Chiến thắng Ấp Bắc trong trang sử hào hùng Việt Nam

Thứ hai - 01/01/2018 22:02
Bị thất bại thảm hại trong chiến lược “chiến tranh đơn phương” ở miền Nam, năm 1961, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, nhằm dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. 

Để thực hiện chiến lược này, chính quyền Mỹ đề ra kế hoạch Staley - Taylor nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng; trong đó, biện pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường xây dựng lực lượng quân ngụy, dùng lực lượng quân ngụy mạnh do cố vấn Mỹ chỉ huy, được một số đơn vị quân Mỹ yểm trợ, áp dụng chiến thuật cơ động bằng máy bay trực thăng và xe thiết giáp (chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận) để nhanh chóng đập tan lực lượng vũ trang cách mạng.

Theo Thượng tướng Trần Văn Trà, chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận nguy hiểm ở chỗ “với trực thăng chở quân được bố trí tại các căn cứ quân sự có ở khắp nơi, Mỹ có thể đưa quân ngụy tấn công vào bất cứ vùng rừng núi hiểm trở hay bưng biền, sông rạch nào trong vòng một vài tiếng đồng hồ một cách bất ngờ; với trực thăng vũ trang, Mỹ có thể bắn phá và chi viện cho quân ngụy bằng súng liên thanh và hỏa tiễn từ trên trời bất chấp địa hình và cả thời tiết; xe thiết giáp M.113 là loại xe có vỏ thép chống đạn, được trang bị mạnh, dùng chở bộ binh tấn công đột phá vào trận địa đối phương, lại chạy được trên địa hình bình thường hay lầy lội sông rạch”; trong khi đó, quân giải phóng và du kích của ta mới chỉ được trang bị súng bộ binh nhẹ và chưa có cách đánh thích hợp cũng như kinh nghiệm để đối phó với những chiến thuật “tân kỳ” của địch.

Bằng những nỗ lực chiến tranh điên cuồng, địch đã gây cho lực lượng võ trang giải phóng nhiều khó khăn và tổn thất. Do đó, việc đề ra một chiến thuật mới để đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy là một yêu cầu cấp bách và sống còn của quân dân miền Nam. Trước tình hình đó, ngày 7 - 9 - 1962 tại căn cứ Hưng Thạnh (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), Đoàn cán bộ của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, do Phó Bí thư Võ Chí Công làm trưởng đoàn, đã có cuộc họp với Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, tại cuộc họp, sau khi phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí Võ Chí Công có kết luận chỉ đạo về việc chống địch càn quét như sau: “Địch đã chuyển sang chiến tranh đặc biệt, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng chống chiến tranh đặc biệt của địch. Quy luật chiến tranh của địch là càn quét, ta phải chống càn quét; và chống càn quét phải theo đường lối chiến tranh nhân dân, phải kết hợp ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang và binh vận), phải kết hợp ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích) trên thế xã chiến đấu để đánh địch. Lực lượng vũ trang tập trung phải đứng lại đánh càn tiêu diệt địch mà tồn tại, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép, không thể tránh càn mà tồn tại. Kinh nghiệm trận Trại Lòn của đại đội 3 tiểu đoàn 261 vì rút lui không đánh mà bị thiệt hại. Do đó, các địa phương phải đề ra chủ trương cho bộ đội đứng lại đánh càn, còn đánh như thế nào thì anh em bộ đội tự tính được”.(1)

Có được sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Thường vụ Trung ương Cục, quân giải phóng miền Nam đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, thu được những thắng lợi to lớn, tiêu biểu nhất là chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang).

Ngày 01 - 01 - 1963, các đơn vị bộ đội khu và tỉnh tập hợp tại Ấp Bắc để chuẩn bị tấn công ấp chiến lược Giồng Dứa (xã Long Định, huyện Châu Thành). Dò biết hoạt động của quân ta, sáng sớm ngày 02 - 01 - 1963, địch mở cuộc càn mang tên “Đức Thắng 1/63”, đánh vào Ấp Bắc. Chiến trận diễn ra rất ác liệt, bắt đầu từ 5 giờ sáng và kéo dài liên tục đến 20 giờ. Đúng như bài bản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, địch cho pháo binh, máy bay ném bom, bắn phá dọn đường, rồi trực thăng đổ quân có xe thiết giáp đi đầu yểm trợ từ ba mặt thực hiện thế “bủa lưới, bao vây”; sau đó, đồng loạt tấn công để “phóng lao, hợp điểm” vào Ấp Bắc. Mặc dù vậy, các chiến sĩ của ta vẫn anh dũng và bình tĩnh bám chặt công sự, kiên cường đánh trả từng đợt tiến công điên cuồng của địch.

Sau một ngày kiên cường chống địch càn quét, ta đã giành được thắng lợi vang dội ở Ấp Bắc: 450 tên, trong đó có 9 cố vấn Mỹ, chết và bị thương; 8 chiếc trực thăng bị bắn rơi, 3 chiếc xe thiết giáp và 1 tàu chiến bị bắn hư, hầu hết số trực thăng tham chiến đều bị trúng đạn, 1 máy bay thám thính bị thương nhẹ.

Giá trị lớn nhất, có ý nghĩa chiến lược của chiến thắng Ấp Bắc là đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại hội nghị ngày 7 - 9 - 1962 thành một cách đánh có hiệu quả của lực lượng vũ trang cách mạng trong việc đối phó với những chiến thuật “tân kỳ” mà Mỹ - ngụy thực hiện ở miền Nam Việt Nam. Đó là cách đánh không được phân tán, né tránh địch, mà trụ lại, chuẩn bị công sự vững chắc, bám chặt công sự và không được thoát ly khỏi công sự, kiên cường phòng ngự theo phương châm “phòng ngự công sự điểm tựa vòng tròn” để đánh bại địch tấn công theo lối “bủa lưới bao vây”, trên cơ sở đó, khi thời cơ thuận lợi, tích cực phản kích để giành chiến thắng; trong đó, bao gồm luôn cả việc hoàn thiện kỹ - chiến thuật, nhất là cách bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp, cũng như chuẩn bị tốt công tác tư tưởng chiến đấu cho bộ đội và du kích. Địch “bủa lưới, phóng lao” thì ta phải “trụ lại, phá lưới, bẻ lao”.

Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong việc đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam: “Vào sâu, đứng lại, đánh càn, giải phóng nông thôn” hay “Bao vây, bức rút, bức hàng/Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn”.

Như vậy, chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng và báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ - ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ “Mỹ thấy không thể thắng ta được trong chiến tranh đặc biệt”.(2)

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm cho lòng tin của quân ngụy vào vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp và làm cố vấn bị suy sụp. Từ đó, sức chiến đấu của chúng bị giảm sút nghiêm trọng; đế quốc Mỹ cũng thấy không thể thắng cách mạng bằng quân sự. Đúng như Đảng ta nhận định: “Một điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đang làm cho ý chí chiến thắng của địch ngày càng tan rã. Sau chiến thắng Ấp Bắc của ta, đế quốc Mỹ bắt đầu thấy rằng chúng khó thắng được ta. Trong hàng ngũ quân đội đánh thuê và chính quyền tay sai, ngay trong đám cán bộ cao cấp, tư tưởng thất bại ngày càng lan rộng”.(3)

Chiến thắng Ấp Bắc là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà cho biết: “Sau trận Ấp Bắc, xe thiết giáp và các loại trực thăng không còn là nỗi kinh hoàng cho mọi người, không còn là bất khả trị nữa. Từng người du kích với khẩu súng trường, từng đơn vị nhỏ với súng liên thanh dám bắn và biết bắn hạ trực thăng theo gương thực tế của các chiến sĩ Ấp Bắc. Tinh thần không sợ và kỹ thuật diệt địch đã được giải quyết trong hàng ngũ quân giải phóng miền Nam”.

Sau chiến thắng vang dội này, Trung ương Cục phát động cao trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” và được quân dân miền Nam hưởng ứng nhiệt liệt trong việc đẩy mạnh thế chiến lược tiến công, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Diệm ngày càng sâu sắc, dẫn đến việc Mỹ giật dây cho bọn tướng lĩnh thân Mỹ tiến hành đảo chính, giết chết anh em Diệm - Nhu vào tháng 11-1963, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của ngụy quyền trung ương.

Chiến thắng Ấp Bắc đã mở đường cho việc quân dân ta ở miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân cả nước. Quả đúng như Neil Sheehan viết trong quyển Sự lừa dối hào nhoáng: “Trận đánh này đã tác động đối với toàn bộ cuộc chiến tranh”.

-----------

(1) Nguyễn Thanh Hà, Chiến thắng Ấp Bắc - 30 năm nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, 1993.

(2) Lê Duẩn, Thư vào Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1985.

(3) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước (tập 1), NXB Sự Thật, Hà Nội, 1985. 

TS. Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập588
  • Máy chủ tìm kiếm52
  • Khách viếng thăm536
  • Hôm nay59,249
  • Tháng hiện tại1,994,878
  • Tổng lượt truy cập40,364,254
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây