mới của anh Hải ít ai dám làm, nhưng giờ lại trở thành mô hình mẫu cho nhiều người dân học hỏi để thoát nghèo. Trong năm 2017, mô hình tôm lúa giúp anh Hải khoản lợi nhuận 300 triệu đồng; những người dân xung quanh làm theo mô hình của anh đều cho thu nhập khá.
Không ở nơi nào của đất nước ta, cây sả được trồng nhiều như ở Tân Phú Đông. Trên đất cù lao này, đâu đâu cũng thấy sả mọc xanh tươi. Sả trồng dọc bờ kênh, sau vườn nhà, xen trong vườn dừa, đặc biệt là trên đất lúa. Những cánh đồng sả mênh mông gợn sóng dập dờn theo chiều gió như reo vui trước những người khách lạ. Những chuyến xe mỗi ngày chở sả thương phẩm xuôi nam, ngược bắc mang về niềm tin đổi đời cho người dân nghèo trên miền đất mặn. Trước đây, người dân trồng sả chỉ để làm gia vị cho bữa ăn gia đình thôi. Sau thấy giá sả cao mấy ngàn đồng, người dân thấy hiệu quả kinh tế nên mở rộng diện tích trồng lên tới 2.000 ha, bình quân năng suất 15-17 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 75-80 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần trồng lúa. Sau đợt rớt giá từ đầu năm, những ngày cuối năm, giá sả hồi phục lên mức 4.000 đồng/kg. Người dân ở đây cho rằng: “Mức giá thế này thì người dân ăn tết khỏe rồi”. Hai nhà máy chế biến tinh dầu sả dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2018 sẽ nâng cao giá trị cây sả của vùng đất Tân Phú Đông.
Một điểm thu mua mãng cầu xiêm ở xã Tân Phú. Ảnh: tiengiang.gov.vn
Những ngày cận tết Mậu Tuất 2018, nhiều người trồng mãng cầu xiêm ở xã Tân Phú và Tân Thạnh chăm chút vườn cây, chọn những trái đẹp cung ứng cho thị trường đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết. Những trái mãng cầu phục vụ tết có giá cao hơn hẳn ngày thường, mang lại nguồn thu lớn cho nhà vườn. Trái mãng cầu xiêm được xác định là cây trồng chủ lực, cây làm giàu cho người dân ở huyện Tân Phú Đông. Được biết, nếu người dân trồng đúng quy trình kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp hướng dẫn có thể thu về lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có 15 vựa thu mua mãng cầu, sau đó các thương lái sẽ phân phối đi tiêu thụ khắp cả nước. Nhờ đó, người dân ở khắp nơi được thưởng thức hương vị mát ngọt, bổ dưỡng của loại đặc sản này.
Nghiệm lại những thành quả đạt được trong câu chuyện làm ăn, cũng như đời sống kinh tế - xã hội của người dân, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho rằng: “Ngoài hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp giúp việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân được thuận tiện, việc tỉnh đầu tư 68 tỷ đồng lắp đặt hệ thống ống đưa nước sạch từ nhà máy nước BOO Đồng Tâm vượt sông về tận nhà người dân có thể nói là khâu đột phá góp phần thay đổi mọi mặt đời sống Tân Phú Đông”.
Mùa khô hạn lịch sử năm 2016, người dân Tân Phú Đông đón nhận niềm vui lớn khi hệ thống nước sạch của tỉnh chính thức đấu nối và đưa vào vận hành. Sự kiện lịch sử này vượt ngoài hình dung ban đầu của người dân, vì từ lúc hình thành cù lao đến nay, bao đời người dân sống ở đây làm gì có nước sạch dẫn đến nhà như bây giờ. Trước đây, dân khổ sở đủ điều trong mùa khô, nhất là thời gian từ tháng 2 đến tháng 5. Nguồn nước thô chủ yếu lấy từ 6 ao chứa nước mặt từ sông Cửa Tiểu và Cửa Trung. Người dân sống dựa vào nước mưa, tích trữ nước trong lu, khạp. Hết nước dự trữ, người dân phải đổi (mua) nước giá cao từ xà lan. Bây giờ tình hình đổi khác, đã có 80% hộ dân Tân Phú Đông được dùng nước sạch, dự kiến năm 2018 tỷ lệ này sẽ được nâng lên 90%. Sau khi có dự án nước sạch về, huyện định hướng phát triển kinh tế theo hướng tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến, phát triển du lịch, tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản tôm, cua, nghêu, trồng mãng cầu, sả, dừa.
Theo thống kê của huyện, trong 11.773 hộ đã có gần 65% hộ khá, giàu. Vẫn còn 31,64% hộ nghèo, nhưng con số này sẽ giảm nhanh chóng trong những năm tới. Vẫn còn nhiều mục tiêu để huyện nâng cao hơn nữa đời sống người dân, nhưng nhìn những ánh mắt lấp lánh niềm vui của những người đã vượt qua thời lam lũ quá khứ, chúng tôi cảm nhận được niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ của con người nơi đây sẽ tiếp tục gặt hái thêm những “mùa vàng” trên mảnh đất gian khó.