Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - Bộ trưởng vì dân, vì Đảng

Thứ tư - 23/12/2020 22:40

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - một trong những vị Bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông tham gia đấu tranh cách mạng từ những 30 của thế kỷ XX, cùng nhân dân đấu tranh và vùng lên giành độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng đất nước với nhiều khó khăn, thách thức.


Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn sinh ngày 15-9-1914 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang) trong gia đình công chức khá giả. Vượt qua nỗi tủi nhục của người dân mất nước, ông cố gắng học giỏi, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho cuộc đấu tranh giành tự do, bảo vệ độc lập và xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp. 

1. Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - đại biểu trung thành với nhân dân

Từ khi còn là một học sinh Collège de Mytho, ông giác ngộ cách mạng, bí mật tham gia rải truyền đơn chống Pháp dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng và từng bị bắt giam tại nhà tù Mỹ Tho. Năm 1938, ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông, về làm ở Sở Lúa gạo Đông Dương. Ông vẫn bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Một lần nữa ông bị Pháp bắt, kết án 5 năm tù giam và đày ra Côn Đảo. Bị địch giam cầm và dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng ông vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng. Trong tù, ông tham gia đấu tranh chống lại sự hà khắc của bọn cai ngục, biến nhà tù thực dân thành trường học cộng sản. Ra tù, ông liên hệ với tổ chức cách mạng. Qua bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông được Bí thư Xứ ủy Nam kỳ là đồng chí Trần Văn Giàu giao nhiệm vụ lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền Phong. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lãnh đạo của lực lượng Thanh niên nổi dậy giành chính quyền đêm 24 rạng ngày 25-8-1945 tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ngày 6-01-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp Quốc hội lần đầu tiên khóa I, ông được cử giữ chức Bộ trưởng của Bộ Canh nông và Bộ Kinh tế.  Nhận nhiệm vụ, ông đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp, với phương châm: “Lấy cải tạo nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân”. Ông đưa ra kế hoạch sản xuất tự cấp, tự túc từ tháng 10 năm 1946 đến tháng 3 năm 1947. Trong lúc thực hiện kế hoạch này, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh làm đặc phái viên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bên cạnh Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, có nhiệm vụ phải lo đủ lương thực và tài chính  cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn là trưởng đoàn đầu tiên đi bộ suốt ba tháng mở con đường huyết mạch kinh tế dọc dãy Trường Sơn đưa giấy bạc Bác Hồ vào in tại Nam bộ. Ông ba lần đi bộ trên con đường này từ chiến khu Đồng Tháp Mười đến chiến khu Việt Bắc để họp Chính phủ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Khi tập kết ra Bắc, ông được cử giữ chức Phó Văn phòng Thủ tướng, rồi sau đó là Ủy viên Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông cùng Thủ tưởng Chính phủ Phạm Văn Đồng xây dựng kế hoạch 5 năm đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Ở bất cứ cương vị nào ông cũng nêu cao tinh thần gương mẫu, trung thực, liêm khiết và thương yêu đồng chí, đồng đội. Suốt 15 năm trực tiếp gắn bó với ngành Nông nghiệp, trong đó có 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Ngô Tấn Nhơn đã để lại những dấu ấn lớn trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Về phát triển kinh tế, ông biết coi trọng phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, khôi phục và phát triển một số ngành công nghiệp và thủ công nghiệp để chấm dứt nạn đói và nạn thất nghiệp. Song song với cho phép phát triển công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông rất chú trọng phát triển mạnh mẽ kinh tế quốc doanh và hợp tác xã.

Trong nông nghiệp, để khắc phục tình trạng độc canh, mất cân đối giữa các ngành, Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn Nhơn đã đề ra phương châm phát triển nông nghiệp toàn diện, lấy lương thực làm trung tâm, đồng thời phát triển chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, nghề phụ nông thôn. Ông chủ trương kết hợp hợp tác hóa nông nghiệp với phát triển sản xuất nông nghiệp, lấy việc đưa nông dân lao động vào con đường làm ăn tập thể, tổ chức lại lực lượng lao động ở nông thôn để làm cơ sở cho việc phát triển.

Kết quả phát triển nông nghiệp thời gian đó đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, tình trạng mất cân đối trong nông nghiệp giảm dần. Sản xuất lương thực phát triển mạnh, song song với việc phát triển nhanh vùng trồng cây công nghiệp và chăn nuôi đã làm cho nông nghiệp giảm hẳn tình trạng độc canh…

Trong quá trình làm việc (từ năm 1954 - 1978), ông đã giữ những trọng trách như Ủy viên Thường trực Ban Kinh tế Chính phủ chuyên trách nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) chuyên trách nông nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phụ trách xây dựng và theo dõi việc thực hiện các kế hoạch kinh tế quốc dân - chịu trách nhiệm chính về ngành Nông nghiệp và là Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất đất nước trực thuộc Chính phủ. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa  I đến khóa VII.

Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác cho ông. Ông mất năm 2005 tại Sài Gòn, thọ 92 tuổi.  

Cuộc đời Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn Nhơn gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp và kinh tế của đất nước. Ông đặt nền móng và có công lớn trong đề ra chính sách phát triển nền nông nghiệp và kinh tế Việt Nam; bồi dưỡng và đào tạo một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.

2. Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn -tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Trong hoạt động cách mạng, Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở Nam bộ và Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, ông cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết. Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ông luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” theo gương Bác Hồ vĩ đại.       

Nét nổi bật trong phong cách của Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ và khoa học. Ông thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; mỗi quyết sách của ông đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi khi hoạch định, ban hành chủ trương, chính sách mới, ông đều xuất phát từ thực tiễn. Ông thường xuyên nhắc nhở cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tổng kết thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, chính sách đề ra, mới phát động được phong trào cách mạng của quần chúng, phong trào có phát triển, cách mạng mới giành được thắng lợi.

*

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc: dân tộc độc lập, nhân dân tự do, đất nước thống nhất và trọn vẹn lãnh thổ, với tính khiêm nhường, lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với nhân dân và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Cuộc đời oanh liệt và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của ông làm tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của ông - người cộng sản kiên cường, bất khuất, đại biểu trung thành với nhân dân. Ông để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng, đó là: Giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm, nhân ái với đồng bào, đồng chí; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc hợp lý trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, chính sách đã vạch ra, nhằm đem lại kết quả thiết thực nhất cho cách mạng và nhân dân.   


Lê Văn Tý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập262
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm248
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,174,134
  • Tổng lượt truy cập34,759,779
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây