|
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hồ Văn Mười. |
Đồng chí Hồ Văn Mười (bí danh Mười Nhỏ) sinh năm 1940 trong một gia đình bần nông, cha mẹ đều là nông dân nghèo, thật thà chất phác tại ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, huyện Châu Thành (nay là thành phố Mỹ Tho). Từ nhỏ, đồng chí phải đi làm thuê nhiều việc để kiếm sống và đỡ đần cho cha mẹ. Năm 15 tuổi, đồng chí đã sớm chứng kiến nhiều nỗi bất công, khổ đau của người dân dưới ách thống trị của thực dân và từ đó đã hình thành ý thức đấu tranh cách mạng của cậu bé vùng đất cù lao giữa bốn bề sông nước mênh mông. Năm 1960, đồng chí Hồ Văn Mười tìm gặp đồng chí Phan Minh Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND Tiền Giang) đang là Bí thư Chi xã Thới Sơn (giai đoạn 1960 - 1962) để xin tham gia vào lực lượng du kích xã. Sau một năm để trực tiếp đánh địch, đồng chí được tổ chức tín nhiệm giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích 2 ấp Thới Hòa và Thới Thuận của xã Thới Sơn. Đồng chí cùng đơn vị tổ chức nhiều trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lính địch, thu nhiều vũ khí cùng các loại quân trang, quân dụng của địch.
Từ khi tham gia cách mạng, ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Hồ Văn Mười cũng nêu cao quyết tâm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và gương mẫu đi đầu trong các phong trào cách mạng. Đồng chí đã chỉ huy lực lượng từ vũ khí thô sơ, tự tạo đánh địch, thu vũ khí của địch để chống lại địch, kết hợp chặt chẽ phong trào du kích chiến tranh với 3 mũi giáp công, trong đó nổi bật nhất là tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, gây cho địch nhiều tổn thất lớn. Năm 1960, khi vào lực lượng du kích, với tài thiện xạ của mình, ngay từ trận đánh đầu tiên, đồng chí Mười Nhỏ tiêu diệt tên Xếp Thổ ở khu vực ấp Thới Hòa nổi tiếng ác ôn ở sát đồn giặc đã động viên tinh thần lực lượng du kích và nhân dân địa phương hăng hái tham gia phong trào giết giặc lập công.
Năm 1960, trong lúc đội du kích xã chưa có đủ vũ khí để đánh địch, đồng chí Mười Nhỏ đã sáng tạo ra cách đánh bằng cách đi bắt nhiều tổ ong vò vẽ đem về bố trí theo các tuyến lộ ở 3 ấp Thới Hòa, Thới Bình và Thới Thuận của xã. Ở những nơi có ngã ba thì làm hàng rào chữ Z và đặt tổ ong vào nơi ấy để đánh địch. Để tạo ra trận phục kích này, đồng chí Hồ Văn Mười nhận được sự giúp đỡ của nhân dân, đã bắt nhiều tổ ong vò vẽ, sau đó nhốt lại trong các bao tải rồi bí mật đặt dọc đường mà họ đoán chắc chắn bọn địch sẽ đi qua. Khi địch đã lọt vào phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của các tổ ong, quân ta từ các hầm bí mật nới lỏng các sợi dây cước buộc miệng để bầy ong thoát ra nhè đúng kẻ địch mà đốt. Đồng chí còn vận động nhân dân và lực lượng du kích tham gia chế tạo hàng ngàn mũi chông các loại từ chông sắt, chông cao, đến chông bàn và đồng thời cho làm những hầm chông ở hai bên đường cạnh hàng rào. Những đoạn đường không có chướng ngại vật thì cho gài đạp lôi, chông trái ấu,… Đồng chí còn tổ chức làm pháo đài ở gần đồn Đình để bắn tỉa cô lập địch không cho chúng ra hoạt động. Triển khai và thực hiện kế hoạch, đồng chí cho lực lượng bố trí ở những nơi có địa hình thuận lợi để chống càn. Khi địch hành quân càn quét, lực lượng ta chờ cho chúng lọt vào những hàng rào chiến đấu thì cho lực lượng nổ súng. Bọn giặc nhảy vào hai bên đường để nấp, gặp phải hầm chông, lựu đạn gài và ong vò vẽ tấn công, diệt và làm bị thương nhiều tên.
Trong năm 1962, đồng chí Hồ Văn Mười đã chặn đánh bọn lính đồn 4 trận, chống càn 6 trận,
gây nhiều thiệt hại cho lực lượng địch, thu 1 súng rulô và nhiều đạn dược. Cũng trong 1962, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1963, đồng chí giữ chức vụ Xã đội trưởng xã Thới Sơn. Lúc này, đồng chí đã tổ chức nhiều trận bắn tàu chi viện cho lực lượng giao liên tỉnh Mỹ Tho - Bến Tre, tổ chức chống càn 6 trận. Đặc biệt, trận đánh tàu giặc tại địa điểm vàm Rạch Lác thuộc địa bàn ấp Thới Thuận, đối tượng tác chiến là lính Sư đoàn 7, đồng chí đã dùng súng bắn xả vào hội hình địch khi chúng rút quân, diệt được nhiều tên. Cuối năm 1963, lực lượng du kích xã do đồng chí chỉ huy đã phục kích bọn lính Hòa Hảo tại cầu kênh Nhà Thờ ấp Thới Thuận, diệt 8 tên, trong đó có tên Thưởng là trung đội phó, cùng 7 tên lính khác và làm bị thương 11 tên, ta thu 12 súng carbine, 1 súng thompson cùng nhiều đạn dược và bắt được 1 lính Mỹ.
Ngoài tài thiện xạ của mình và nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy, đồng chí Hồ Văn Mười còn thể hiện đức tính khiêm tốn giản dị, luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Những lúc phong trào cách mạng địa phương gặp khó khăn, đồng chí luôn kiên quyết bám trụ địa hình, vận động quần chúng nhân dân tham gia đánh địch. Đồng chí Phan Minh Thanh nhớ lại: “Có lần đồng chí lọt vào ổ phục kích của bọn lính Hòa Hảo, một mình đồng chí đã dùng lựu đạn tấn công trong khi bị thương và đồng chí đã mưu trí lợi dụng địa hình rút lui an toàn. Qua tổng két thành tích trong phong trào thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công, đồng chí Hồ Văn Mười đã được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Quân khu (3 năm liền) và 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì và hạng Ba”.
Đến năm 1965, Huyện ủy Châu Thành phân công đồng chí Hồ Văn Mười giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã
, kiêm Xã đội trưởng xã Thới Sơn, trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân du kích xã lập nhiều chiến công. Từ 1965 - 1966, địch đã tổ chức nhiều cuộc hành quân vây quét vào xã Thới Sơn. Trước sức mạnh bom đạn của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã, đồng chí Hồ Văn Mười đã cùng nhân dân bám đất, bám xã, bền bỉ đấu tranh bằng những vũ khí thô sơ với cách đánh du kích vô cùng thông minh đã đánh bại nhiều cuộc càng quét của địch. Xã Thới Sơn đã trở thành “cù lao Chông” làm cho kẻ thù khiếp sợ. Ngày 21/6/1966, đồng chí chỉ huy trận đánh phục kích lính đồn ở khu vực đầu cồn ấp Thới Bình. Trong trận đánh này, đồng chí đã anh dũng hi sinh. Tấm gương chiến đấu của đồng chí Hồ Văn Mười đã cổ vũ cho du kích Thới Sơn tiếp tục con đường dở dang của Bí thư Chi bộ, góp phần làm nên chiến công của lực lượng dân quân du kích xã Thới Sơn, được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vào năm 1978.
Tính chung trong những năm 1960 - 1966, trên địa bàn xã Thới Sơn, đồng chí Hồ Văn Mười đã tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu nhiều trận lớn nhỏ, bẻ gãy hàng chục trận càn quét, loại khỏi vòng chiến nhiều tên địch và thu nhiều súng, bắt ong vò vẽ làm phương tiện đánh địch, vót trên 10.000 cây chông các loại để đánh địch. Ghi nhận những chiến công đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí Hồ Văn Mười nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì và hạng Ba, 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu (1961-1963) và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân Hồ Văn Mười vẫn luôn in đậm trong tâm trí bao thế hệ trẻ xã Thới Sơn nói riêng và Tiền Giang nói chung. Nghị lực kiên cường, tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng chí đại diện cho phẩm chất của biết bao thế hệ bộ đội Cụ Hồ. Quyển
Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thới Sơn (1930-2015) nhận định: Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Mười là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm kiên cường của chiến sĩ cách mạng nhiều mưu trí, sáng tạo trong đánh địch, đánh bằng nhiều cách đánh đơn sơ nhưng hiệu quả, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn làm cho chúng hoang mang, khiếp sợ. Trong chiến đấu, đồng chí đã có nhiều đóng góp bao vây bức hàng, bức rút nhiều đồn bót địch, góp tiêu diệt địch. Trong cuộc sống, đồng chí luôn lạc quan, với nghị lực, sự kiên cường, mọi khó khăn đều vượt qua. Phẩm chất kiên cường, bất khuất của đồng chí đại diện cho phẩm chất của bao thế hệ bộ đội Cụ Hồ và còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân Hồ Văn Mười đã đi xa hơn 50 nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân đồng chí luôn sống mãi như tiếng sóng vỗ của dòng sông Tiền và cũng như sức sống mãnh liệt của vùng đất “cù lao Chông” vang danh một thời này.
Vĩnh Sơn
__________________________________
(*) Đồng chí Phan Minh Thanh (nguyên Bí thư Chi bộ xã Thới Sơn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) cho biết: Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, xã Thới Sơn còn được địch gọi là “Cù lao Chông”. Trên một diện tích khoảng 12 km² này, địch đã đóng trong xã 4 đồn với 10 trung đội, 1 phân chi khu cảnh sát, 5 tiểu đội dân vệ và thường xuyên được tăng cường tàu thuyền hải quân mở các cuộc càn quét, đánh phá rất ác liệt cả trên bộ lẫn dưới sông để triệt phá căn cứ cách mạng và cắt đứt đường giao liên giữa Mỹ Tho - Bến Tre. Riêng trong năm 1969-1970, địch đã mở 150 cuộc càn cấp tiểu đoàn, có cuộc kéo dài hàng tháng. Từ năm 1960-1975, du kích xã đã kiên trì bám trụ, bám dân đánh địch bằng nhiều hình thức, tiêu diệt, bắt sống nhiều tên, kết hợp binh vận đánh phá các đồn, bắn chìm một số canô, tàu tuần giang, thu nhiều vũ khí. Ngoài ra, du kích và nhân dân xã còn tự sản xuất nhiều quả mìn (mìn được làm bằng hộp cá mòi), hàng ngàn mũi chông, thiết lập các hàng rào chiến đấu (Trích phỏng vấn ngày 7/6/2020).
Tài liệu tham khảo:
1- Nguyễn Phúc Nghiệp, Võ Văn Sơn (2020), Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thới Sơn (1930-2015).
2- Tư liệu phỏng vấn đồng chí Phan Minh Thanh (nguyên Bí thư Chi bộ xã Thới Sơn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) từ tháng 1-6/2020.