Trang sử vẻ vang của xã anh hùng Nhị Quý

Thứ sáu - 20/10/2017 04:18

Bìa quyển lịch sử đảng bộ xã Nhị Quý giai đoạn 1930-2014

Bìa quyển lịch sử đảng bộ xã Nhị Quý giai đoạn 1930-2014
Ngày 22-9-2017, Đảng bộ xã Nhị Quý (thị xã Cai Lậy) tổ chức lễ phát hành lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1930-2014. Quyển sách được biên soạn gồm 4 chương và các phần phụ lục.

Đây là một trong những quyển lịch sử đảng bộ xã tập hợp được nhiều tư liệu phong phú, hệ thống quá trình vận dụng đường lối chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện cụ thể của xã, đề ra các biện pháp lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, năng động, nhằm phát động các phong trào cách mạng, huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, góp phần làm nên những chiến công trong 2 cuộc kháng chiến chống thực Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong hòa bình xây dựng quê hương.

Nhị Quý là một xã nằm phía đông nam thị xã Cai Lậy, cạnh quốc lộ 1A, đây là vùng đất giồng nổi tiếng với nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa trong hệ thống Ba Giồng. Từ sau cuộc khởi nghĩa của Trần Xuân Hòa tháng 4 năm 1861, những năm dưới ách đô hộ của chính quyền thực dân, nhiều phong trào yêu nước như phong trào Thiên địa hội, Thanh niên Cao vọng đảng… vẫn âm thầm diễn ra trên vùng đất này. 

Năm 1937, chi bộ đảng xã Nhị Quý được thành lập, lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11 năm 1940). Đây là cuộc khởi nghĩa võ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng còn non trẻ. Dù bị đàn áp đẫm máu, bị tổn thất nhân mạng, bị bắt bớ tù đày... song sau khởi nghĩa Nam kỳ, phong trào cách mạng, đấu tranh giành độc lập vẫn được khôi phục nhanh chóng, đỉnh cao là sự tập hợp lực lượng giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), tuy Nhị Quý là địa bàn tạm chiếm, song lực lượng kháng chiến dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng vẫn làm chủ được nhiều ấp và tạo được những thắng lợi quan trọng.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, xã Nhị Quý là vùng đệm, đồng thời là cửa ngõ của vùng căn cứ cách mạng phía nam huyện Cai Lậy. Giặc bố trí đồn bót dày đặc, tập trung đánh phá rất quyết liệt với nhiều thủ đoạn thâm độc. Giữa tháng 5-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, phát động chiến dịch “tố cộng” trên toàn miền Nam, Nhị Quý trở thành một trong những xã trọng điểm trong chiến dịch tố cộng ở Cai Lậy. Mật vụ, cảnh sát... đến từng nhà dụ dỗ hăm dọa, đồng thời cách ly những gia đình có người thân đi tập kết hoặc tham gia kháng chiến hồi cư. Năm 1962, địch lập 2 ấp chiến lược qui mô ở ngã ba Nhị Quý và Cầu đúc Bưng Môn hòng kiểm soát cắt đứt mối liên hệ giữa quần chúng và cán bộ cách mạng. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ta hoàn toàn làm chủ được 2 ấp Quý Chánh và Quý Phước. Đến năm 1969, giặc phản kích ác liệt; song nhiều đơn vị cấp trên vẫn chọn Nhị Quý làm căn cứ, như: Binh vận Khu 8 (Khu trung Nam bộ), Binh vận tỉnh Mỹ Tho, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, Văn phòng Y.4 (Khu ủy Sài Gòn Gia Định)...

Từ năm 1969 đến 1973, Nhị Quý là địa bàn địch thường xuyên đưa các lực lượng chính qui càn quét nhằm tạo thế gọng kìm làm bàn đạp tấn công căn cứ địa cách mạng là Vùng 20 tháng 7, đồng thời hỗ trợ các lực lượng tại chỗ tăng cường bảo vệ tuyến quốc lộ qua xã và cũng nhằm kiểm soát cắt đứt tuyến vận tải của ta từ các xã phía nam sang phía bắc huyện và ngược lại.

Vào những giai đoạn khó khăn nhất, nhân dân Nhị Quý vẫn một lòng hướng về cách mạng và đi theo Đảng. Nhiều gia đình chí cốt đã tổ chức đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tham gia đường dây liên lạc, cung cấp thông tin cho các đơn vị vũ trang đánh giặc, tham gia các cuộc đấu tranh chính trị và binh vận... Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, có hàng trăm người đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ chiến sĩ. Đặc biệt là hệ thống hầm bí mật kiên cố để chôn giấu vũ khí nằm trên tuyến vận tải vũ khí qua lộ 4. Chi bộ đã vận động nhân dân đưa hơn 500 thanh niên lên đường tòng quân giết giặc; hơn 40.000 lượt quần chúng tham gia dân công hỏa tuyến, trung tuyến làm nhiệm vụ chuyển thương, tải đạn, phá ấp chiến lược, đào đường đắp mô trên quốc lộ, đào kênh chống xe thiết giáp, rào đường, đào hào chiến đấu... Nhân dân còn đóng góp hơn 100 tấn nhu yếu phẩm và thuốc men các loại, hàng ngàn tấn lúa gạo cho cách mạng.

Với thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, xã Nhị Quý được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhì, 2 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 2 Huy chương Giải phóng hạng Nhất, 2 Huy chương Giải phóng hạng Nhì. Năm 2015, xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhân dân xã Nhị Quý tập trung thi đua sản xuất, khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, người dân Nhị Quý vẫn luôn năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, cần mẫn trong học tập, nêu cao tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng xã nhà văn minh, giàu đẹp.

Chặng đường gần 40 năm qua (1975-2014) là giai đoạn có nhiều khó khăn, thử thách, song đảng bộ xã luôn nêu cao truyền thống anh hùng, phát huy tinh thần tự lực và sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh, giành nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Những trang sử hào hùng của đất và người Nhị Quý không chỉ nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, mà còn là những bài học kinh nghiệm quí báu áp dụng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập630
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm565
  • Hôm nay51,917
  • Tháng hiện tại1,691,666
  • Tổng lượt truy cập40,061,042
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây